Đền Xã Tắc được xây dựng vào cuối thế kỷ XIII, đầu thế kỷ XIV thờ thần Xã Tắc Sơn Hà (vị thần đất nước) và cũng là nơi khẳng định chủ quyền đất nước.
Tương truyền, ngôi đền chỉ là một am cỏ nhỏ ở sát mép Thác Mang, trên dòng sông Ka Long. Vào khoảng đầu thế kỷ XX, trong một trận bão lớn, ngôi đền bị sạt lở, bát nhang, ban thờ trôi dạt vào một gò đất cao người địa phương gọi khu vực ấy là Xoáy Nguồn. Và tại vị trí này người dân đã xây dựng lại ngôi đền bằng gạch đất nung, mái lợp ngói âm dương loại vật liệu xây dựng phổ biến ở vùng Đông Bắc thời đó.
Đền Xã Tắc thờ Tam vị Thánh, gồm Xã Tắc Đại vương (Thần chủ của đất đai quốc gia xã tắc), Cao Sơn Đại vương (Thần chủ về văn hóa nước Đại Việt) và Hưng Nhượng Đại vương Trần Quốc Tảng (Anh hùng dân tộc thời nhà Trần). Cả 3 pho tượng đều được đúc bằng đồng nguyên khối. Tượng Xã Tắc Đại vương được đặt ở chính điện có chiều cao 2,2 mét, tượng Cao Sơn Đại vương và Hưng Nhượng Đại vương được đặt hai bên và cùng có chiều cao 1,8 mét. Bên cạnh đó là các công trình phụ trợ quanh đền bao gồm: Cổng nghi môn ngoại, cổng nghi môn nội, nhà Tả vu-Hữu vu; lầu chuông, lầu trống, bình phong bằng đá, miếu thờ thần linh…
Năm 2020, Di tích lịch sử đền Xã Tắc được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích cấp Quốc gia. Trước đó, năm 2005, đền Xã Tắc đã được UBND tỉnh Quảng Ninh xếp hạng Di tích lịch sử cấp tỉnh.
Lễ hội đền Xã Tắc năm 2022 là một trong những hoạt động nằm trong chuỗi các hoạt động sự kiện kích cầu du lịch của thành phố Móng Cái, hưởng ứng chương trình mở cửa, phục hồi hoạt động du lịch của tỉnh Quảng Ninh và năm du lịch Quốc gia 2022 nhằm thu hút du khách đến với thành phố và giới thiệu quảng bá các giá trị di sản văn hóa của đền Xã Tắc cùng các danh lam thắng cảnh, điểm du lịch đặc sắc của mảnh đất địa đầu của Tổ quốc. Qua đó, giáo dục truyền thống cho các thế hệ nêu cao trách nhiệm bảo vệ, gìn giữ và phát huy giá trị di sản văn hóa truyền thống của địa phương, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc.
Lễ hội đền Xã Tắc diễn ra trong 2 ngày từ ngày 2 đến 3/3 ( tức ngày 30/1-1/2 âm lịch). Trong khuôn khổ của lễ hội diễn ra các trò chơi dân gian truyền thống như bịt mắt đập niêu, kéo co, đẩy gậy, đi cầu kiều, viết thư pháp…