Cùng dự có đồng chí Hà Thị Khiết, nguyên Bí thư T.Ư Đảng, nguyên Trưởng Ban Dân vận T.Ư; các đồng chí Ủy viên T.Ư Đảng: Hoàng Bình Quân, Trưởng Ban Đối ngoại T.Ư; Đào Việt Trung, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước; Đỗ Văn Chiến, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc; Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư; Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Công thương; Bùi Thị Minh Hoài, Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kiểm tra T.Ư; Nguyễn Thị Thanh, Phó Trưởng Ban Tổ chức T.Ư, Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu Quốc hội; Lê Hoài Trung, Thứ trưởng Ngoại giao; Nguyễn Đắc Vinh, Phó Chánh Văn phòng T.Ư Đảng; Triệu Tài Vinh, Phó Trưởng Ban Kinh tế T.Ư; Điểu K Ré, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Dân vận T.Ư; Đặng Quốc Khánh, Ủy viên dự khuyết T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang; đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành, cơ quan T.Ư; Mẹ Việt Nam Anh hùng; lãnh đạo chủ chốt của Ban Chấp hành Đảng bộ qua các thời kỳ, cùng 345 đại biểu tiêu biểu đại diện hơn 56 nghìn đảng viên của toàn đảng bộ.
Báo cáo chính trị nhiệm kỳ 2015 - 2020 do đồng chí Chẩu Văn Lâm, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy trình bày nêu rõ, 5 năm qua, tỉnh cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ 16 đề ra. Kinh tế của tỉnh duy trì tốc độ tăng trưởng khá, bình quân đạt 6,45%/năm; cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng dịch vụ, giảm dần tỷ trọng ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản. Ba khâu đột phá, bốn nhiệm vụ trọng tâm được cụ thể hóa và triển khai tích cực. Tiềm năng, lợi thế về du lịch, nông nghiệp từng bước được khai thác, phát huy. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được cải thiện và nâng cao chất lượng, diện mạo đô thị, nông thôn ngày càng đổi mới. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn hằng năm đều đạt và vượt dự toán được giao. Các lĩnh vực văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ; giáo dục - đào tạo tiếp tục được củng cố ở tất cả các bậc học và ngành nghề đào tạo; đội ngũ cán bộ, công chức được quan tâm đào tạo, bồi dưỡng. Bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc được giữ gìn, bảo tồn và phát huy; công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân được nâng lên. An sinh xã hội được bảo đảm; công tác giảm nghèo thu được nhiều kết quả, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh; đời sống nhân dân tiếp tục được cải thiện. Quốc phòng, an ninh được tăng cường và giữ vững; trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Công tác xây dựng Đảng có sự chuyển biến tích cực, toàn diện cả về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức; chủ trương tinh giản biên chế, sắp xếp tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả được triển khai quyết liệt. Phương thức lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy được đổi mới. Năng lực chỉ đạo, điều hành và quản lý của chính quyền các cấp có nhiều tiến bộ, hiệu lực, hiệu quả được nâng lên.
Thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đồng chí Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư đã phát biểu ý kiến chỉ đạo đại hội. Đồng chí biểu dương những kết quả mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Tuyên Quang đã nỗ lực đạt được trong nhiệm kỳ vừa qua và nhấn mạnh: Để thực hiện mục tiêu xây dựng tỉnh Tuyên Quang trở thành tỉnh phát triển khá, bền vững, toàn diện khu vực miền núi phía bắc, đề nghị Đại hội thảo luận kỹ những hạn chế, phân tích rõ nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan để có biện pháp khắc phục.
Đồng thời, đồng chí Trần Quốc Vượng nhấn mạnh thêm một số nội dung để Đại hội thảo luận. Đó là, phát huy truyền thống cách mạng, nơi đã được T.Ư Đảng, Bác Hồ chọn làm Thủ đô Khu Giải phóng, Thủ đô kháng chiến. Các đại biểu dự đại hội cần phân tích, làm rõ những kết quả đạt được, những thuận lợi, khó khăn riêng có của tỉnh nhà, để quyết định phương hướng phát triển, nhiệm vụ, giải pháp thiết thực, phát huy tốt nhất, hiệu quả nhất tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, phấn đấu vươn lên mạnh mẽ hơn, “đưa tỉnh Tuyên Quang phát triển khá, toàn diện, bền vững trong khu vực miền núi phía bắc”.
Tiếp tục đổi mới, chủ động, tích cực hơn, với các giải pháp đồng bộ, bước đi thích hợp, với phương châm phát triển kinh tế xanh, nhanh, bền vững, gắn với bảo đảm an sinh, ổn định trật tự, an toàn xã hội. Huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, ưu tiên đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, đô thị và công nghệ thông tin. Đa dạng hóa các nguồn vốn đầu tư, các công trình, dự án phát triển kết cấu hạ tầng. Chú trọng xây dựng hạ tầng giao thông kết nối với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai và các công trình giao thông trọng điểm. Đổi mới và nâng cao chất lượng quy hoạch đô thị; đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa.
Tập trung phát triển toàn diện nông, lâm nghiệp, thủy sản theo hướng ứng dụng công nghệ cao, bảo vệ môi trường bền vững, gắn với xây dựng nông thôn mới; phát triển sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị, xây dựng thương hiệu, đa dạng hóa sản phẩm và mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu. Nâng cao chất lượng công tác quản lý, bảo vệ rừng gắn với phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững, bảo tồn đa dạng sinh học; trở thành một trong những tỉnh điển hình về phát triển kinh tế lâm nghiệp của cả nước.
Tiếp tục thu hút đầu tư, đẩy mạnh phát triển một số ngành công nghiệp có tiềm năng, lợi thế, nhất là công nghiệp chế biến nông, lâm sản và khoáng sản, tạo hàng hóa có giá trị cao. Phấn đấu trở thành một trong những trung tâm chế biến nông, lâm sản của vùng trung du và miền núi phía bắc.
Phát huy tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch lịch sử - văn hóa, du lịch sinh thái - nghi dưỡng, du lịch cộng đồng; tạo nên những sản phẩm du lịch chất lượng cao, trở thành một trong những trung tâm du lịch văn hóa, lịch sử cách mạng hàng đầu của vùng trung du miền núi phía bắc; là điểm đến hấp dẫn trong hành trình thăm quan, nghiên cứu của du khách trong và ngoài nước.
Chú trọng công tác giáo dục, đào tạo, xây dựng nguồn nhân lực phục vụ cho quá trình phát triển của tỉnh. Nâng cao chất lượng công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân, phòng chống dịch bệnh. Coi trọng công tác an sinh xã hội, tập trung giảm nghèo nhanh và bền vững; chăm lo nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, nhất là gia đình chính sách, người có công, đồng bào dân tộc thiểu số và vùng cao, vùng xa còn khó khăn.
Tiếp tục quán triệt, nhận thức đầy đủ, sâu sắc về vai trò, tầm quan trọng, nhiệm vụ hàng đầu, then chốt của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Kiên trì thực hiện nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh, gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Thực hiện nghiêm nguyên tắc sinh hoạt đảng, thường xuyên tự phê bình và phê bình. Tiếp tục thực hiện đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực hiệu quả. Tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra Đảng và công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí.
Đồng chí Trần Quốc Vượng đề nghị các đại biểu với tinh thần đoàn kết và trách nhiệm chính trị cao, dân chủ, sáng suốt lựa chọn các đồng chí đủ tiêu chuẩn, năng lực, uy tín, là trung tâm đoàn kết tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa tới. Bầu Đoàn đại biểu dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng bảo đảm tiêu chuẩn, cơ cấu theo quy định của Trung ương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh, góp phần vào sự thành công của Đại hội XIII của Đảng.
Đại hội Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang tiếp tục làm việc và kết thúc ngày 15-10.