Từ những phản ánh của bạn đọc, chúng tôi đã đi thực tế tại một số công trình thủy lợi trên địa bàn. Tại hồ Bản Kềm (xã Huy Tân, huyện Phù Yên), nhiều đoạn bờ sạt lở, cỏ mọc lút đầu người. Giữa hồ đất cát bồi lắng tạo thành khoảng đất rất rộng được người dân tận dụng để canh tác hoa màu từ nhiều năm nay. Ðược biết, hồ Bản Kềm được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sơn La thực hiện Dự án cải tạo từ năm 2018 đến năm 2019, với tổng vốn đầu tư gần 5 tỷ đồng.
Tuy nhiên, sau hơn 4 năm hoàn thành đưa vào sử dụng, công trình này dường như còn xuống cấp hơn khi chưa cải tạo. Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Huy Tân Ðinh Văn Chiêm, trước kia do hồ xuống cấp cho nên xã đề xuất cấp trên cho tu bổ, cải tạo để người dân có đủ nước tưới. Thế nhưng, công trình cải tạo hồ Bản Kềm chưa mang lại hiệu quả như mong muốn. Nhiều hộ dân do không có đủ nước trồng lúa cho nên phải chuyển sang trồng màu. Thu nhập cũng giảm nhiều so với trước kia. Thậm chí, con mương dẫn nước do dự án làm cũng đã hư hỏng không thể hoạt động vì vậy trưởng bản Kềm Ðinh Văn Mừng đã phải bàn bạc, thống nhất với người dân dùng một phần tiền dịch vụ môi trường rừng để cải tạo, mua bạt lót mương nhằm chống thấm, giảm lượng nước thất thoát trong quá trình dẫn nước từ hồ về ruộng.
Lý giải về công trình không đạt hiệu quả như mong muốn, ông Nguyễn Xuân Trường, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên (TNHH MTV) Quản lý và khai thác công trình thủy lợi Sơn La (đơn vị được giao quản lý công trình) cho biết: Do lượng nước đổ về hồ ngày càng ít cho nên xảy ra tình trạng bồi lắng. Diện tích từ 4 héc-ta nay chỉ còn hơn một nửa. Lượng nước trữ trong hồ lại càng ít, chỉ bảo đảm cấp đủ nước 1 vụ lúa.
Theo ông Trường, để nạo vét được hết khối lượng đất cát bồi lắng trong hồ Bản Kềm, cần khoảng 5 tỷ đồng. “Với số tiền này, chỉ còn cách dự toán xin kinh phí từ tỉnh, từ bộ chứ đơn vị không đủ khả năng”, ông Trường cho biết thêm.
Cùng cảnh ngộ như hồ Bản Kềm, Dự án hồ chứa nước bản Nà Ngặp (xã Chiềng Khoong, huyện Sông Mã) được đầu tư 42 tỷ đồng được hoàn thành năm 2019. Công trình có nhiệm vụ điều tiết thủy lợi để người dân canh tác lúa nước, trồng hoa màu và phục vụ việc tưới ẩm cho các vườn cây ăn quả trên địa bàn tám bản của xã Chiềng Khoong. Trong các hạng mục công trình có đầu tư ống dẫn nước từ hồ đến các thôn bản lân cận, ngoài ra còn có các công trình phụ trợ như hố van tưới, trụ đỡ ống… Thế nhưng, sau khi bàn giao cho đơn vị quản lý, khai thác là Công ty TNHH MTV Quản lý và khai thác công trình thủy lợi Sơn La thì đường ống đã bị hỏng.
Theo ông Hoàng Ngọc Thắng, cán bộ của đơn vị quản lý, hệ thống ống dẫn bị hỏng do thi công đường giao thông của một đơn vị khác. Trên thực tế, từ lâu nay cả đơn vị quản lý và người dân được hưởng lợi từ công trình cũng không để ý đến bởi vì “Ðường ống dẫn này chả được việc gì. Nó chảy nước được mấy hôm đầu rồi nằm im từ đó. Người dân muốn lấy nước phải bỏ tiền ra mua máy bơm nước về”, anh Cà Văn Ngoan, nhân viên Ban quản lý thủy lợi bản Bó Quỳnh (xã Chiềng Khoong) cho biết.
Công trình thủy lợi Chiềng Dong, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La là hạng mục trong Dự án hệ thống thủy lợi Nà Sản. Dự án được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đầu tư xây dựng mới, có nhiệm vụ cấp nước tưới cho 1.450 ha đất canh tác thuộc cao nguyên Nà Sản, cấp nước sinh hoạt cho 10.000 người và phục vụ chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, phát triển kinh tế nông nghiệp địa phương; duy trì dòng chảy môi trường hạ du, góp phần cải tạo môi trường sinh thái, tạo điều kiện phát triển du lịch. Công trình hoàn thành tháng 6/2021. Thế nhưng, trong khi hạng mục hồ, đập đã hoàn thiện thì hệ thống kênh mương dẫn nước và xả lũ vẫn chưa được thi công. Cũng bởi lý do này mà hàng nghìn hộ dân khu vực cao nguyên Nà Sản, huyện Mai Sơn chưa được hưởng lợi từ nguồn nước hồ Chiềng Dong.
Không những thế, vì chưa có hệ thống thoát lũ cho nên vào mùa mưa lũ người dân vùng hạ du lại bị ảnh hưởng, làm thiệt hại nhiều diện tích hoa màu, nhà cửa. Thời điểm chúng tôi cùng cán bộ của Công ty TNHH MTV Quản lý khai thác công trình thủy lợi Sơn La thực tế tại hiện trường, công trình thủy lợi Chiềng Dong đã xuất hiện nhiều điểm xuống cấp, một số khu vực lòng hồ bị bồi lắng thành những bãi nổi… Phản ánh của đơn vị quản lý và người dân cho thấy, công trình không phát huy được hiệu quả và mục tiêu như dự án đề ra.
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sơn La, hiện trên địa bàn tỉnh có 43 công trình hồ, đập chứa nước bị xuống cấp; không mang lại hiệu quả tưới tiêu như mục tiêu ban đầu. Nhiều hồ, đập có nguy cơ mất an toàn cho người dân các vùng lân cận và hạ du. Tính toán sơ bộ của đơn vị này cho thấy, để đầu tư nâng cấp, nạo vét, sửa chữa toàn bộ các công trình nêu trên cần tới gần 400 tỷ đồng.
“Với dự toán như thế thì đơn vị quản lý và địa phương không có kinh phí để thực hiện cho nên chỉ còn cách báo cáo, đề xuất với Ủy ban nhân dân tỉnh có kế hoạch xin nguồn đầu tư từ Trung ương”, đại diện lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sơn La cho biết.