Thông luồng tàu xa khơi
Sau khi thị sát tình hình sạt lở dọc tuyến đê biển Tây, chiều 31-3, lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tỉnh Cà Mau, cùng chính quyền địa phương và các đơn vị có liên quan… đã tổ chức kiểm tra, nghiệm thu và xác nhận hoàn thành việc bảo hành gói thầu số 17 (hạng mục nạo vét luồng tàu cá) ở cửa biển Khánh Hội, huyện U Minh.
Buổi kiểm tra có sự chứng kiến của đông đảo ngư dân địa phương. Chính quyền và cơ quan chức năng sở tại còn huy động nhiều tàu cá có công suất từ 150CV-250CV “chạy kiểm chứng” dọc các luồng, tuyến đã công bố hoàn thành việc nạo vét. “Nãy giờ tàu tôi ra-vô cửa biển Khánh Hội hai lần nhưng không gặp phải sự cố, vật cản nào dưới đáy biển”, ông Nguyễn Phương Nghề, chủ tàu cá CM 95977TS, có công suất 380 CV, ngụ ấp 1, xã Khánh Hội, chia sẻ.
Ông Nguyễn Thái Điền, chủ tàu cá CM 95182-TS, ở ấp 4 (xã Khánh Hội), cho biết: “Nạo vét lại lần này tôi thấy êm hơn trước rất nhiều, luồng lạch bảo đảm tàu lớn cỡ 300-400CV cũng có thể ra vào dễ dàng”.
Tại buổi kiểm tra, ông Âu Văn Thông, Phó Giám đốc Ban quản lý các cảng cá tỉnh Cà Mau (đại diện chủ đầu tư) cho biết: Gói thầu số 17 thuộc Dự án đầu tư xây dựng khu neo đậu tránh bão cho tàu cá kết hợp bến cá Khánh Hội, có chiều dài luồng nạo vét là 4,5km, thiết kế độ đáy luồng 3.5m, công suất tính toán (thiết kế luồng tàu) bảo đảm cho tàu công suất 150CV ra vào, với tổng mức đầu tư hơn 30 tỷ đồng. Trong đó, hạng mục nạo vét luồng tàu cửa biển Khánh Hội có mức đầu tư là 12 tỷ đồng, do Công ty cổ phần Xây dựng công trình Hồng Lâm thi công.
Sau một thời gian triển khai, công trình hoàn thành, nghiệm thu đưa vào sử dụng, phân thành ba giai đoạn với các mốc thời gian lần lượt: Đoạn từ Km0+000 đến Km3+000 nghiệm thu ngày 30-12-2016; đoạn từ Km3+000 đến Km3+425 nghiệm thu ngày 17-4-2017; đoạn từ Km3+425 đến Km 4+500 nghiệm thu ngày 11-12-2018. Gói thầu trên sau đó được tổng nghiệm thu, bàn giao và đưa vào sử dụng vào ngày 21-12-2018. Tuy nhiên, sau một thời gian đưa vào sử dụng, một vài vị trí luồng xuất hiện tình trạng bồi lắng nhanh, khiến một số tàu cá của ngư dân khi di chuyển vào cửa biển đã bị “mắc cạn”.
Tiếp nhận phản ảnh của ngư dân, chủ đầu tư cùng chính quyền địa phương nhiều lần khảo sát và sau đó yêu cầu đơn vị thi công khắc phục, giúp ngư dân ra-vào cửa biển thông thoáng, thuận lợi. “Theo yêu cầu của chủ đầu tư, từ ngày 7-1-2021, đơn vị thi công đã đưa thiết bị chuyên dụng đến hiện trường nạo vét lại các vị trí bị bồi lắng cho đến nay. Đơn vị thi công rất trách nhiệm khi huy động tới hai xáng cẩu 45T và 60T; sà lan tự hành 550T và 800T, cùng hơn chục cán bộ kỹ thuật, công nhân, tài xế… và làm luôn trong cả những ngày Tết Nguyên đán”, ông Âu Văn Thông chia sẻ.
Trung tá Đoàn Công Nghiệp, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Khánh Hội đánh giá: Quá trình khắc phục bồi lắng luồng, tuyến ở Khánh Hội lần này, qua quan sát tôi thấy rằng, giám sát chủ đầu tư, đơn vị thi công đã luôn bám sát hiện trường và liên tục báo cáo tình hình triển khai thực tế hằng ngày bằng số liệu, hình ảnh, video ... trong nhóm Zalo tới chủ đầu tư, lãnh đạo địa phương và các đơn vị liên quan… Nhờ đó mà khi công trình bàn giao bảo đảm theo yêu cầu và nhận được sự đồng thuận cao của ngư dân.
Cơ quan chức năng tỉnh Cà Mau kiểm tra việc khắc phục luồng tuyến bồi lắng ở Khánh Hội vào chiều 31-3.
Để không tái diễn tàu “mắc cạn”
Tìm hiểu của phóng viên và kết quả kiểm ra, khảo sát từ cơ quan chức năng Cà Mau, từ năm 2019 đến nay, luồng tàu cá Khánh Hội liên tiếp bị bồi lắng và ít nhất hai lần phải khắc phục để khơi thông luồng tuyến. nguyên nhân dẫn đến tình trạng bồi lắng nhanh ở cửa biển Khánh Hội là do đặc thù chế độ triều, dòng hải lưu, điều kiện địa hình, địa chất… Đặc biệt, vào thời điểm các hạng mục nạo vét luồng tuyến cửa biển Khánh Hội đưa vào sử dụng cuối năm 2018, không lâu sau Cà Mau bị ảnh hưởng bởi áp thấp nhiệt đới và hoàn lưu một số cơn bão, khiến tiến tình bồi lắng diễn ra nhanh hơn, ảnh hưởng lớn đến việc lưu thông của tàu thuyền ra-vào cửa biển.
Theo Giám đốc Sở NN-PTNT Cà Mau Lê Thanh Triều, dọc chiều dài ven biển Tây Cà Mau thường bị sạt lở nhưng ngay tại các cửa biển thì thường xuyên bị bồi lắng. Tình trạng bồi lắng còn diễn ra tại các cửa biển như: Sông Đốc, Cái Đôi Vàm, Hương Mai, Tiểu Dừa, Vàm Giáo Bảy… Cũng chính vì thế, thời gian qua, việc nạo vét các cửa biển ở cà Mau chỉ sau một năm là gần như bị bồi lắng trở về nguyên trạng, đặc biệt là trong điều kiện biến đổi khí hậu, nước biển dâng như hiện nay.“Riêng tại Khánh Hội còn có thêm một nguyên nhân khác dẫn đến tàu, thuyền ra-vào gặp khó khăn là do các phao báo luồng của dự án trước đây bị hư hỏng trong đợt bão và áp thấp nhiệt đới, khiến ngư dân khó xác định được luồng tuyến”, ông Lê Thanh Triều chia sẻ.
Khánh Hội là một trong năm cửa biển lớn nhất ở Cà Mau, tập trung khá đông tàu khai thác hải sản. Thống kê gần đây từ cơ quan chức năng và chính quyền địa phương, Khánh Hội hiện có hơn 400 tàu cá các loại và hơn 500 phương tiện xuồng máy, vỏ lãi tham gia khai thác thủy sản. Trong số đó, có hơn 200 tàu công suất từ 150-CV đến hơn 300CV (Từ 150 CV - 200 CV là 59 tàu; Từ 200 CV - 250 CV là 56 tàu; Từ 250 CV - 300CV là 33 tàu; Từ 300 CV trở lên là 16 tàu). Đó là chưa tính lượng tàu cá lớn từ các địa phương khác trong và ngoài tỉnh thường xuyên cập bờ bán sản phẩm, tiếp nhiên liệu… Trong khi đó, luồng tàu thiết kế chỉ bảo đảm phục vụ cho tàu công suất 150CV. Đây cũng là một trong những nguyên nhân sâu xa khiến tàu cá vượt công suất thiết kế khi duy chuyển vào cửa biển Khánh Hội gặp khó khăn.
Công suất thiết kế luồng tàu ở Khánh Hội hiện nay vẫn chưa phù hợp với tình hình thực tế ở địa phương, đặc biệt khi có Nghị định 67 ra đời, ngư dân được hỗ trợ đóng mới nhiều tàu cá công suất lớn để xa khơi - Chủ tịch UBND huyện U Minh Nguyễn Thanh Toản nhận định và đề xuất: Để bảo đảm cho tàu thuyền các loại (cả về quy mô, số lượng) ra vào thông thoáng, giúp kinh tế biển địa phương phát triển mạnh hơn, ngoài thường xuyên khơi thông luồng lạch sâu bảo đảm cho tàu công suất lớn, chúng tôi mong cơ quan chức năng nghiên cứu, bổ sung mở rộng thêm quy mô, phạm vi nạo vét luồng tuyến ở cửa biển Khánh Hội.
Theo lãnh đạo sở NN-PTNT tỉnh Cà Mau, để giải quyết căn cơ, lâu dài tình trạng bồi lắng ở cửa biển Khánh Hội nói riêng, các cửa biển khác bên bờ Tây của Cà Mau nói chung, tới đây, khi xây dựng khu neo đậu, tránh trú bảo, các đơn vị chức năng tỉnh sẽ nghiên cứu và tính toán trong thiết kế cho sát tình hình thực tế, bảo đảm trong mọi trường hợp, các tàu có công suất lớn cũng có thể vào neo-trú ẩn an toàn. Song hành với đó, cơ quan chức năng tỉnh phối hợp với các đơn vị chuyên trách của bộ nghiên cứu, đánh giá để có giải pháp khả thi, hữu hiệu, đặc biệt là phương án, giải pháp chỉnh trị dòng chảy, nhằm giảm thiểu tình trạng bồi lắng.
Qua kiểm tra thực tế tại khu vực cửa biển Khánh Hội cho thấy, trong phạm vi luồng thiết kế của công trình, hiện các tàu khai thác có công suất từ 150CV - 250C có thể lưu thông thuận lợi, an toàn bất kể thời gian trong ngày. Với các tàu, ghe có có công suất 300CV- 850CV, khả năng lưu thông qua lại an toàn nhưng vào những thời điểm nước cao trong ngày - Chủ tịch UBND xã Khánh Hội Châu Minh Đảm, đánh giá.