Khắc phục mọi khó khăn, đẩy nhanh tiến độ dự án đường sắt đô thị Nhổn-Ga Hà Nội

NDO - Sáng 7/8, Thủ tướng Phạm Minh Chính đi kiểm tra tuyến đường sắt đô thị thí điểm TP Hà Nội, đoạn Nhổn-Ga Hà Nội. Cùng đi có đồng chí Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội.
0:00 / 0:00
0:00
Thủ tướng Phạm Minh Chính thị sát, kiểm tra các hạng mục thi công ngầm ở Ga S9-Kim Mã. (Ảnh: Trần Hải)
Thủ tướng Phạm Minh Chính thị sát, kiểm tra các hạng mục thi công ngầm ở Ga S9-Kim Mã. (Ảnh: Trần Hải)

Thủ tướng đã đến kiểm tra Ga S9-Kim Mã; trải nghiệm thực tế đi tàu từ Ga S8 (Đại học Giao thông vận tải) về Khu Depot Nhổn-Ga Hà Nội ở phường Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm. Kiểm tra các hạng mục thi công Nhà Ga S9-Kim Mã dưới lòng đất, Thủ tướng tìm hiểu về những khó khăn, vướng mắc, nhất là những vấn đề ảnh hưởng đến tiến độ dự án cũng như nghe chủ đầu tư, nhà thầu đề xuất các giải pháp khắc phục. Thủ tướng cho biết, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ cố gắng có giải pháp tối ưu nhất cùng với đó yêu cầu các nhà thầu phải tổ chức thi công “3 ca, 4 kíp” để bảo đảm tiến độ.

Tại khu Depot Nhổn, Thủ tướng kiểm tra tiến độ các hạng mục của khu. Phát biểu ý kiến chỉ đạo đối với chủ đầu tư, Ban quản lý dự án, nhà thầu, Thủ tướng nêu rõ, hợp đồng đã xác định rõ các mốc tiến độ, do đó các bên phải xác định mốc tiến độ cuối cùng hoàn thành dự án với từng mốc cụ thể. Thủ tướng yêu cầu tăng cường giao ban giữa các bên; nêu rõ, nguyên nhân chậm tiến độ là do Tổng Công ty Xây dựng Hà Nội (Hancorp) - nhà thầu thì chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án phải đôn đốc, kiểm tra thường xuyên; thành phố Hà Nội cũng phải quan tâm dự án này.

Khắc phục mọi khó khăn, đẩy nhanh tiến độ dự án đường sắt đô thị Nhổn-Ga Hà Nội ảnh 1

Thủ tướng Phạm Minh Chính thị sát, kiểm tra các hạng mục thi công ngầm ở Ga S9-Kim Mã. (Ảnh: Trần Hải)

Thủ tướng cho rằng, nhà thầu đã nhận trách nhiệm chậm trễ với thành phố Hà Nội, nhân dân Thủ đô thì phải huy động tối đa nhân lực, thiết bị, lên kế hoạch từng ngày, xác định mốc tiến độ để bảo đảm kịp, nếu gói thiết bị điện chậm thì ảnh hưởng, làm chậm tiến độ các gói khác. Nguồn vốn cho các hạng mục đã được bố trí đủ, không có lý do gì để chậm tiến độ; nhà thầu phải tranh thủ thi công “3 ca 4 kíp”, Ban Quản lý phải giao ban hằng tuần xem vướng mắc gì? Giải pháp khắc phục như thế nào, thẩm quyền của ai? Việc các bên tiến hành giao ban hằng tuần mà tiến độ vẫn chậm 6 tháng là không được. Các bên phải trao đổi lại vấn đề hợp đồng. Các gói thầu phải có hồ sơ, hợp lý mới được thẩm định, phê duyệt.

Thủ tướng yêu cầu nêu các mốc tiến độ thì phải đi kèm với giải pháp; chậm 1 khâu thì ảnh hưởng các khâu khác. Do đó, các bên phải nỗ lực khắc phục để bảo đảm tiến độ, chất lượng công trình.

Khắc phục mọi khó khăn, đẩy nhanh tiến độ dự án đường sắt đô thị Nhổn-Ga Hà Nội ảnh 2

Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đồng chí lãnh đạo trải nghiệm thực tế đi tàu từ Ga S8-Đại học Giao thông vận tải đến Khu Depot Nhổn. (Ảnh: Trần Hải)

Đại diện Hancorp cam kết với Thủ tướng sẽ khắc phục mọi khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh thi công, bảo đảm tiến độ các hạng mục.

* Cùng ngày, sau khi đi kiểm tra thực tế dự án, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan Dự án “Tuyến đường sắt đô thị thí điểm TP Hà Nội, đoạn Nhổn-Ga Hà Nội”. Cùng dự có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Phạm Bình Minh, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ; Đinh Tiến Dũng, Bí thư Thành ủy Hà Nội.

Phát biểu ý kiến mở đầu cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, tổng chiều dài Dự án có 12,5km, theo tiến độ dự kiến được phê duyệt đợt đầu năm 2009, dự án hoàn thành vào năm 2015. Như vậy so quyết định đầu tư, tiến độ ban đầu thì đến nay đã chậm mất 7 năm và sẽ tiếp tục chậm nữa. Hiện đã làm được 75% tổng khối lượng dự án; nếu chúng ta không có giải pháp hiệu quả thì dự kiến phải 3 năm nữa mới hoàn thành, khi đó dự án đối mặt với lạm phát và bao vấn đề, lại phải điều chỉnh lần nữa.

Khắc phục mọi khó khăn, đẩy nhanh tiến độ dự án đường sắt đô thị Nhổn-Ga Hà Nội ảnh 3

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại cuộc họp. (Ảnh: Trần Hải)

Chúng ta phải họp xem vướng mắc ở đâu? Thẩm quyền của ai? Vấn đề liên quan tiến độ, vốn thiếu ở đâu? Thực hiện như thế nào để bảo đảm tiến độ; đã chậm rồi không để chậm tiếp nữa. Từ đầu năm đến giờ, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đã ban hành 3 văn bản tháo gỡ, tuy nhiên đến bây giờ vẫn còn nhiều vướng mắc, do đó Chính phủ phải tổ chức cuộc họp với đầy đủ các bộ, ngành, cơ quan liên quan để xem xét tổng thể, trên cơ sở đó, giải quyết các vướng mắc, giao việc cụ thể cho các bộ, ngành.

Thủ tướng gợi ý cần thành lập Tổ công tác chuyên trách để giải quyết Dự án. Từ công trình này cần rút kinh nghiệm chỉ đạo tiếp theo để phát triển đường sắt đô thị ở thành phố Hà Nội. Sau hơn 10 năm, Hà Nội mở rộng không gian để giảm tải cho trung tâm thành phố nhưng chưa khai thác được. Đây là vấn đề đáng suy nghĩ bởi mục tiêu là mở rộng Hà Nội, đây cũng là mục tiêu rất cao của Đảng, Nhà nước cách đây 10 năm.

Cuộc họp này định hướng cần khai thác không gian, giảm tải trung tâm Hà Nội về hạ tầng cho Hà Nội, nhất là về giao thông, điện, nước, ách tắc giao thông. Nếu không làm các dự án đường sắt đô thị thì đầu tư các công trình hạ tầng khác như các nút giao cũng hết sức khó khăn, nhất là về giải phóng mặt bằng. Do đó, chúng ta cần rút kinh nghiệm từ công trình này để làm tốt các công trình khác.

Theo Thủ tướng, việc chậm dự án dẫn đến phải điều chỉnh tổng mức đầu tư do trượt giá; chưa kể giá cả nguyên vật liệu tăng nhanh. Kinh nghiệm làm việc gì dứt việc đó, tập trung làm nhanh trong vài năm, nếu không hiệu quả đầu tư sẽ thấp, lãng phí. Qua kiểm tra nhiều công trình hạ tầng gần đây, Thủ tướng cho rằng vẫn còn tình trạng tiến độ chậm trễ, lãng phí… khiến dư luận nhân dân bức xúc. Thủ tướng yêu cầu các cơ quan liên quan báo cáo đi thẳng vào vấn đề, chỉ rõ nguyên nhân do đâu? Ai chịu trách nhiệm ? Giải pháp khắc phục như thế nào.

* Theo UBND Thành phố Hà Nội, Tuyến đường sắt đô thị thí điểm TP Hà Nội đoạn Nhổn-Ga Hà Nội chạy trên đường dành riêng với chiều dài tuyến là 12,5km gồm 12 ga (8,5km đi trên cao với 8 ga trên cao và 4km đi ngầm với 4 ga ngầm) với lộ trình: điểm đầu Nhổn - điểm cuối ga Hà Nội (trên đường Trần Hưng Đạo, trước ga Hà Nội). Đường sắt khổ đôi 1.435 mm tiêu chuẩn châu Âu; 10 đoàn tàu và 1 Depot diện tích 15,5 ha.

Tổng mức đầu tư Dự án là 32.910 tỷ đồng (khoảng 1.176 triệu euro), trong đó: 958 triệu euro vốn vay ODA của nhà tài trợ gồm Tổng Cục Kho bạc (DGT) của Chính phủ Pháp; Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB), Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và 218 triệu euro vốn đối ứng do ngân sách Thành phố.

Thời gian thực hiện Dự án: 2009-2022 (Quyết định số 1800/QĐ-TTg ngày 21/12/2018 của Thủ tướng Chính phủ). Đây là dự án đầu tư xây dựng có quy mô lớn, công nghệ kỹ thuật mới phức tạp, các hợp đồng của dự án đều sử dụng mẫu hợp đồng quốc tế FIDIC theo điều kiện nguồn vốn vay ODA của các nhà tài trợ.

Về tiến độ dự án: hiện đang triển khai thực hiện 10/10 gói thầu chính. Đến nay, tiến độ tổng thể của Dự án đạt khoảng 75% (trong đó tiến độ đoạn trên cao đạt 96%; tiến độ đoạn ngầm đạt 33%). Kết quả giải ngân năm 2022 của Dự án đến 31/7/2022: giá trị giải ngân là 568,44 tỷ đồng, đạt 17,22% kế hoạch.

Khắc phục mọi khó khăn, đẩy nhanh tiến độ dự án đường sắt đô thị Nhổn-Ga Hà Nội ảnh 4

(Ảnh: Trần Hải)

Căn cứ Tuyên bố chung Việt Nam-Pháp tháng 11/2021: các bên phấn đấu mục tiêu vận hành đoạn trên cao vào tháng 12/2022. Để bảo đảm mục tiêu, chủ đầu tư đã chủ động xây dựng kế hoạch chi tiết để hoàn thành đoạn tuyến trên cao từ tháng 10/2021, gồm 6 nhóm công việc cụ thể. Trong đó, nhóm công việc về giải phóng mặt bằng: đã hoàn thành bàn giao toàn bộ mặt bằng sạch cho các nhà thầu thi công. Hiện nay, UBND Thành phố đang tiếp tục giải quyết dứt điểm khiếu nại của các hộ dân tại Depot Nhổn và đường dẫn trong năm 2022.

Nhóm công việc bảo đảm tiến độ các gói thầu xây lắp, hệ thống thiết bị: tiến độ 2 gói thầu CP05, CP06 đang bị chậm 6 tháng do nguyên nhân chính chậm trễ của gói thầu CP05. Theo đó, việc chậm tiến độ gói thầu CP05 - Công trình kiến trúc depot: các hạng mục chính của gói thầu CP05 có tính chất quan trọng, liên quan trực tiếp đến vận hành, bảo trì tuyến đường sắt đô thị. Tiến độ gói thầu CP05 đã chậm 6 tháng, không bảo đảm các mốc tiến độ quan trọng so với kế hoạch, cụ thể: mốc số 4 về đặt hàng vật tư thiết bị cơ điện - MEPF (ngày 15/11/2021); mốc bàn giao cho các gói thầu cơ điện (ngày 1/6/2022); đóng điện hạ thế Depot (ngày 30/6/2022). Việc chậm trễ gói thầu CP05 ảnh hưởng nghiêm trọng đến mục tiêu hoàn thành đoạn trên cao của dự án và kéo theo chậm trễ, của các gói thầu thiết bị (CP: 06, 07, 08 và 09) gây khiếu nại, thiệt hại cho Dự án.

Việc chậm trễ của gói thầu CP05 đã được UBND Thành phố cũng như Bộ Xây dựng giám sát chặt chẽ, tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành, duy trì họp giao ban tiến độ tháng với Tổng Giám đốc Hancorp để thúc đẩy tiến độ.

Việc chậm trễ tiến độ gói thầu CP06 – Hệ thống đường sắt 1: UBND Thành phố đã chấp thuận cho phép chủ đầu tư gia hạn thời gian thực hiện hợp đồng đến 31/12/2022 và bổ sung chi phí do gia hạn thời gian. Nhà thầu CP06 đã quay trở lại thi công từ ngày 27/6/2022 và đang thực hiện chạy thử liên động, căn chỉnh hệ thống toàn bộ 10 đoàn tàu.

Về phương án khắc phục để bảo đảm mốc hoàn thành đoạn trên cao (phương án B): Với tình hình chậm trễ tiến độ của gói thầu CP05 nêu trên, để giảm thiểu tối đa sự ảnh hưởng, và lệ thuộc vào tiến độ CP05, UBND Thành phố đã cho phép chủ đầu tư/tư vấn và các Nhà thầu xây dựng chi tiết phương án khắc phục để bảo đảm mốc hoàn thành đoạn trên cao (phương án B) với mục tiêu hoàn thành, vận hành đoạn trên cao vào cuối năm 2022.

Phát biểu ý kiến kết luận phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, nguyên nhân và trách nhiệm khiến dự án chậm tiến độ, đội vốn thuộc về chủ đầu tư, thành phố Hà Nội, các đơn vị tư vấn, các nhà thầu; sự phối hợp giữa các bộ, ngành và Thành phố Hà Nội chưa chặt chẽ, hiệu quả. Các vướng mắc, vấn đề phát sinh không kịp thời được xử lý.

Thủ tướng nêu rõ, cuộc họp đã cơ bản thống nhất về định hướng xử lý một số vấn đề, theo đó, về mặt tiến độ, đoạn trên cao của dự án phải phấn đấu hoàn thành chậm nhất là 31/12/2022; nhà thầu đã cam kết đáp ứng tiến độ này, chủ đầu tư là UBND thành phố Hà Nội phải đáp ứng các yêu cầu của nhà thầu; đồng thời nghiên cứu, tìm giải pháp rút ngắn ít nhất một nửa thời gian hoàn thành đoạn đi ngầm so đề xuất của đơn vị tư vấn là năm 2027.

Về điều chỉnh tổng mức đầu tư, Thủ tướng yêu cầu không vay thêm vốn ODA do thủ tục phức tạp (do liên quan tới nhiều loại ngoại tệ, nhiều nhà tài trợ từ nhiều nước, thay đổi tỷ giá…) mà sử dụng ngân sách nhà nước.

Về các vướng mắc giữa pháp luật Việt Nam và pháp luật các nước, quy định của nhà tài trợ, Thủ tướng yêu cầu rà soát lại để điều chỉnh cho phù hợp. Về các thủ tục, các bộ, ngành liên quan theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn chủ động phối hợp với thành phố Hà Nội để triển khai, phân công nhiệm vụ rõ ràng; tiến hành song song các thủ tục thuộc thẩm quyền của Hà Nội và của các bộ ngành.

Về tổ chức thực hiện, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh trực tiếp chỉ đạo theo định hướng chung đã cơ bản được thống nhất tại cuộc họp; Văn phòng Chính phủ tăng cường tham mưu, đôn đốc việc triển khai các nhiệm vụ; các bộ, ngành liên quan như Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính, Bộ Công an, Bộ Giao thông vận tải… vào cuộc với tiến độ công việc cụ thể, giải quyết dứt điểm các vướng mắc, vấn đề đặt ra.

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, cơ quan và thành phố Hà Nội phải chủ động, tích cực thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đã được thống nhất, tránh chung chung, đùn đẩy trách nhiệm; nếu có vướng mắc thì đơn vị chủ trì phải triệu tập các đơn vị liên quan để giải quyết theo đúng quy chế làm việc của Chính phủ. Thủ tướng giao thành phố Hà Nội tổng kết các dự án đường sắt đô thị Nhổn-Ga Hà Nội, dự án Cát Linh-Hà Đông, Thành phố Hồ Chí Minh tổng kết dự án Bến Thành-Suối Tiên để rút kinh nghiệm triển khai các dự án khác.