Khắc phục thiếu giáo viên ở Thanh Hóa

Khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, các địa phương, cở sở giáo dục ở Thanh Hóa chủ động rà soát, sắp xếp mạng lưới, đội ngũ, huy động, động viên nhân lực hiện có tham gia giảng dạy, đáp ứng quyền học tập của học sinh. Dù vậy, cần thực hiện hiệu quả chính sách khuyến khích nhân lực trẻ học ngành sư phạm, đào tạo theo cơ chế “đặt hàng” là giải giáp căn cơ khắc phục tình trạng thiếu viên ở Thanh Hóa.
0:00 / 0:00
0:00
Trường THPT ở huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa.
Trường THPT ở huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa.

Chủ động từ mỗi tập thể, cá nhân

Trường tiểu học và THCS xã Trí Nang, huyện miền núi Lang Chánh tỉnh Thanh Hóa có 363 học sinh theo học tại 19 lớp học ở 3 điểm trường. Thiếu 4 giáo viên so quy định tối đa về số lượng học sinh, giáo viên/lớp, lại có 2 giáo viên đến kỳ sinh con và nghỉ hưu nên các cán bộ, giáo viên trong trường tăng tiết, tăng buổi dạy, bảo đảm quyền học tập của học sinh. Các thành viên Ban Giám hiệu nhà trường cùng tham gia phụ trách lớp học và dạy tăng gấp 2-3 lần số tiết giảng dạy theo quy định với cán bộ quản lý.

Chủ tịch UBND xã Trí Nang, Trịnh Đức Hùng ghi nhận: Tập thể nhà trường luôn nỗ lực vượt khó, hoàn thành tốt nhiệm vụ các năm học, phát huy ưu thế chương trình giáo dục phổ thông mới.

Tại Trường THCS Quang Trung, huyện Ngọc Lặc, 3 giáo viên “luân chuyển” công tác ở bậc học mầm non nhưng đủ năng lực, trình độ tiếp tục tham gia dạy tăng cường ở bậc THCS, mới chuyển hẳn về Trường THCS Quang Trung, nâng tổ Văn lên 5 người. Ngược lại, ngoài giảng dạy tại trường, giáo viên Âm nhạc Nguyễn Văn Cường thường di chuyển, giảng dạy tại trường THCS Ngọc Liên, bảo đảm dạy đủ 19 tiết/tuần theo định mức công việc của giáo viên.

Tương tự, nhiều trường học ở huyện Ngọc Lặc cùng cơ quan quản lý nhà nước thực hiện rà soát số lượng, cơ cấu đội ngũ, sắp xếp, phân công nhiệm vụ cụ thể cho giáo viên, bảo đảm số tiết dạy theo quy định với giáo viên trong tuần, góp phần cải thiện hiện trạng thiếu giáo viên.

Hai năm trở lại đây, huyện miền núi Ngọc Lặc có hơn 30 nghìn học sinh theo học ở hơn 1.000 lớp học tại 75 trường học. Khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, cùng với việc tuyển mới giáo viên, ưu chuyển số giáo viên đang dạy hợp đồng vào ngạch viên chức theo chỉ tiêu được phân bổ, huyện Ngọc Lặc rà soát cơ cấu đội ngũ, định mức công việc của giáo viên, phát huy tinh thần xung kích, tự nguyện kết hợp với điều động, luân chuyển giáo viên về vùng sâu, vùng xa công tác.

Cấp ủy, chính quyền một số địa phương vận động, thuyết phục phụ huynh đưa trẻ ở bốn khu lẻ về điểm trường chính học tập, bảo đảm có điều kiện dạy và học tốt hơn. Toàn huyện giảm 28 lớp học dù năm học này tăng 467 học sinh so tổng số lượng học sinh năm học trước.

Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Ngọc Lặc Nguyễn Văn Toàn, trao đổi: So quy định về số lượng học sinh, giáo viên/lớp, huyện Ngọc Lặc thiếu hơn 200 giáo viên. Năm học này, gần 40 giáo viên được tăng cường về địa bàn vùng sâu, xa, khó khăn làm công tác giảng dạy.

Huyện Ngọc Lặc tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, tạo đồng thuận trong nhân dân, tự giác đưa học sinh tiểu học, mầm non đang theo học tại 30 khu lẻ về các điểm trường chính học tập; động viên giáo viên dạy tăng tiết, phân công giáo viên dạy liên trường, điều động giáo viên về nơi thiếu, vùng khó.

Khắc phục thiếu giáo viên ở Thanh Hóa ảnh 1

Cô và trò ở trường THCS Quang Trung, Ngọc Lặc.

Khắc phục thiếu giáo viên ở Thanh Hóa

Thanh Hóa hiện có 2026 cơ sở giáo dục, gần 900 nghìn học sinh và tình trạng thiếu giáo viên diễn ra phổ biến ở các địa phương, cơ sở giáo dục.

Tỉnh Thanh Hóa đã giao chỉ tiêu lao động hợp đồng làm giáo viên được hỗ trợ kinh phí, các địa phương đã tuyển 3.493 giáo viên mầm non, 95 hợp đồng làm giáo viên Tiếng Anh; thành phố Thanh Hóa thực hiện 57 chỉ tiêu hợp đồng lao động theo Nghị quyết số 102/2020/NQ-CP của Chính phủ. Ngoài các huyện: Bá Thước, Đông Sơn, Nga Sơn tuyển dụng hết số lao động hợp đồng làm giáo viên mầm non, tiếng Anh; các địa phương chưa tuyển dụng 573 lao động hợp đồng làm giáo viên.

Đầu năm 2022, khối mầm non được giao 15.946 biên chế giáo viên, tiểu học 16.756 giáo viên, trung học phổ thông 5.561 giáo viên nhưng kết quả thực hiện ở các địa phương, cơ sở giáo dục trong tỉnh Thanh Hóa đều thấp hơn số lượng biên chế giao. Riêng bậc trung học cơ sở tăng 377 giáo viên so biên chế được giao.

Theo Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa, biên chế giáo viên mầm non, tiểu học thực hiện thấp hơn so với biên chế giao do phải cân đối bù trừ số lượng giáo viên trung học cơ sở thừa. Một số địa phương còn chỉ tiêu tuyển dụng nhưng không có người đăng ký dự tuyển. Có địa phương lúng túng, chậm xây dựng, tổ chức thực hiện kế hoạch tuyển dụng viên chức giáo dục.

Đầu năm học này, Hội đồng nhân dân tỉnh Thanh Hóa phê duyệt bổ sung 1.681 biên chế sự nghiệp giáo dục mầm non và phổ thông cho các cơ sở giáo dục công lập trong tỉnh Thanh Hóa năm 2022 theo chỉ tiêu Trung ương phân bổ.

Dù vậy, Thanh Hóa còn thiếu gần 8.600 giáo viên. Các địa phương đã và đang tập trung thực hiện việc tuyển dụng hết chỉ tiêu biên chế được giao gắn điều chỉnh, cải thiện bất cập về cơ cấu giáo viên; biệt phái giáo viên từ nơi thừa về nơi thiếu, tổ chức bồi dưỡng ngắn hạn cho số lượng giáo viên dôi dư, đáp ứng yêu cầu dạy liên môn, liên cấp, liên trường, liên huyện; động viên giáo viên dạy tăng tiết, tăng buổi, khắc phục thiếu giáo viên bộ môn.

Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thanh Hóa Tạ Hồng Lựu trao đổi: Về lâu dài, Sở phối hợp các cơ sở đào tạo trong và ngoài tỉnh thực hiện đào tạo giáo viên theo cơ chế “đặt hàng”. Sinh viên theo học sư phạm được hưởng lợi các chính sách ưu đãi như miễn học phí, hỗ trợ thêm chi phí sinh hoạt...

Hiện các trường đại học trong tỉnh đang được giao nhiệm vụ đào tạo hơn 3.600 giáo viên, tiếp tục được giao chỉ tiêu đào tạo hơn 1.000 giáo viên mỗi năm, tạo nguồn tuyển dụng cho các cơ sở giáo dục.

Cũng theo Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa, các trường trung học phổ thông phối hợp khảo sát nhu cầu của học sinh lớp 9 về lựa chọn các tổ hợp môn khi vào học lớp 10 để xây dựng phương án tổ hợp 5 môn học lựa chọn, bố trí giáo viên giảng dạy.

Hiện, các trường trung học phổ thông chủ động hợp đồng hoặc thuê giáo viên Âm nhạc, Mỹ thuật cấp trung học cơ sở có đủ trình độ chuyên môn tham gia dạy môn Nghệ thuật, đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh. Đồng thời, các trường xây dựng phương án bố trí đội ngũ giáo viên hợp lý, bảo đảm đủ giáo viên dạy các môn bắt buộc, các môn lựa chọn, hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp, chuyên đề, giáo dục địa phương theo chương trình giáo dục phổ thông mới.