Ngày 5/11, tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 4, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong đăng đàn trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội liên quan đến một số vấn đề thuộc lĩnh vực thanh tra.
Nhiều sai phạm trong hoạt động ngân hàng được phát hiện qua thanh tra
Đặt câu hỏi cho Tổng Thanh tra Chính phủ, đại biểu Bùi Mạnh Khoa (Thanh Hóa) cho biết, công tác phòng, chống tham nhũng trong lĩnh vực ngân hàng thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, tuy nhiên tình hình vi phạm pháp luật trong lĩnh vực ngân hàng vẫn diễn biến phức tạp và tinh vi.
Trước thực tế này, đại biểu đề nghị làm rõ trách nhiệm của Thanh tra Chính phủ trong công tác thanh tra ngân hàng, cũng như các giải pháp căn cơ để kịp thời phát hiện, xử lý vi phạm pháp luật, tham nhũng, tiêu cực trong lĩnh vực này.
Trả lời chất vấn của đại biểu, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết, hằng năm Thanh tra Chính phủ đều phối hợp với các bộ, ngành và địa phương, đặc biệt là Ngân hàng Nhà nước để trình Chính phủ phê duyệt định hướng công tác thanh tra, trong đó có thanh tra trọng tâm, trọng điểm một số nội dung về lĩnh vực ngân hàng.
Thanh tra lĩnh vực này thường tập trung vào quản lý tiền tệ, nhất là việc cấp tín dụng đầu tư liên quan đến lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như bất động sản, chứng khoán, trái phiếu Chính phủ và công tác xử lý nợ xấu, phòng, chống rửa tiền…
Thanh tra Chính phủ đã chỉ đạo và hướng dẫn các thanh tra của ngân hàng thực hiện giám sát và thanh tra chuyên ngành đối với quản lý, kiểm soát thu chi trong lĩnh vực tài chính, tiền tệ và những lĩnh vực về nợ xấu của ngân hàng.
Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết, trong những năm qua Thanh tra Chính phủ đã tiến hành thanh tra tại Ngân hàng Nhà nước và 4 ngân hàng thương mại, gồm Vietcombank, Vietinbank, BIDV và Agribank.
Quang cảnh phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực thanh tra. (Ảnh: THỦY NGUYÊN) |
Về kết quả thanh tra trong hoạt động ngân hàng, Thanh tra Chính phủ đã phát hiện, kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung nhiều cơ chế, chính sách bất cập, sơ hở, dễ phát sinh vi phạm trong lĩnh vực quản lý tiền tệ, tín dụng.
Bên cạnh đó, Thanh tra Chính phủ cũng đã phát hiện trong hoạt động của các tổ chức tín dụng có nhiều sai sót, vi phạm, qua đó kiến nghị, chấn chỉnh công tác quản lý và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm để góp phần giữ nghiêm kỷ cương, kỷ luật trong hoạt động tín dụng, tiền tệ, ngân hàng. Đối với những vụ việc có dấu hiệu vi phạm hình sự đã chuyển sang cơ quan điều tra xử lý theo pháp luật.
Tiếp tục đổi mới phương pháp, cách thức tiến hành thanh tra
Tham gia chất vấn Tổng Thanh tra Chính phủ, đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn (Hải Dương) nêu một thực tế rằng vẫn còn một số kết luận thanh tra chậm được ban hành, thậm chí có cuộc thanh tra trên 5 năm vẫn chưa có quyết định.
Một số nội dung trong kết luận thanh tra, nhất là trong lĩnh vực đất đai, đầu tư xây dựng chưa bám sát thực tiễn, tính pháp lý chưa đầy đủ, thuyết phục, chưa bảo đảm tính khả thi dẫn đến thời hạn thực hiện kéo dài, khó dứt điểm.
Có chung băn khoăn, đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) bày tỏ lo ngại rằng việc chậm ban hành kết luận thanh tra có thể sẽ tác động và ảnh hưởng đến tính khách quan của kết luận thanh tra.
Các đại biểu Quốc hội đề nghị làm rõ nguyên nhân, giải pháp thiết thực cụ thể nhằm khắc phục tình trạng nêu trên.
Giải trình vấn đề này, Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết tình trạng chậm ban hành kết luận thanh tra do cả nguyên nhân chủ quan và khách quan. Nhiều cuộc thanh tra phạm vi quy mô lớn, liên quan đến nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều đối tượng, có tính chất phức tạp.
Một số quy định pháp luật còn bất cập, đặc biệt là về vấn đề quy định, thời gian báo cáo và dự thảo kết luận thanh tra. Bên cạnh đó, khối lượng công việc nhiều nhưng lực lượng thanh tra, nhất là Thanh tra Chính phủ rất mỏng và ý thức trách nhiệm của một số thành viên, kỹ năng, năng lực còn hạn chế hay chưa hết trách nhiệm.
Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) đặt câu hỏi chất vấn đối với Tổng Thanh tra Chính phủ. (Ảnh: THỦY NGUYÊN) |
Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết, Chính phủ đã trình Quốc hội Luật Thanh tra (sửa đổi), trong đó có quy định về thời hạn xây dựng báo cáo kết quả thanh tra, đã được điều chỉnh với các cuộc thanh tra có quy mô lớn, tính chất phức tạp là từ 15 đến 30 ngày.
“Trước đây quy định tất cả các cuộc thanh tra, từ Thanh tra Chính phủ, thanh tra tỉnh đến thanh tra sở, ngành, huyện trong vòng 15 ngày kể từ ngày công bố kết luận thanh tra thì phải ban hành kết luận thanh tra. Hiện đã phân ra thời hạn đối với cuộc thanh tra của Chính phủ, có tính chất phức tạp là 30 ngày” – Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong nói.
Về việc báo cáo thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước về dự thảo kết luận thanh tra, Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết, hiện nay toàn bộ những cuộc thanh tra khi dự thảo kết luận phải báo cáo Thủ tướng để xin ý kiến và xin ý kiến tham gia của các bộ, ngành, đối tượng thanh tra.
Nhưng theo dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi), sẽ chỉ phải báo cáo trong trường hợp: cuộc thanh tra liên quan đến quốc phòng, an ninh; cuộc thanh tra do Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực chỉ đạo và cuộc thanh tra do yêu cầu thực tế trong quá trình lãnh đạo mà thủ trưởng cơ quan quản lý yêu cầu báo cáo. Sau khi cơ quan thanh tra báo cáo những trường hợp này, chậm nhất là 30 ngày, thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước phải có ý kiến, nếu không cơ quan thanh tra sẽ ban hành kết luận.
Trong thời gian tới, Thanh tra Chính phủ tiếp tục đổi mới phương pháp và cách thức tiến hành điều tra để đẩy nhanh tiến độ thanh tra, khắc phục tình trạng chậm ban hành kết luận và nâng cao chất lượng kết luận thanh tra, trong đó quy định trách nhiệm cụ thể cho trưởng, phó đoàn thanh tra, thủ trưởng cơ quan chủ trì, thành viên thanh tra, người giám sát, người thẩm định kết luận thanh tra. Đồng thời, có hình thức xử lý nếu để xảy ra lộ lọt, không chuyển các vụ việc vi phạm tội phạm sang cơ quan điều tra…