Theo báo cáo kết quả so sánh của Bộ Giáo dục và Đào tạo, về cơ bản trung bình điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2021 và trung bình điểm học bạ lớp 12 theo từng môn học có sự tương đồng và khoảng cách được thu hẹp hơn so với năm 2020.
Đáng chú ý, điểm thi môn tiếng Anh, Lịch sử còn thấp, có mức chênh lệch khá cao với điểm học bạ. Nếu như nhiều môn ở nhiều tỉnh, thành phố chênh lệch chỉ trên dưới 1 điểm thì môn Lịch sử chênh lệch hơn 2,6 điểm; môn tiếng Anh chênh lệch hơn 1,2 điểm.
Tại nhiều tỉnh, thành phố như: Hải Phòng, Đồng Tháp, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Sóc Trăng, Đà Nẵng…, môn Lịch sử có điểm chênh lệch khá cao (hơn 3 điểm). Trong khi đó, với môn tiếng Anh, tại các địa phương như: Trà Vinh, Hậu Giang, Cao Bằng, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình, Hà Giang… điểm chênh lệch là hơn 2 điểm.
Qua sự chênh lệch điểm khá lớn đó, nhiều nhà giáo và chuyên gia giáo dục cho rằng, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần phân tích, tìm hiểu nguyên nhân và có giải pháp khắc phục.
Thầy giáo Nguyễn Xuân Vinh, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Đức Cảnh, TP Thái Bình (tỉnh Thái Bình) cho biết, nguyên nhân dẫn tới sự chênh lệch không phải do cách dạy hay cách học mà do cách sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT để xét đỗ tốt nghiệp và xét tuyển đại học. Học sinh xét tổ hợp Khoa học tự nhiên chủ yếu dùng tổ hợp (Toán, Vật lý, Hóa học), (Toán, Vật lý, tiếng Anh), ít dùng điểm môn Sinh học.
Tương tự, các thí sinh thi tổ hợp Khoa học xã hội chủ yếu dùng tổ hợp (Toán, Ngữ văn, tiếng Anh). Như vậy, các môn chỉ để xét tốt nghiệp thì học sinh không học, không cố gắng làm bài, chỉ cần đủ điểm để đỗ tốt nghiệp. Vì thế, để đổi mới thì phải đổi mới cách xét tuyển đại học, đổi mới cách xét đỗ tốt nghiệp theo hướng chỉ dùng điểm thi, không tính điểm học bạ như hiện nay.
Thầy giáo Nguyễn Quốc Bình, giáo viên Trường THCS và THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) cho rằng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự chênh lệch điểm thi tốt nghiệp và kết quả học bạ. Trong đó, do việc đánh giá, cho điểm kiểm tra một tiết, giữa kỳ, cuối kỳ của giáo viên còn mang tính chất động viên, khuyến khích, còn tình trạng xin điểm, nâng điểm học bạ. Nội dung, phạm vi kiến thức của đề thi tốt nghiệp rộng hơn, có độ phân hóa cao hơn so với đề kiểm tra một tiết, giữa kỳ, cuối kỳ.
Do đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần điều chỉnh, thống nhất cách dạy học, kiểm tra, đánh giá phù hợp.
Thầy giáo Hà Xuân Nhâm, Hiệu trưởng Trường THPT Phan Huy Chú - Đống Đa (Hà Nội) cho rằng, với cách thi và ra đề như hiện nay thì khó tránh khỏi sự chênh lệch điểm thi với điểm học bạ. Để khắc phục việc này, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần thiết lập các trung tâm khảo thí độc lập, có uy tín để thống nhất từ nội dung kiểm tra, cách ra đề thi học kỳ, cuối kỳ bám sát yêu cầu kỳ thi tốt nghiệp THPT. Khi có các trung tâm này, các trường có thể liên hệ, liên kết để xây dựng bài kiểm tra, đánh giá định kỳ có tính chuẩn hóa, chuyên nghiệp, công bằng, khách quan, từ đó có điều chỉnh quá trình dạy học phù hợp và đạt yêu cầu.
Ngoài ra, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần nghiên cứu, phân tích việc ra đề thi tốt nghiệp đã bám sát thực tế chưa? Bởi thực tế, kết quả học bạ của một số môn các tỉnh, thành phố được đánh giá cao hơn so với điểm thi tốt nghiệp THPT thì rõ ràng mức độ đề thi tốt nghiệp chưa phù hợp học sinh các vùng miền.
Theo Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Giang Trần Tuấn Nam, Sở đã chỉ đạo các trường phân tích kết quả điểm thi tốt nghiệp THPT và điểm học bạ của từng môn học, đánh giá công tác dạy và học, từ đó xây dựng kế hoạch chỉ đạo việc dạy học và kiểm tra, đánh giá sát thực tế, nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục. Đồng thời, tăng cường công tác sinh hoạt chuyên môn (trường, cụm trường…); tập trung xây dựng chuyên đề đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá; làm tốt công tác phân luồng; đặc biệt quan tâm các đơn vị ngoài công lập và khối giáo dục thường xuyên. Xây dựng ma trận và ngân hàng đề kiểm tra đánh giá định kỳ bám sát ma trận đề thi của Bộ Giáo dục và Đào tạo; tạo thuận lợi cho việc khai thác học liệu trong dạy và học tại các đơn vị.
Đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng, mục đích chính của việc so sánh là để Bộ và các sở giáo dục và đào tạo, các trường có cơ sở phân tích những nguyên nhân dẫn tới chênh lệch, từ đó điều chỉnh cách dạy học và kiểm tra, đánh giá bảo đảm sát năng lực học sinh. Việc so sánh điểm học bạ và điểm thi cũng là những kênh khác nhau để có cái nhìn tổng quan hơn về chất lượng giáo dục ở mỗi vùng miền.
Thời gian tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ quan tâm nhiều đến việc chỉ đạo dạy học và đánh giá học sinh các trường phổ thông, bảo đảm đánh giá, so sánh kết quả, chất lượng giáo dục ở các môn, các vùng miền nhất quán, khách quan, chính xác hơn…