7 giờ sáng, anh Trương Đức Hòa ở huyện Hoài Đức đã có mặt tại Sở Tư pháp Hà Nội để xếp hàng lấy số làm thủ tục cấp giấy xác minh lý lịch tư pháp. Anh Hòa cho biết: Dù đã có số thứ tự, nhưng sau ba giờ chờ đợi, tôi vẫn chưa đến lượt làm thủ tục. Tôi hy vọng đến chiều sẽ làm xong thủ tục xác minh lý lịch tư pháp để kịp hoàn thiện hồ sơ xin đi thực tập.
Không thể thực hiện các thủ tục trực tuyến tại trang điện tử https://dichvucong.hanoi.gov.vn để làm lý lịch tư pháp do phần mềm liên tục báo lỗi, chị Đặng Thị Trang, ở quận Cầu Giấy đành thu xếp công việc để đến Sở Tư pháp Hà Nội đăng ký trực tiếp. 7 giờ 30 phút đã có mặt, sau hơn một tiếng xếp hàng, chị Trang đã lấy được số thứ tự nhưng chờ đến 11 giờ vẫn chưa đến lượt. Chị Trang chia sẻ: Người đến làm hồ sơ đông quá, tôi sẽ kiên nhẫn chờ và mong đến chiều sẽ tới lượt của mình.
Qua tìm hiểu, từ ngày 1/1/2023, Sở Tư pháp Hà Nội cấp phiếu lý lịch tư pháp thuộc thẩm quyền thực hiện trên Cổng dịch vụ công quốc gia hoặc Cổng dịch vụ công thành phố Hà Nội, song việc tiếp nhận hồ sơ qua đường bưu điện và qua Cổng dịch vụ công thành phố hiện còn thấp.
Nguyên nhân ban đầu khiến lượng người đến trực tiếp làm hồ sơ tại Sở Tư pháp Hà Nội tăng đột biến là do việc vận hành phần mềm thử nghiệm trên cổng dịch vụ công về tiếp nhận hồ sơ đề nghị cấp phiếu lý lịch tư pháp chưa ổn định, phát sinh nhiều lỗi, tốc độ xử lý trên hệ thống phần mềm còn chậm. Mặt khác, hiện tại đang là thời điểm nhiều học sinh, sinh viên chuẩn bị ra trường và đi du học, cho nên nhu cầu làm xác minh lý lịch tư pháp rất lớn.
Đại diện Sở Tư pháp Hà Nội cho biết, những ngày gần đây, cán bộ, công chức Sở phải tiếp nhận và giải quyết lượng hồ sơ tăng đột biến. Trước đây, mỗi ngày, Sở tiếp nhận khoảng 300-400 hồ sơ. Hiện nay bình quân mỗi ngày, Sở tiếp nhận 570 hồ sơ hành chính, gồm gần 500 hồ sơ yêu cầu xác định lý lịch tư pháp, trong đó nhiều hồ sơ xác định lý lịch tư pháp rất phức tạp, còn lại là giải quyết thủ tục hành chính liên quan bổ trợ tư pháp và hành chính tư pháp.
Theo Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội Phạm Thị Thanh Hương, trước khối lượng công việc tăng đột biến, Sở đã bố trí thêm ba cán bộ hỗ trợ; tăng số người tiếp nhận, xử lý lên thành bảy người.
Cùng với đó kéo dài thời gian giải quyết các thủ tục từ 1 đến 1,5 giờ mỗi ngày so với quy định. Sở đã sử dụng cả Phòng Bảo vệ của cơ quan làm nơi đặt máy lấy số thứ tự và nhận diện khuôn mặt cho công dân, đồng thời, bố trí riêng một phòng để trong ngày hôm sau giải quyết tất cả trường hợp công dân ngày hôm trước tồn lại chưa được giải quyết.
Với nhân lực hiện tại, trung bình mỗi ngày, Sở Tư pháp chỉ giải quyết được tối đa 500 hồ sơ (gồm nhận hồ sơ và trả kết quả). Các hồ sơ đã được tiếp nhận đều được trả kết quả đúng hẹn.
Để khắc phục ngay tình trạng quá tải trong cấp phiếu lý lịch tư pháp trực tiếp, ngày 7/4, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã có Văn bản số 1015/UBND-KSTTHC chỉ đạo 60 bưu cục của bưu điện tiếp nhận hồ sơ của công dân, tổ chức về thủ tục cấp phiếu lý lịch tư pháp qua dịch vụ bưu chính công ích.
Thành phố yêu cầu Sở Tư pháp, Sở Thông tin và Truyền thông, Bưu điện thành phố, Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã thông tin, tuyên truyền đến người dân về việc thực hiện thủ tục cấp phiếu lý lịch tư pháp tại các bưu cục, điểm tiếp nhận hồ sơ của Bưu điện thành phố để giảm tình trạng quá tải số công dân đến trụ sở Sở Tư pháp.
Cũng trong ngày 7/4, Đoàn kiểm tra công vụ thành phố Hà Nội đã kiểm tra thực tế và làm việc tại Sở Tư pháp Hà Nội về việc tiếp nhận giải quyết thủ tục hành chính trong cấp phiếu lý lịch tư pháp. Đoàn đã yêu cầu Sở Tư pháp khẩn trương đầu tư, tăng cường cơ sở vật chất và có biện pháp khắc phục để tránh tình trạng công dân đến quá đông phải xếp hàng chờ giải quyết.
Nghiên cứu, đề xuất phương án phối hợp với Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã tạm thời bố trí tăng cường các điểm tiếp nhận hồ sơ thực hiện yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp để giảm số lượng quá lớn công dân đến trụ sở Sở Tư pháp trong giai đoạn hiện nay.
Tại buổi làm việc, Sở Tư pháp Hà Nội kiến nghị Ủy ban nhân dân thành phố chỉ đạo các đơn vị liên quan khắc phục lỗi trong hệ thống phần mềm bộ phận một cửa để người dân nộp được hồ sơ trực tuyến, không phải đến xếp hàng tại sở.
Cùng với đó sớm giải quyết kết nối đồng bộ liên thông giữa phần mềm của thành phố với phần mềm Bộ Tư pháp để nâng cao hiệu quả tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính về lý lịch tư pháp. Trước thực tế mỗi năm Sở Tư pháp Hà Nội tiếp nhận khoảng 80.000 hồ sơ trở lên về đề nghị cấp lý lịch tư pháp, Sở đề nghị thành phố quan tâm bố trí tăng thêm biên chế công chức để có đủ nhân lực tham mưu thực hiện các nhiệm vụ công tác, bố trí nhân sự tiếp nhận giải quyết thủ tục hành chính đáp ứng yêu cầu công việc.