Khắc phục khó khăn trong giảng dạy môn tích hợp

Năm học 2022-2023 là năm thứ hai các trường trung học cơ sở trên cả nước triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở lớp 6. Trong đó, điểm thay đổi lớn là lần đầu tiên, các môn học Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Ðịa lý được tích hợp thành hai môn chính gồm: Khoa học tự nhiên; Lịch sử và Ðịa lý. Nhiều giáo viên từng bước tháo gỡ khó khăn, chủ động học hỏi, xây dựng nội dung bài giảng bảo đảm đáp ứng yêu cầu môn học.
0:00 / 0:00
0:00
Giờ học môn Khoa học tự nhiên lớp 6 tại Trường trung học cơ sở Bế Văn Ðàn (quận Ðống Ða, Hà Nội). (Ảnh THÚY QUỲNH)
Giờ học môn Khoa học tự nhiên lớp 6 tại Trường trung học cơ sở Bế Văn Ðàn (quận Ðống Ða, Hà Nội). (Ảnh THÚY QUỲNH)

Cô giáo Ngô Thị Trà Hương, tổ trưởng chuyên môn Khoa học tự nhiên, Trường trung học cơ sở Bế Văn Ðàn (quận Ðống Ða, Hà Nội) chia sẻ: Hiện nay, sau hai năm, giáo viên đã tự tin hơn so với những ngày đầu tiếp cận Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Bản thân giáo viên phải bồi dưỡng kiến thức rất nhiều. Tổ chuyên môn thường xuyên trao đổi và tổ chức chuyên đề để giúp kịp thời hỗ trợ cả về phương pháp lẫn nội dung dạy học.

Tuy nhiên, thực tế dạy liên môn vẫn còn những khó khăn như nhiều giáo viên thiếu tự tin khi đứng lớp do chỉ được đào tạo đơn môn. Mặt khác, giáo viên sẽ phải dành thời gian để nghiên cứu, học hỏi, thay đổi cách dạy, cách chuẩn bị bài giảng, soạn giáo án...

Cô giáo Nguyễn Thị Hồng Ngọc, giáo viên Trường trung học cơ sở Tây Sơn, thành phố Thái Bình cho biết: Dạy kiến thức không thuộc chuyên môn chính của mình, giáo viên sẽ mất nhiều thời gian chuẩn bị bài hơn. Hơn nữa, các phần kiến thức chi tiết, cần đi sâu hơn thì lại không bằng được các giáo viên có chuyên môn chính. Vì vậy, khi giảng dạy sẽ khó đưa ra những câu trả lời có thể thỏa mãn được mong muốn từ học sinh. Mặc dù giáo viên đã được tiếp cận, tập huấn chương trình nhưng thực tế khi vào giảng dạy lại có một số kiến thức chưa được đồng nhất giữa các phân môn gây trở ngại cho cả giáo viên và học sinh.

Cô giáo Nguyễn Thị Thanh Minh, nhóm trưởng chuyên môn Khoa học tự nhiên, Trường trung học cơ sở Lương Khánh Thiện (quận Kiến An, thành phố Hải Phòng) cho rằng: Môn Khoa học tự nhiên cần liên hệ thực tế rất nhiều. Nếu như giáo viên không có kiến thức nền thì rất khó mở rộng kiến thức. Mặt khác, giáo viên vừa phải bảo đảm công tác giảng dạy, vừa tham gia lớp tập huấn nên việc lĩnh hội kiến thức chưa thực sự toàn tâm, toàn ý.

Nhằm gỡ khó cho các trường trung học cơ sở khi thực hiện môn Khoa học tự nhiên, năm học 2023-2024, Thành phố Hồ Chí Minh cho phép nhà trường phân công giáo viên giảng dạy theo chủ đề. Như vậy, trong một lớp nhiều giáo viên có thể cùng giảng dạy môn học này. Theo Giám đốc Sở Giáo dục và Ðào tạo Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Hiếu, đối với môn Khoa học tự nhiên, nhà trường cần chủ động xây dựng kế hoạch, bồi dưỡng, đề cử giáo viên tham gia các chương trình bồi dưỡng để giáo viên đáp ứng yêu cầu về chuyên môn.

Ðặc biệt, giáo viên có thể dạy theo các chủ đề hoặc toàn bưộ chương trình môn học. Trong đó, kế hoạch dạy học môn học cần được xây dựng phù hợp với các chủ đề của chương trình môn học và điều kiện tổ chức dạy học của nhà trường. Ðối với môn Lịch sử và Ðịa lý, Sở Giáo dục và Ðào tạo Thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu trường trung học cơ sở, Phòng Giáo dục và Ðào tạo cử giáo viên tham gia bồi dưỡng, tập huấn để giáo viên tự tin và đáp ứng yêu cầu về chuyên môn đảm nhận việc dạy học chương trình môn học; tăng cường sinh hoạt chuyên môn, tập huấn hỗ trợ đồng nghiệp.

Bộ Giáo dục và Ðào tạo cho biết, đã hướng dẫn các nhà trường, căn cứ tình hình đội ngũ giáo viên của nhà trường, hiệu trưởng phân công giáo viên dạy học các nội dung phù hợp với năng lực chuyên môn của giáo viên. Các trường cần đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá theo định hướng phát triển năng lực học sinh.