Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân dự và chỉ đạo đại hội. Cùng dự, có Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Ðình Dũng; đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành T.Ư; Bà mẹ Việt Nam Anh hùng; các đồng chí lão thành cách mạng; các đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ cùng 348 đại biểu chính thức đại diện hơn 44 nghìn đảng viên toàn Ðảng bộ.
Báo cáo chính trị tại đại hội nêu rõ, 5 năm thực hiện Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ tỉnh lần thứ 17, nhiệm kỳ 2015 - 2020, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức nhưng Khánh Hòa đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức 16 trong số 20 chỉ tiêu kinh tế - xã hội. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 6,1%/năm. Tổng thu ngân sách 5 năm đạt 91.541 tỷ đồng. GRDP bình quân đầu người năm 2020 đạt 73,31 triệu đồng. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng các ngành dịch vụ - du lịch và công nghiệp - xây dựng. Công tác xây dựng Ðảng, xây dựng hệ thống chính trị đạt nhiều kết quả tích cực. Việc thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 (khóa XI, khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Ðảng gắn với thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh ngày càng đi vào nền nếp, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng và đảng viên, tạo tiền đề thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của từng cơ quan, đơn vị trong tỉnh và xây dựng tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh…
Thay mặt Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân biểu dương những kết quả mà Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Khánh Hòa đạt được trong 5 năm qua; đồng thời chỉ rõ những hạn chế, bất cập và đề nghị đại hội thảo luận kỹ, đề ra giải pháp khắc phục hiệu quả. Ðồng chí nhấn mạnh, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 53-KL/TW (24-12-2012) về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, trong đó định hướng Khánh Hòa sẽ là trung tâm kinh tế - du lịch, khoa học và công nghệ, trung tâm đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế biển, kinh tế du lịch và chăm sóc sức khỏe nhân dân của vùng duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và của cả nước... Vì vậy, thời gian tới, tỉnh cần chủ động phối hợp với các ban, bộ, ngành T.Ư rà soát, đánh giá việc thực hiện Kết luận số 53 của Bộ Chính trị; tham mưu, đề xuất Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết mới về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị, trước mắt Khánh Hòa cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng và triển khai hiệu quả quy hoạch tỉnh phù hợp với quy hoạch vùng, quy hoạch cấp quốc gia, làm cơ sở định hướng cho phát triển. Tập trung chỉ đạo, ưu tiên đầu tư để phát triển đồng bộ các lĩnh vực giáo dục - đào tạo, y tế, văn hóa - xã hội; thực hiện tốt các chính sách xã hội. Kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế - xã hội với củng cố quốc phòng, an ninh; xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân và thế trận biên phòng toàn dân. Tích cực hoàn thiện bộ máy chính quyền từ tỉnh đến cơ sở; đẩy mạnh cải cách hành chính; phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Tiếp tục thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Nghị quyết T.Ư 4 (khóa XI, khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Ðảng; làm tốt công tác giáo dục cán bộ.
Ðại hội Ðảng bộ tỉnh Khánh Hòa lần thứ 18 tiếp tục làm việc đến ngày 14-10.
* Trước đó, ngày 12-10, Chủ tịch Quốc hội (QH) Nguyễn Thị Kim Ngân cùng Ðoàn công tác đến thăm và nói chuyện với công nhân Trạm biến áp Trung Nam - Thuận Nam tại xã Phước Minh, huyện Thuận Nam (Ninh Thuận). Ðây là Trạm biến áp 500 kV và đường dây đấu nối kết hợp Nhà máy điện mặt trời 450 MW - công trình chào mừng Ðại hội Ðảng bộ tỉnh Ninh Thuận lần thứ XIV. Công trình có tổng vốn đầu tư 12 nghìn tỷ đồng do tư nhân đầu tư, được triển khai trên diện tích 557 ha đất nhiễm mặn, thiếu nước, sản xuất không hiệu quả, đất đồi núi. Dự án có hơn 17 km đường dây truyền tải 500 kV, 220 kV kéo dài từ xã Phước Minh, huyện Thuận Nam (Ninh Thuận) đến xã Vĩnh Tân huyện Tuy Phong (Bình Thuận) được hoàn thành chỉ trong gần bốn tháng thi công.
* Ngày 13-10, Ðảng bộ tỉnh Hậu Giang tổ chức khai mạc Ðại hội đại biểu lần thứ 14, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Ðồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Ðảng, Trưởng Ban Tổ chức T.Ư dự và chỉ đạo đại hội. Cùng dự, có đồng chí Trần Thanh Mẫn, Bí thư T.Ư Ðảng, Chủ tịch Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; lãnh đạo các ban, bộ, ngành T.Ư; các đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh Hậu Giang - Cần Thơ qua các thời kỳ cùng 349 đại biểu chính thức đại diện cho hơn 33 nghìn đảng viên trong toàn Ðảng bộ.
Nhiệm kỳ qua, Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Hậu Giang không ngừng phấn đấu vượt qua khó khăn, thách thức, đoàn kết, nỗ lực thực hiện đạt nhiều kết quả quan trọng trên tất cả các lĩnh vực, hoàn thành và hoàn thành vượt mức hầu hết chỉ tiêu Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ tỉnh lần thứ 13 đề ra. Kinh tế tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 6,3%/năm. Quy mô nền kinh tế tăng 1,5 lần so với đầu nhiệm kỳ. GRDP bình quân đầu người năm 2020 đạt gần 50 triệu đồng (tăng gần 14 triệu đồng so với năm 2015). Tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới đạt 62,7%; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 3,1% (giảm bình quân 2%/năm). Ðời sống mọi mặt của nhân dân được nâng lên. Công tác xây dựng Ðảng, xây dựng hệ thống chính trị được chỉ đạo thực hiện toàn diện, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng.
Phát biểu ý kiến chỉ đạo đại hội, đồng chí Phạm Minh Chính biểu dương những thành tựu mà Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Hậu Giang đạt được trong thời gian qua. Về nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, đồng chí chỉ rõ những hạn chế trong công tác xây dựng Ðảng, xây dựng hệ thống chính trị và phát triển kinh tế - xã hội mà tỉnh cần khắc phục và đề nghị Ðảng bộ tỉnh cần tiếp tục giữ gìn, củng cố sự đoàn kết thống nhất trong Ðảng và các tầng lớp nhân dân, phát huy hơn nữa ý chí tự lực, tự cường, khát vọng vươn lên, phấn đấu đưa Hậu Giang phát triển nhanh và bền vững. Tỉnh xác định rõ những tiềm năng, lợi thế cạnh tranh để cụ thể hóa thành mục tiêu, phương hướng, kế hoạch, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội phù hợp trong giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; trong đó cần hết sức quan tâm giữ gìn, xây dựng nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc và coi trọng việc giáo dục truyền thống cách mạng, lòng yêu nước, khơi dậy niềm tự hào, củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Ðảng. Công tác củng cố quốc phòng - an ninh phải được xác định là nhiệm vụ thường xuyên, trọng yếu. Tích cực chủ động hơn nữa trong hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế...
Ðại hội Ðảng bộ tỉnh Hậu Giang lần thứ 14 tiếp tục làm việc đến ngày 14-10.
* Ngày 13-10, Ðảng bộ tỉnh Tiền Giang tổ chức khai mạc Ðại hội đại biểu Ðảng bộ lần thứ 11, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Ðồng chí Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó trưởng Bộ phận Thường trực chuyên trách Tiểu ban Văn kiện Ðại hội XIII của Ðảng dự và chỉ đạo đại hội. Cùng dự, có các đồng chí: Lê Thanh Hải, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh; Trương Mỹ Hoa, nguyên Bí thư T.Ư Ðảng, nguyên Phó Chủ tịch nước; đại diện lãnh đạo các ban Ðảng T.Ư, các đồng chí lão thành cách mạng; Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, lãnh đạo tỉnh các thời kỳ và 348 đại biểu đại diện hơn 49 nghìn đảng viên trong toàn Ðảng bộ.
Nhiệm kỳ qua, việc triển khai thực hiện Nghị quyết Ðại hội XII của Ðảng và Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ tỉnh lần thứ 10 trong bối cảnh có nhiều thuận lợi nhưng cũng không ít khó khăn, thách thức, nhưng với quyết tâm của cả hệ thống chính trị, tỉnh Tiền Giang đã đạt những thành tựu nổi bật. Hầu hết các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đều đạt và vượt: Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 7,3%/năm, tổng sản phẩm bình quân đầu người (GRDP) năm 2020 đạt 58,6 triệu đồng. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được quan tâm đầu tư; chương trình xây dựng nông thôn mới đạt nhiều kết quả thiết thực, đời sống và thu nhập của người dân được cải thiện. Toàn tỉnh có 107 trong tổng số 143 xã đã đạt chuẩn nông thôn mới (cao nhất trong vùng đồng bằng sông Cửu Long). Công tác xây dựng Ðảng được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả, nhất là thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Ðảng gắn với thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh…
Phát biểu ý kiến chỉ đạo đại hội, đồng chí Hoàng Trung Hải biểu dương những kết quả mà Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Tiền Giang đạt được trong nhiệm kỳ qua. Về nhiệm vụ thời gian tới, đồng chí lưu ý Ðảng bộ tỉnh cần tăng cường công tác xây dựng Ðảng về tư tưởng chính trị, đạo đức và tổ chức; chú trọng nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở đảng. Tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết T.Ư 4 (khóa XII) gắn với Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị. Tập trung xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Trong chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh cần tăng cường các giải pháp liên kết vùng, phát huy lợi thế của địa phương; rà soát, xây dựng quy hoạch phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, quy mô lớn, ứng dụng công nghệ, kỹ thuật tiên tiến.
Ðại hội Ðảng bộ tỉnh Tiền Giang tiếp tục làm việc đến ngày 15-10.
* Sau ba ngày làm việc, chiều 13-10, Ðại hội đại biểu Ðảng bộ TP Hà Nội lần thứ 17, nhiệm kỳ 2020 - 2025, kết thúc thành công. Tới dự phiên bế mạc có các đồng chí: nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng; Phạm Thế Duyệt, nguyên Ủy viên Thường vụ - Thường trực Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Phan Ðình Trạc, Bí thư T.Ư Ðảng, Trưởng Ban Nội chính T.Ư.
Ðại hội đã thảo luận và nhất trí thông qua Nghị quyết về phương hướng, mục tiêu và nhiệm vụ của Ðảng bộ nhiệm kỳ 2020 - 2025. Mục tiêu tổng quát là đến năm 2025, xây dựng Ðảng bộ TP Hà Nội có năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu cao và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tiêu biểu; phát triển nhanh và bền vững Thủ đô theo hướng đô thị xanh, thành phố thông minh, hiện đại, có sức cạnh tranh cao trong nước và khu vực; cơ bản hoàn thành mục tiêu công nghiệp hóa, GRDP bình quân đầu người đạt từ 8.300 đến 8.500 USD. Ðể thực hiện mục tiêu này, Ðảng bộ thành phố tập trung thực hiện năm định hướng lớn và nhiệm vụ trọng tâm; 14 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu và ba khâu đột phá giai đoạn 2020 - 2025.
Ðại hội đã bầu Ban Chấp hành Ðảng bộ thành phố khóa 17, nhiệm kỳ 2020 - 2025 gồm 71 đồng chí. Ban Chấp hành Ðảng bộ thành phố họp phiên thứ nhất bầu Ban Thường vụ Thành ủy gồm 16 đồng chí, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy gồm 12 đồng chí. Ðồng chí Vương Ðình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, tái đắc cử chức danh Bí thư Thành ủy Hà Nội khóa 17, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Ðại hội bầu Ðoàn đại biểu gồm 60 đồng chí dự Ðại hội lần thứ XIII của Ðảng.
Phát biểu bế mạc đại hội, đồng chí Vương Ðình Huệ đề nghị, ngay sau đại hội, tập thể Ban Chấp hành Ðảng bộ thành phố khóa 17 và từng đồng chí đại biểu, đại diện các cấp ủy phải bắt tay ngay vào việc cụ thể hóa Nghị quyết Ðại hội thành những chương trình, nhiệm vụ cụ thể và chỉ đạo triển khai tổ chức thực hiện đồng bộ, kịp thời, hiệu quả. Các cấp, ngành, địa phương, đơn vị đẩy mạnh việc tuyên truyền, quán triệt, thực hiện nhằm khẩn trương đưa Nghị quyết vào cuộc sống. Mỗi cán bộ, đảng viên các cấp ủy đảng, chính quyền, nhất là người đứng đầu phải phát huy tinh thần trách nhiệm cao, có tầm nhìn và tư duy đổi mới, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, vì sự nghiệp phát triển của Thủ đô và cả nước.
* Sáng 13-10, Ðại hội đại biểu Ðảng bộ Công an T.Ư (CAT.Ư) lần thứ bảy, nhiệm kỳ 2020 - 2025 bế mạc, thành công tốt đẹp.
Ðại hội đã thảo luận và thông qua các văn kiện quan trọng: Báo cáo chính trị của Ðảng ủy CAT.Ư trình đại hội; Báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo của Ðảng ủy CAT.Ư nhiệm kỳ 2015 - 2020; Báo cáo tổng hợp ý kiến của cán bộ, đảng viên và đại biểu đại hội đóng góp vào dự thảo các văn kiện trình Ðại hội XIII của Ðảng. Ðại hội đã bầu Ðoàn đại biểu dự Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Ðảng gồm 27 đại biểu chính thức, hai đại biểu dự khuyết cùng năm đại biểu đương nhiên.
Ðại hội xác định phương hướng, nhiệm vụ trong nhiệm kỳ tới là: Giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Ðảng, quản lý của Nhà nước đối với công tác bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội và hoạt động của lực lượng CAND. Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Ðảng bộ CAT.Ư, của các tổ chức đảng trong CAND; xây dựng lực lượng CAND cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số lực lượng tiến thẳng lên hiện đại. Tiếp tục nghiên cứu phát triển lý luận về bảo vệ an ninh quốc gia, an ninh xã hội, an ninh con người, an ninh mạng trong tình hình mới trên cơ sở tư duy mới và ứng dụng những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; đổi mới chủ trương, giải pháp, đối sách phù hợp với đòi hỏi của tình hình thực tiễn. Huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, của toàn dân, tăng cường và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế, giữ vững ổn định chính trị, bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trong mọi tình huống, không để bị động, bất ngờ, góp phần tạo môi trường hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn để xây dựng, phát triển đất nước.
Thay mặt Ðoàn Chủ tịch và Ðảng ủy CAT.Ư, phát biểu kết luận đại hội, Ðại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Công an nhấn mạnh, thời gian tới, bên cạnh những thời cơ, thuận lợi, lực lượng CAND tiếp tục phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức; sự phát triển lớn mạnh của Ðảng bộ CAT.Ư và lực lượng CAND phụ thuộc vào vai trò, hiệu quả lãnh đạo của từng cấp ủy, tổ chức đảng và nỗ lực tu dưỡng, rèn luyện, phấn đấu của mỗi cán bộ, đảng viên, chiến sĩ toàn lực lượng. Vì vậy, trong nhận thức và hành động của từng cấp ủy, tổ chức đảng và mỗi cán bộ, đảng viên phải luôn quán triệt sâu sắc phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ mà Ðại hội Ðảng bộ CAT.Ư lần thứ bảy, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra; luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm trong công việc, ý thức phục vụ nhân dân, chủ động khắc phục khó khăn, vươn lên hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.
Ðại tướng Tô Lâm yêu cầu, ngay sau đại hội, các cấp ủy trực thuộc Ðảng ủy CAT.Ư và cấp ủy công an địa phương chủ động tổ chức việc nghiên cứu, quán triệt Nghị quyết Ðại hội, xây dựng chương trình, kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết phù hợp với các đơn vị, địa phương, sớm đưa Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ CAT.Ư lần thứ bảy thành hiện thực trong thực tiễn công tác, chiến đấu.
* Ngày 13-10, Ðại hội đại biểu Ðảng bộ tỉnh Thái Nguyên lần thứ 20, nhiệm kỳ 2020 - 2025 bế mạc, thành công. Ðại hội đã thảo luận và thông qua Báo cáo chính trị, Báo cáo kiểm điểm của Ban Chấp hành Ðảng bộ tỉnh khóa 19, Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ tỉnh lần thứ 20; thống nhất Chương trình hành động nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ tỉnh lần thứ 20 xác định mục tiêu nhiệm kỳ mới: Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Ðảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; bảo đảm quốc phòng, an ninh; huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, nâng cao toàn diện đời sống nhân dân các dân tộc trong tỉnh; xây dựng Thái Nguyên trở thành một trong những trung tâm kinh tế công nghiệp hiện đại của khu vực trung du, miền núi phía bắc và vùng Thủ đô Hà Nội vào năm 2030. Các chỉ tiêu chủ yếu là: Ðến năm 2025, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt từ 8% trở lên; thu ngân sách nhà nước tăng 10%/năm trở lên; giá trị xuất khẩu tăng bình quân 7%/năm trở lên; 95% số xã đạt chuẩn nông thôn mới và ít nhất sáu đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Ðể thực hiện mục tiêu, đại hội đề ra các nhiệm vụ, giải pháp trên các lĩnh vực kinh tế - văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh, xây dựng Ðảng, xây dựng hệ thống chính trị; trong đó có một số nhiệm vụ trọng tâm là: Tập trung phát triển cơ sở hạ tầng khu vực phía nam tỉnh; ưu tiên đầu tư giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất thu hút các nhà đầu tư. Chú trọng phát triển kinh tế tư nhân và lĩnh vực công nghệ cao; khuyến khích hình thành những cụm ngành, cụm sản xuất có cùng lĩnh vực làm tiền đề, cơ sở kết nối chuỗi sản xuất, chuỗi sản phẩm, chuỗi giá trị. Nâng cao năng lực, hiệu quả của bộ máy hành chính các cấp; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, hướng tới sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp. Quan tâm phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Chú trọng xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Ðại hội đã bầu Ban Chấp hành Ðảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020 - 2025 gồm 51 đồng chí. Ban Chấp hành Ðảng bộ tỉnh họp phiên thứ nhất, bầu Ban Thường vụ Tỉnh ủy gồm 15 đồng chí; đồng chí Nguyễn Thanh Hải, Ủy viên T.Ư Ðảng, tái đắc cử chức danh Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên nhiệm kỳ 2020 - 2025.
* Ngày 13-10, Ðại hội đại biểu Ðảng bộ tỉnh Quảng Nam lần thứ 22, nhiệm kỳ 2020 - 2025 kết thúc thành công. Ðại hội đã thảo luận và thống nhất phương hướng, nhiệm vụ, mục tiêu tổng quát giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 là: Tập trung xây dựng Ðảng bộ tỉnh trong sạch, vững mạnh, hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; phát huy dân chủ, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, bản sắc văn hóa và truyền thống cách mạng. Ðẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và năng suất lao động xã hội; huy động, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực để phát triển kinh tế nhanh, bền vững; bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân, bảo vệ tốt môi trường sinh thái. Ðồng thời tăng cường quốc phòng, an ninh; đẩy mạnh hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế; phấn đấu đưa Quảng Nam trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước vào năm 2030.
Ðại hội đề ra một số chỉ tiêu quan trọng: Phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hằng năm từ 7,5 đến 8%; đến năm 2025: GRDP bình quân đầu người đạt từ 110 đến 113 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm còn 2,87%, 160 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Hằng năm, kết nạp từ 1.500 đảng viên trở lên; số đảng viên được xếp loại hoàn thành tốt nhiệm vụ đạt tỷ lệ từ 90% trở lên; không có tổ chức cơ sở đảng không hoàn thành nhiệm vụ.
Ðể hoàn thành mục tiêu, đại hội xác định các nhiệm vụ trọng tâm: Phát triển mạnh kinh tế biển và vùng đồng bằng ven biển. Cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao chất lượng tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng tăng tỷ trọng ngành dịch vụ - du lịch. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả việc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; đẩy mạnh ứng dụng, chuyển giao khoa học và công nghệ, thông tin truyền thông. Phát huy sức mạnh giá trị văn hóa, con người Quảng Nam. Tăng cường quản lý phát triển xã hội, bảo đảm công bằng, nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân.
Ðại hội đã bầu Ban Chấp hành Ðảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020 - 2025 gồm 53 đồng chí. Ban Chấp hành Ðảng bộ tỉnh họp phiên thứ nhất bầu Ban Thường vụ Tỉnh ủy gồm 15 đồng chí, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy gồm 11 đồng chí. Ðồng chí Phan Việt Cường, Ủy viên T.Ư Ðảng tái đắc cử chức danh Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam nhiệm kỳ 2020 - 2025.