Cùng dự Đại hội, có đại diện lãnh đạo các bộ, ngành T.Ư, các đồng chí lão thành cách mạng, lãnh đạo chủ chốt Ban Chấp hành (BCH) Đảng bộ qua các nhiệm kỳ và 347 đại biểu, đại diện gần 75.000 đảng viên trong Đảng bộ.
Do diễn biến phức tạp của bão, mưa lũ nên Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Bình cắt gọn nhiều nội dung, chỉ diễn ra trong một ngày để tập trung cho công tác lãnh đạo ứng phó với mưa lũ.
Báo cáo chính trị của BCH Đảng bộ tỉnh Quảng Bình do đồng chí Trần Thắng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, trình bày nêu rõ, nhiệm kỳ qua, trong bối cảnh gặp nhiều thách thức, khó khăn chưa từng có nhưng với sự giúp đỡ to lớn của Trung ương, sự lãnh đạo, chỉ đạo năng động, sáng tạo, quyết liệt của Đảng bộ, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, Quảng Bình đã từng bước vượt qua khó khăn, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra, đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực.
Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, xây dựng, chỉnh đốn Đảng được triển khai tích cực, toàn diện, hiệu quả. Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng được nâng lên rõ rệt; tổ chức bộ máy cơ quan đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp được sắp xếp, kiện toàn theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân năm năm đạt 6,13%; thu ngân sách tăng bình quân 17,4%/năm; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng; xây dựng nông thôn mới có nhiều chuyển biến tích cực, đến hết năm 2020, toàn tỉnh có 61,7% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 15 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu. Sản xuất công nghiệp tăng trưởng khá. Du lịch từng bước khẳng định là ngành kinh tế mũi nhọn. Kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội từng bước đồng bộ, một số hạ tầng quan trọng được hình thành, như: cảng biển Hòn La, cảng hàng không Đồng Hới, cửa khẩu quốc tế Cha Lo… Môi trường đầu tư, kinh doanh tiếp tục được cải thiện mạnh mẽ bằng các cơ chế, chính sách phù hợp, thuận lợi hơn.
Lĩnh vực văn hóa - xã hội, giáo dục, y tế, khoa học công nghệ tiếp tục được quan tâm và đạt kết quả tích cực. Công tác giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội đạt được nhiều kết quả tích cực, tỷ lệ hộ nghèo năm 2020 còn dưới 4%, giảm bình quân 2,1%/năm. Quốc phòng - an ninh được tăng cường; trật tự, an toàn xã hội được giữ vững. Quan hệ đối ngoại, hội nhập quốc tế tiếp tục được mở rộng, tạo điều kiện cho sự phát triển bền vững.
Nhiệm kỳ mới, BCH Đảng bộ tỉnh Quảng Bình xác định những định hướng, mục tiêu cơ bản để xây dựng những nhiệm vụ, giải pháp quan trọng trong giai đoạn 2020-2025. Cụ thể: Về mục tiêu tổng quát: “Tăng cường xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh; bảo đảm quốc phòng, an ninh; phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân, đổi mới sáng tạo, huy động mọi nguồn lực, chủ động hội nhập quốc tế, phấn đấu đưa Quảng Bình trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực Bắc Trung Bộ”.
Nhằm cụ thể hóa mục tiêu này, BCH Đảng bộ Quảng Bình xác định tập trung vào bốn khâu đột phá, tương ứng với bốn chương trình hành động cần phải được triển khai thực hiện thật tốt trong nhiệm kỳ: Đó là phát triển du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội theo hướng đồng bộ, từng bước hiện đại; đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính và nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh; phát triển nguồn nhân lực và nâng cao chất lượng công tác cán bộ.
Phát biểu tại Đại hội, thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân ghi nhận, biểu dương và chúc mừng Đảng bộ, quân và dân tỉnh Quảng Bình về những thành tựu đã đạt được trong nhiệm kỳ qua. Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân đề nghị Đại hội cần nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá khách quan, toàn diện, chính xác; phân tích sâu thêm về những hạn chế, yếu kém trên các lĩnh vực, chỉ rõ những nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan để đề ra các giải pháp khắc phục có hiệu quả.
Trên cơ sở đó, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh, gợi mở thêm một số nội dung để Đại hội nghiên cứu thảo luận:
Thứ nhất, Quảng Bình tiếp tục chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng nhanh tỷ trọng các ngành công nghiệp và dịch vụ có lợi thế; trong đó, du lịch vẫn là đột phá chiến lược mà tỉnh đã lựa chọn. Đẩy mạnh kêu gọi, thu hút các doanh nghiệp, nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước đầu tư vào các lĩnh vực hạ tầng thương mại - du lịch, như khách sạn, khu nghỉ dưỡng cao cấp, trung tâm thương mại, sân golf... nhất là ở khu vực Phong Nha - Kẻ Bàng, các khu nghỉ dưỡng ven biển. Đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, tạo ra những sản phẩm du lịch độc đáo, những khu du lịch mang đẳng cấp khu vực và quốc tế gắn với bảo vệ môi trường.
Tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp sạch, công nghệ cao, sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị; nâng cao năng suất và giá thành sản phẩm, mở rộng sản xuất theo hướng chuyên canh, tập trung, gắn với đặc điểm lợi thế của tỉnh, nhất là các ngành chăn nuôi vùng gò đồi, trồng rừng kinh tế, khai thác, nuôi trồng và chế biến thủy, hải sản... tạo ra nguồn hàng chất lượng cao phục vụ khách du lịch. Chú trọng phát triển lâm nghiệp, chế biến lâm sản, nhất là vùng miền núi, gắn với sinh kế của người dân. Tăng cường công tác trồng và bảo vệ rừng, ngăn chặn hiệu quả nạn phá rừng. Quan tâm đẩy mạnh thực hiện chiến lược biển, phát triển kinh tế biển, bao gồm cả nuôi, đánh bắt hải sản, hậu cần nghề cá thúc để phát triển kinh tế, xã hội.
Thứ hai, đi đôi với phát triển kinh tế, tỉnh Quảng Bình cần quan tâm phát triển văn hóa - xã hội, bảo vệ môi trường. “Đổi mới đồng bộ, toàn diện công tác cán bộ và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực” đã được Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lựa chọn là một trong những đột phá chiến lược của nhiệm kỳ 2020-2025. Muốn vậy, tỉnh cần chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao. Nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân. Phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc, các di tích lịch sử cách mạng, bảo tồn đa dạng sinh học gắn với phát triển du lịch. Đặc biệt quan tâm đến công tác bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu. Thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, chính sách đối với người có công và các chính sách xã hội khác.
Thứ ba, tăng cường quốc phòng - an ninh, giữ vững chủ quyền biên giới quốc gia, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội. Tập trung phòng, chống tội phạm, nhất là tội phạm về ma túy, tội phạm công nghệ cao, các loại tội phạm phát sinh ở khu vực biên giới. Làm tốt công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; nắm chắc tình hình để kịp thời giải quyết ngay tại cơ sở, không để hình thành "điểm nóng" phức tạp, kéo dài. Chú ý tuyên truyền, giáo dục cho người dân tham gia bảo vệ chủ quyền biển, đảo quốc gia. Tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác toàn diện với các địa phương nước bạn Lào giáp biên giới. Thực hiện tốt chính sách đoàn kết dân tộc, tôn giáo.
Thứ tư, tăng cường xây dựng, chính đốn đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; nâng cao năng lực lãnh đạo, hoạch định và tổ chức thực hiện đường lối, chủ trương, kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội, xây dựng Đảng của cấp ủy các cấp. Kiên trì, kiên quyết, nghiêm túc thực hiện mục tiêu “Xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức, cán bộ”.
Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) gắn với Chỉ thị số 05-CT/TW về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Giữ vững sự đoàn kết, thống nhất trong các cấp ủy, nhất là BCH, Ban Thường vụ cấp ủy. Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cán bộ chủ chốt và người đứng đầu đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác dân vận, sát dân, sát cơ sở hơn nữa; nâng cao chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội, tăng cường xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, chú trọng đoàn kết lương - giáo.