Khắc phục tình trạng thiếu giáo viên vùng đồng bằng sông Cửu Long

Ngày khai giảng năm học mới đã cận kề nhưng nhiều tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Cửu Long vẫn thiếu hàng nghìn giáo viên do không tuyển đủ mặc dù còn chỉ tiêu. Thu nhập thấp, áp lực tăng và tiêu chuẩn tuyển dụng ngày càng cao khiến tình trạng thiếu giáo viên kéo dài nhiều năm, ảnh hưởng đến việc dạy và học.
0:00 / 0:00
0:00
Học sinh Trường tiểu học Mỹ Hiệp, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp trong ngày tựu trường.
Học sinh Trường tiểu học Mỹ Hiệp, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp trong ngày tựu trường.

Giáo viên ở vùng đồng bằng sông Cửu Long hiện thiếu nhiều nhất ở bậc mầm non và tiểu học; chủ yếu ở các môn Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật, ngoại ngữ, các môn năng khiếu theo chương trình giáo dục phổ thông năm 2018.

Khó tuyển giáo viên

Năm học 2023-2024, tỉnh Hậu Giang thiếu 1.200 giáo viên ở các cấp học, nhiều nhất là các môn Âm nhạc, Mỹ thuật, Tiếng Anh và Tin học. Công tác tuyển dụng giáo viên các năm qua đều không đạt chỉ tiêu kế hoạch vì không có nguồn.

Tình trạng giáo viên nghỉ việc chuyển sang công việc khác có thu nhập cao hơn đã gây thiếu hụt cho ngành Giáo dục.

Từ năm 2020 đến nay, tỉnh Hậu Giang có 260 giáo viên nghỉ việc, trong khi áp lực số trẻ mầm non đến trường hằng năm đều tăng…

Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Vị Thanh (tỉnh Hậu Giang) Phan Văn Nhớ tâm tư: “Năm nào cũng vậy, thời điểm chuẩn bị vào năm học mới, nỗi lo lớn nhất vẫn là giải quyết tình trạng thiếu giáo viên. So với các huyện nông thôn vùng sâu thì điều kiện ở thành thị khá hơn, nhưng năm học này thành phố Vị Thanh vẫn còn thiếu 41 giáo viên. Thực tế, công tác tuyển dụng những năm qua đều không đạt chỉ tiêu kế hoạch, cho nên ngành vẫn còn 57 biên chế chưa sử dụng. Giải pháp vẫn là phải ký hợp đồng với giáo viên, nếu trường nào chưa đủ thì ngay cả hiệu trưởng, hiệu phó, tổng phụ trách đều phải đứng lớp…”.

Thực tế, công tác tuyển dụng những năm qua đều không đạt chỉ tiêu kế hoạch, cho nên ngành vẫn còn 57 biên chế chưa sử dụng.

Ông PHAN VĂN NHỚ

Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Vị Thanh (tỉnh Hậu Giang)

Để thu hút giáo viên, tháng 7/2022, Hội đồng nhân dân tỉnh Hậu Giang đã ban hành nghị quyết về chính sách thu hút giáo viên giảng dạy các môn Âm nhạc, Mỹ thuật, Tiếng Anh và Tin học. Những giáo viên được tuyển mới hoặc chuyển về tỉnh công tác được hưởng 50 triệu đồng/người với cam kết làm việc ít nhất 5 năm. Dù vậy, đến nay chỉ mới tuyển được 23 giáo viên.

Còn tại tỉnh Đồng Tháp, năm học 2023-2024, toàn tỉnh có 350.000 học sinh bước vào năm học mới. Để bảo đảm việc dạy học, Đồng Tháp cần thêm hơn 1.400 giáo viên các cấp học, trong đó, nhiều nhất là bậc mầm non thiếu 428 giáo viên, bậc tiểu học thiếu 316 giáo viên…

Nếu tính theo môn học, thiếu 180 giáo viên Tiếng Anh, 125 giáo viên Tin học, 105 giáo viên Ngữ văn…

Có 479 trường trên địa bàn tỉnh đang thiếu giáo viên phục vụ công tác giảng dạy năm học mới, trong đó tập trung nhiều nhất ở các trường vùng xa, vùng khó khăn.

Trường tiểu học Mỹ Hiệp (xã Mỹ Hiệp, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp) nằm trên tuyến Quốc lộ 30, do đó việc đi lại khá thuận tiện. Thế nhưng hai năm học gần đây, trường này luôn trong tình trạng thiếu nhiều giáo viên. Năm học 2023-2024, trường có 894 học sinh bước vào năm học mới.

Hiện tại, có 34 giáo viên, bảo đảm một giáo viên/lớp. Tuy nhiên, theo định biên 1,5 giáo viên/lớp thì trường thiếu đến 10 giáo viên.

Hiệu trưởng Trường tiểu học Mỹ Hiệp, Nguyễn Thị Ngọc Bích cho biết, nguyên nhân thiếu là do giáo viên lớn tuổi nghỉ hưu, giáo viên nghỉ hưu trước tuổi theo chính sách tinh giản biên chế. Trước tình trạng này, nhà trường hợp đồng, thỉnh giảng giáo viên để bảo đảm đủ giáo viên giảng dạy theo quy định.

Là thành phố trung tâm vùng đồng bằng sông Cửu Long, Cần Thơ có điều kiện kinh tế-xã hội khá hơn một số tỉnh khác, nhưng vẫn khó tuyển giáo viên.

Năm học này, Cần Thơ thiếu 688 giáo viên ở tất cả các cấp học, bậc học; nhiều nhất là ở cấp tiểu học 313 giáo viên; trong đó, giảng dạy các môn cơ bản thiếu 162 giáo viên, môn Tin học thiếu 46 giáo viên, môn Tiếng Anh thiếu 44 giáo viên, môn Âm nhạc thiếu 24 giáo viên…

Các quận, huyện, trường học trên địa bàn thành phố đã tiến hành tuyển dụng nhưng số lượng người dự tuyển vẫn không đủ so với chỉ tiêu.

Hỗ trợ, thu hút giáo viên yên tâm với nghề

Để bảo đảm công tác giảng dạy trong năm học mới, nhiều địa phương vùng đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục tuyển dụng, thu hút giáo viên, thực hiện tốt chính sách hỗ trợ giáo viên mới ra trường; tiếp tục thực hiện hợp đồng trong khi chờ tuyển dụng chính thức.

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đồng Tháp, Nguyễn Thúy Hà cho biết:

Bên cạnh việc tuyển dụng giáo viên, tỉnh Đồng Tháp tiến hành sắp xếp (sáp nhập hoặc giải thể) các cơ sở giáo dục có quy mô nhỏ để nâng chất lượng giáo dục và hạn chế tình trạng thiếu giáo viên.

Triển khai thực hiện điều động, biệt phái giáo viên theo thẩm quyền để giải quyết thừa, thiếu cục bộ, kết hợp sắp xếp các đơn vị cơ bản phù hợp với tình hình thực tế và nguyện vọng của giáo viên.

Về lâu dài, tỉnh Đồng Tháp đào tạo gắn với tuyển dụng theo hướng ưu tiên nhóm sinh viên tốt nghiệp theo hình thức đặt hàng theo Nghị định 116/2020/NĐ-CP của Chính phủ.

Bên cạnh đó, Sở Giáo dục và Đào tạo Đồng Tháp tiếp tục thực hiện tốt, đúng quy định về công tác tuyển dụng giáo viên hằng năm; đề xuất chính sách thu hút sinh viên sư phạm làm việc tại vùng khó khăn trên địa bàn tỉnh, nhất là chuyên ngành khó tuyển dụng; tham mưu chính sách hỗ trợ tiền sinh hoạt phí (nhà trọ, đi lại) đối với sinh viên sư phạm được tuyển dụng vào các trường khu vực vùng khó khăn, khó tuyển dụng giáo viên trong nhiều năm liền (dự kiến khoảng 1 triệu đồng/tháng trong 5 năm).

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang, Hồ Thu Ánh cho biết: Trước những khó khăn của ngành giáo dục, trong năm học mới 2023-2024, Hội đồng nhân dân tỉnh đã thông qua Nghị quyết quy định số lượng hợp đồng giáo viên toàn tỉnh là 427 người. Các địa phương sẽ căn cứ vào số lượng này để hợp đồng giáo viên tạm thời trong năm học mới.

Trường hợp còn thiếu thì điều chuyển giáo viên từ nơi thừa sang nơi thiếu. Phân công giáo viên dạy liên trường để bảo đảm tiết dạy của giáo viên theo quy định. Tỉnh chỉ đạo các địa phương khẩn trương xây dựng kế hoạch tuyển dụng giáo viên, nhân viên, thực hiện thường xuyên để bảo đảm tuyển hết số lượng biên chế được cấp thẩm quyền giao.

Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang cũng kiến nghị Trung ương cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Nghị định 111/2022/NĐ-CP về hợp đồng một số loại công việc trong đơn vị sự nghiệp, trong đó sửa đổi Khoản 3, Điều 9, cho phép ngành giáo dục thực hiện hợp đồng trong biên chế dưới 12 tháng nếu tuyển dụng chưa đủ số lượng biên chế được giao.

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Cần Thơ, Trần Thanh Bình kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp Bộ Nội vụ cho phép địa phương thực hiện hợp đồng giáo viên trình độ Cao đẳng sư phạm đối với cấp tiểu học, trung học cơ sở trong thời gian chưa tuyển dụng được giáo viên có trình độ theo quy định.

Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các cơ sở giáo dục đại học đào tạo mã ngành đối với các môn tích hợp theo chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 (Lịch sử và Địa lý, Khoa học tự nhiên, Sư phạm Tin học dạy cấp tiểu học) để có nguồn tuyển dụng giáo viên. Chính phủ sớm chỉ đạo các bộ, ngành tăng phụ cấp cho giáo viên mầm non, tiểu học để thu hút, giữ chân giáo viên.