Khai hội Tịch điền Đọi Sơn

NDO -

NDĐT - Ngày 11-2 (tức mùng 7 Tết Kỷ Hợi 2019), trên cánh đồng thôn Đọi Tín, xã Đọi Sơn, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam đã diễn ra Lễ hội Tịch điền Đọi Sơn năm 2019. Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình dự và phát biểu tại lễ hội.

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình phát biểu lễ tịch điền 2019.
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình phát biểu lễ tịch điền 2019.

Sự kiện mùa xuân năm Đinh Hợi 987, cách đây 1.032 năm, vua Lê Đại Hành đã chọn vùng đất Đọi Sơn linh thiêng để tổ chức cày tịch điền, khuyến khích, động viên thần dân, con cháu chăm lo sản xuất nông nghiệp, cái gốc của sự ấm no hạnh phúc. Kể từ đó, lễ tịch điền trở thành một lễ hội văn hóa truyền thống được các triều đại chú trọng tổ chức, là một nét đẹp trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng, đề cao vai trò của sản xuất nông nghiệp.

Phát biểu tại Lễ tịch điền Đọi Sơn năm 2019, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đánh giá cao việc phục dựng và duy trì tổ chức Lễ hội Tịch điền hằng năm của tỉnh Hà Nam, bởi đây là việc làm thiết thực, có ý nghĩa tuyên truyền giáo dục sâu sắc, vừa góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, quảng bá hình ảnh đất nước con người Việt Nam, vừa động viên khích lệ phát triển nông nghiệp nông thôn, nâng cao đời sống nông dân.

Khai hội Tịch điền Đọi Sơn ảnh 1

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình thực hiện nghi lễ cày tịch điền.

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình khẳng định, niềm vui và ý nghĩa của lễ hội càng được nhân lên khi nền nông nghiệp nước nhà đã có bước tiến dài trên con đường phát triển, từ chỗ canh tác, nuôi trồng truyền thống, đến nay nhiều ngành hàng, sản phẩm đã nâng lên thành “nghệ thuật” theo hướng hiện đại. Năm 2018, tăng trưởng toàn ngành đạt hơn 3,7%, cao nhất trong bảy năm qua, không những bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, với quy mô dân số tăng nhanh, mà còn đưa Việt Nam trở thành một trong 15 nước xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới, với kim ngạch ngày càng lớn, năm 2018 đạt hơn 40 tỷ USD; đời sống người dân không ngừng được cải thiện, diện mạo nông thôn có nhiều đổi mới.

Khai hội Tịch điền Đọi Sơn ảnh 2

Một lão nông thực hiện nghi thức hóa thân thành vua Lê Đại Hành cày tịch điền.

Phó Thủ tướng đề nghị, tỉnh Hà Nam cùng các địa phương trong cả nước phát huy tinh thần lễ hội, thi đua đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, gắn với xây dựng nông thôn mới. Tập trung đổi mới tổ chức sản xuất, tăng hợp tác liên kết theo chuỗi với sự tham gia của đông đảo doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp lớn gắn sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn, đẩy mạnh cơ giới hóa, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ cao, công nghệ sạch, thân thiện môi trường, nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của nông sản...

Lễ hội Tịch điền Đọi Sơn nhân dịp đầu năm là một lễ hội truyền thống xuống đồng cày ruộng và cầu cho một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Lễ hội được tổ chức vào ngày mùng 7 tháng Giêng hằng năm để tái hiện lại Lễ tịch điền thời vua Lê Đại Hành chọn việc tổ chức cày tịch điền nhằm khuyến khích nông tang. Lễ hội đã được Nhà nước vinh danh là văn hóa phi vật thể quốc gia, trở thành một hoạt động văn hóa du lịch quảng bá mảnh đất và con người Hà Nam.

Nghi trình mở đầu là lễ rước chân nhang từ Đền thờ vua Lê Đại Hành về chùa Đọi. Tiếp đó là lễ cáo yết xin thành hoàng làng cho mở cửa đình Đọi Tam, lễ rước nước, lễ tắm tượng, lễ giải hạn cầu an trên chùa Đọi. Hội thi trang trí trâu để chọn những con trâu đẹp nhất cày tịch điền.

Mở đầu cho nghi thức cày tịch điền năm 2019, nghệ nhân Phạm Chí Khang, đại diện cho các bô lão địa phương thực hiện nghi thức đọc văn trình vua Lê Đại Hành, kính cáo tổ tiên. Trong không khí trang trọng, uy nghi, các vị đại biểu đã tiến hành nghi lễ dâng hương trước bàn thờ Thần nông và linh vị vua Lê Đại Hành.

Đặc biệt, lễ cày tịch điền được tiến hành trọng thể với nghi thức cổ truyền nhập thế vua Lê. Một cụ ông đức độ, thần thái uy nghiêm đã được chọn trong cộng đồng cư dân Đọi Sơn khoác áo Long bào, đeo mặt nạ thực hiện nghi lễ hóa thân thành hình tượng vua Đại Hành xuống mở những sá cày đầu tiên trên thửa ruộng phù sa màu mỡ. Tiếp đó, nghi lễ cày tịch điền; rước kiệu vua, thành hoàng, tổ nghề, múa rồng, múa lân, lễ dâng hương, biểu diễn trống của đội trống thôn Đọi Tam và các hoạt động văn hóa nghệ thuật…