Khắc phục những bất cập trong đấu giá quyền sử dụng đất

NDO - Sáng 10/3, tại Hà Nội, Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam phối hợp Tạp chí Môi trường và Cuộc sống tổ chức tọa đàm trực tuyến góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
0:00 / 0:00
0:00
Quang cảnh tọa đàm. (Ảnh: Tạp chí Môi trường và Cuộc sống)
Quang cảnh tọa đàm. (Ảnh: Tạp chí Môi trường và Cuộc sống)

Tọa đàm nhằm lấy ý kiến từ các chuyên gia, luật sư, nhà quản lý đối với một số nội dung sửa đổi, bổ sung được đông đảo nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp đặc biệt quan tâm, trong đó đáng chú ý là công tác đấu giá quyền sử dụng đất; việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất; các trường hợp thỏa thuận quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư…

Bảo đảm hài hòa lợi ích giữa nhà nước, doanh nghiệp và người dân

Phát biểu khai mạc tọa đàm, bà Phạm Thị Xuân - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam cho biết, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đang được công khai lấy ý kiến trong nhân dân gồm 16 chương, 246 điều, trong đó giữ nguyên 28 điều, sửa đổi, bổ sung 184 điều, bổ sung 41 điều mới và bãi bỏ 8 điều.

Đây là một đạo luật quan trọng, phức tạp, giữ vai trò căn bản trong hệ thống pháp luật về đất đai, có mối quan hệ và ảnh hưởng sâu sắc đến việc thực thi chính sách quy định trong rất nhiều luật khác nhau, tác động đến mọi mặt của đời sống kinh tế-xã hội, tới tất cả các tổ chức và từng người dân.

Vì vậy, việc sửa đổi và hoàn thiện hệ thống pháp luật về đất đai và đưa đất đai phát triển là nội dung hết sức quan trọng nhằm bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, hệ thống hóa các Nghị quyết của Đảng.

Khắc phục những bất cập trong đấu giá quyền sử dụng đất ảnh 1

Bà Phạm Thị Xuân - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam phát biểu khai mạc tọa đàm. (Ảnh: Tạp chí Môi trường và Cuộc sống)

“Mục tiêu của việc sửa đổi này là tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý để phù hợp với quy định quản lý và sử dụng đất đai, góp phần thể chế hóa Nghị quyết của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Nghị quyết 18 của Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng, bảo đảm Luật Đất đai thống nhất trong hệ thống pháp luật, khắc phục những tồn tại, yếu kém trong Luật Đất đai năm 2013 để giải quyết hài hòa các vấn đề giữa các chủ thể tham gia: Nhà nước, doanh nghiệp và người dân” - bà Xuân cho biết.

Cần có chế tài mạnh mẽ xử lý các trường hợp bỏ cọc đấu giá đất

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) có quy định về công tác đấu giá quyền sử dụng đất, nhưng chưa có quy định chi tiết về việc phân quyền cấp tỉnh lập quy hoạch khu đất để thực hiện đấu giá, do đó nguy cơ dẫn đến sự chồng chéo.

Về vấn đề này, bà Hà Thị Minh Tâm - Đại biểu Quốc hội khóa XIV của Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam nêu rõ công tác đấu giá quyền sử dụng đất trên thực tế ở địa phương còn gặp nhiều khó khăn, bất cập.

Hiện nay chưa có quy định về vấn đề giao trách nhiệm cho UBND các tỉnh trong việc thực hiện quy hoạch chi tiết. Điều này cũng ảnh hưởng một phần đến quá trình thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất.

Theo đó, quy hoạch chi tiết được giao cho UBND cấp huyện, Sở Xây dựng có trách nhiệm tham mưu cho UBND tỉnh và các sở, ngành liên quan trong quá trình thực hiện các thủ tục dẫn đến thẩm quyền giải quyết chậm so với thực tiễn, do các đơn vị này phải có sự phối hợp và cũng cần thời gian để nghiên cứu, tham mưu cho UBND tỉnh, dẫn tới sự chồng chéo.

“Nếu như UBND tỉnh được xây dựng qui hoạch chi tiết 1/500 hoặc 1/2000 thì sẽ thuận lợi hơn, sự chỉ đạo sẽ nhanh hơn, quyết liệt hơn” - bà Tâm nói.

Khắc phục những bất cập trong đấu giá quyền sử dụng đất ảnh 3

Bà Hà Thị Minh Tâm - Đại biểu Quốc hội khóa XIV của Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam phát biểu tại tọa đàm. (Ảnh: Tạp chí Môi trường và Cuộc sống)

Đại biểu Quốc hội khóa XIV cũng nêu một số bất cập về thủ tục hồ sơ, giá đất, quy định điều kiện tham gia đấu giá đối với các nhà đầu tư, nhất là những dự án lớn. Cụ thể, dự thảo Luật chưa quan tấm đến vấn đề xem xét các nhà đầu tư đã thực hiện các dự án khác đã được giao chưa hay khả năng tài chính như thế nào. Điều này dẫn đến việc một số nhà đầu tư vẫn cứ tham gia đấu giá nhưng không có khả năng thực hiện, dẫn tới chậm, có khi còn bỏ cọc như dự án Thủ Thiêm.

Đối với những dự án lớn, dự án có giá trị kinh tế cao, bà Tâm cho rằng cần phải có nguyên tắc về mặt công khai các thông tin liên quan dự án, khu đất đấu giá để nhà đầu tư chủ động tìm hiểu. Đồng thời, cũng cần có nguyên tắc quy định rõ thể hiện tính nghiêm túc trong việc thực hiện quyền đấu giá, áp dụng các biện pháp xử lý mạnh mẽ đối với các trường hợp bỏ đấu giá hoặc vi phạm quy định để răn đe.

Làm rõ vai trò quản lý của Nhà nước về giá đất

Liên quan đến quy định việc doanh nghiệp thỏa thuận về quyền sử dụng đất với chủ sử dụng đất (hộ gia đình, cá nhân, tổ chức) để thực hiện dự án đầu tư xây dựng đô thị, ông Nguyễn Văn Vẻ - Phó Chủ tịch Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam cho biết, tại điểm c khoản 1 Điều 128 dự thảo Luật ghi rõ: “Thỏa thuận quyền sử dụng đất ở và các loại đất không phải là đất ở để chuyển mục đích sử dụng đất thực hiện dự án đô thị, nhà ở thương mại, khu dân cư nông thôn”.

Theo ông Vẻ, đây là điểm còn nhiều ý kiến băn khoăn, cần làm rõ vai trò của Nhà nước thực hiện quyền đại diện quản lý về đất đai như đã quy định tại Điều 53 Hiến pháp năm 2013: “Đất đai, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, nguồn lợi ở vùng biển, vùng trời, tài nguyên thiên nhiên khác và các tài sản do Nhà nước đầu tư, quản lý là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý”.

Khắc phục những bất cập trong đấu giá quyền sử dụng đất ảnh 5

Ông Nguyễn Văn Vẻ - Phó Chủ tịch Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam góp ý vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). (Ảnh: Tạp chí Môi trường và Cuộc sống)

Phó Chủ tịch Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam đặt vấn đề, vai trò quản lý của nhà nước về giá đất thực hiện theo nguyên tắc thị trường (Điều 153) sẽ như thế nào nếu như “khoán trắng”, “thả nổi” cho doanh nghiệp tự thỏa thuận với người dân chủ sử dụng đất, vốn dễ phát sinh vướng mắc, bất cập trong tổ chức thực hiện, nhất là các dự án xây dựng đô thị. Chỉ một vài trường hợp không thỏa thuận được sẽ đình trệ dự án, gây lãng phí, kéo dài tiến độ dự án, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế-xã hội, làm giảm hiệu quả dự án.

“Đây là khoảng trống pháp lý cần phải khắc phục. Dự thảo Luật cần quy định rõ vai trò của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền trong việc quản lý các dự án do doanh nghiệp thỏa thuận với các chủ sử dụng đất tại Điều 128 của Luật này” - ông Vẻ nhấn mạnh.

Cũng trong khuôn khổ tọa đàm, các chuyên gia, nhà quản lý đã cho ý kiến về một số nội dung khác trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) như quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; giải quyết khiếu nại, tố cáo về đất đai; nâng cao vai trò trách nhiệm quản lý nhà nước về đất đai; bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi nhà nước thu hồi đất…

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đang được lấy ý kiến sâu rộng các tầng lớp nhân dân. Theo kế hoạch, việc lấy ý kiến nhân dân sẽ được tiến hành đến hết ngày 15/3/2023.


Một số vấn đề trọng tâm được đưa ra để lấy ý kiến của nhân dân về dự thảo Luật, gồm: (1) Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; (2) Thu hồi đất và chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; (3) Phát triển quỹ đất; (4) Giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; (5) Đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận và các thủ tục hành chính, dữ liệu, thông tin đất đai; (6) Cơ chế, chính sách tài chính, giá đất; (7) Chế độ quản lý, sử dụng các loại đất; (8) Phân cấp, giám sát, kiểm soát quyền lực; (9) Hộ gia đình sử dụng đất.