Khai hội chùa Bái Đính, đền Hai Bà Trưng, chùa Hương

Sáng 2-2, tại xã Gia Sinh, huyện Gia Viễn (Ninh Bình), Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Ninh Bình cùng chính quyền và nhân dân địa phương tổ chức Lễ khai hội chùa Bái Đính Xuân Đinh Dậu năm 2017. Dự lễ khai hội, có đồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ cùng lãnh đạo tỉnh Ninh Bình; đại diện Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Ninh Bình và hàng nghìn tăng, ni, phật tử, du khách, người hành hương.

Phát biểu tại lễ khai hội, Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu, Trụ trì chùa Bái Đính nêu bật những giá trị lịch sử, văn hóa của ngôi chùa; một danh lam nổi tiếng của vùng đất Cố đô Hoa Lư. Mặc dù đã trải qua nhiều biến cố thăng trầm của lịch sử nhưng chùa Bái Đính cổ vẫn được tăng, ni, tín đồ phật tử, nhân dân trân trọng, gìn giữ cho đến ngày nay và xây dựng, mở rộng, trở thành một trung tâm Phật giáo, đáp ứng nhu cầu tâm linh, tín ngưỡng của nhân dân.

Tại buổi lễ, đồng chí Trương Hòa Bình và Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình Nguyễn Thị Thanh đã đánh trống, đánh chiêng khai hội và cùng các đại biểu, nhân dân và du khách làm lễ dâng hương, thả chim phóng sinh cầu mong một năm mới an khang thịnh vượng, quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa... Lễ hội chùa Bái Đính sẽ diễn ra từ nay đến hết tháng ba âm lịch.

* Ngày 2-2, tại di tích quốc gia đặc biệt đền thờ Hai Bà Trưng (huyện Mê Linh, Hà Nội), UBND huyện Mê Linh đã tổ chức lễ kỷ niệm 1977 năm cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng và khai mạc lễ hội đền Hai Bà Trưng. Dự lễ kỷ niệm có các đồng chí Ủy viên T.Ư Đảng: Đặng Thị Ngọc Thịnh, Phó Chủ tịch nước; Nguyễn Thị Thu Hà, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; Hoàng Thị Thúy Lan, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc. Cùng dự, có nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan.

Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh nêu bật ý nghĩa của cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, truyền thống yêu nước và tinh thần quật khởi của hai vị nữ Anh hùng dân tộc; và trách nhiệm của các thế hệ phụ nữ Việt Nam trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Phó Chủ tịch nước kêu gọi toàn thể cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân noi gương Hai Bà Trưng, đoàn kết xây dựng Thủ đô Hà Nội và đất nước ngày càng giàu mạnh. Lễ hội đền Hai Bà Trưng được tổ chức với nhiều nghi lễ như dâng hương, rước kiệu, tế lễ cộng đồng... Bên cạnh đó còn có chương trình nghệ thuật tái hiện cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, màn trống hội, đấu vật, thi đấu cờ người...

* Sáng cùng ngày, UBND huyện Mỹ Đức (Hà Nội) tổ chức khai hội chùa Hương xuân Đinh Dậu. Thượng tọa Thích Minh Hiền đã gióng trống khai hội trước sự chứng kiến của đông đảo Phật tử hành hương về chùa từ sáng sớm, tiếp đó là nghi thức dâng hương cầu quốc thái, dân an. Với chủ đề "Lễ hội kỷ cương - Văn minh du lịch", năm nay, lễ hội chùa Hương có nhiều đổi mới. Các phương tiện thuyền, đò được đăng ký, đánh số để quản lý, các đò đều được trang bị phao cứu sinh, giỏ đựng rác; những chủ thuyền, đò được tập huấn công tác cứu hộ, cứu nạn; các công trình vệ sinh công cộng đều phục vụ miễn phí… Ban Tổ chức tăng cường lực lượng bảo đảm an ninh trật tự, tổ chức phân luồng giao thông để chống ùn tắc... Tính từ mồng 2 Tết đến nay, đã có 150 nghìn lượt khách tham quan chùa Hương.

* Sáng cùng ngày, tại khu di tích quốc gia đặc biệt đền Sóc, UBND huyện Sóc Sơn (Hà Nội) đã tổ chức khai hội đền Sóc. Tương truyền, khu vực đền Sóc là nơi Thánh Gióng bay về trời sau khi dẹp giặc Ân. Từ đêm ngày 1-2, nhân dân các xã Phù Linh, Tiên Dược, Bắc Phú... đã chuẩn bị lễ vật dâng lên đức Thánh. Sau nghi thức dâng hương, gióng trống khai hội, dâng lễ vật... có màn "cướp dò hoa tre" với ý nghĩa cầu may mắn trong năm mới. Ban Tổ chức bố trí khoảng 200 công an và 200 thanh niên tình nguyện để bảo đảm an ninh trật tự lễ hội.

* Ngày 2-2, tại Khu di tích lịch sử Chiến thắng Xương Giang, TP Bắc Giang (Bắc Giang), đã diễn ra Lễ hội kỷ niệm 590 năm Chiến thắng Xương Giang và khánh thành đền Xương Giang. Đến dự, có đại diện lãnh đạo hai tỉnh Bắc Giang, Lạng Sơn cùng đông đảo nhân dân và du khách. Trong khuôn khổ lễ hội diễn ra nhiều hoạt động như: trưng bày sinh vật cảnh, sản vật làng nghề truyền thống; trình diễn thư pháp, hát quan họ, chầu văn, ca trù; thi đấu thể thao và trò chơi dân gian... Điểm nhấn là chương trình nghệ thuật “Chiến thắng Xương Giang lịch sử” tái hiện lại cuộc chiến đấu hào hùng khi xưa của nghĩa quân Lam Sơn.

* Sáng 2-2, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Tĩnh phối hợp huyện Can Lộc tổ chức lễ khai hội chùa Hương Tích. Ngay sau phần lễ là chương trình biểu diễn nghệ thuật và các hoạt động thể thao sôi nổi… Lễ hội chùa Hương Tích năm nay diễn ra đến hết tháng ba âm lịch.

* Ngày 2-2, UBND thành phố Hội An (Quảng Nam) phối hợp nhân dân và chính quyền địa phương tổ chức lễ giỗ Tổ nghề mộc Kim Bồng. Buổi lễ diễn ra tại đình Tiền Hiền, thôn Trung Châu, xã Cẩm Kim, TP Hội An với các nghi lễ tế Âm Linh, cúng giỗ Tổ và phát mộc đầu năm. Sau đó, các cơ sở, hộ sản xuất nghề mộc, tàu thuyền, xây dựng… tổ chức cúng giỗ Tổ và phát mộc tại cơ sở và hộ gia đình của mình.