Chương trình giao lưu đã thu hút sự tham gia của nhiều đại biểu cán bộ cấp cao trong nước cùng đại diện 18 nước thành viên thuộc Nhóm chuyên gia ADMM+ và Ban thư ký ASEAN. Chương trình là cầu nối hợp tác nhiều chiều nhằm kêu gọi các tổ chức kinh tế - xã hội, các doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài nước tiếp tục chung tay góp sức tham gia, để giảm thiểu tác động của ô nhiễm bom mìn, hỗ trợ nạn nhân bom mìn hòa nhập vào đời sống và an sinh xã hội ở vùng ô nhiễm bom mìn nặng nề sau chiến tranh.
Theo Bộ Tư lệnh Binh chủng Công binh, sau khi chiến tranh kết thúc, từ năm 1975 đến nay, Nhà nước ta đã tổ chức nhiều chiến dịch rà phá bom mìn, khối lượng diện tích hằng năm được nhân lên đáng kể, từ 20 nghìn ha/năm (giai đoạn 1999-2010) lên 50 nghìn ha/năm (năm 2013). Công tác rà phá bom mìn vẫn được triển khai hàng ngày, hàng giờ. Tuy nhiên, càng khắc phục hậu quả bom mìn bao nhiêu thì chúng ta càng thấy phạm vi, mức độ của nó càng lớn.
Kể từ khi thành lập Ban chỉ đạo 504, công tác tuyên truyền từng bước được triển khai rộng khắp, góp phần tạo động lực thực hiện chương trình, nâng cao nhận thức của cộng đồng, tạo sự đồng thuận của toàn xã hội và bạn bè quốc tế.
Phát biểu tại chương trình giao lưu, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Quốc phòng, Trưởng Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 504 nhấn mạnh: "Mục đích của việc thành lập Ban chỉ đạo 504 là huy động mọi nguồn lực để đưa vào khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh và giúp nạn nhân bom mìn có cuộc sống tốt đẹp hơn".
“Sự phối hợp đa phương và song phương trước hết phải làm cho chính phủ các nước, các tổ chức quốc tế, các tổ chức, cá nhân rõ hơn về thực trạng và hậu quả của bom mìn. Từ đó cho thấy, để bảo đảm mục tiêu phát triển bền vững chúng ta không thể không giải quyết nhanh ô nhiễm bom mìn sau chiến tranh” - Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh nói.
Đại sứ Hợp chúng quốc Hoa kỳ tại Việt Nam, ông Ted Osius cho biết: "Hoa Kỳ và cá nhân tôi đánh giá cao tầm quan trọng đối với các chương trình rà phá bom mìn tại Việt Nam, cam kết ngân sách hằng năm đã cho thấy điều này, ngân sách đã gấp đôi từ 4,5 triệu USD tới hơn 10 triệu USD trong năm nay, chúng tôi hỗ trợ mọi thứ, giáo dục, xây dựng năng lực tới rà phá và xử lý bom mìn".
Cũng tại chương trình, Tiến sĩ Nguyễn Văn Thân cũng đề ra ba mục tiêu quan trọng cho việc xử lý bom mìn: Thứ nhất là tham gia phối hợp chặt chẽ, hỗ trợ vận động các nguồn, các loại hình quốc tế, doanh nghiệp. Thứ hai, tham gia vận động thành lập Nhóm tài trợ khắc phục hậu quả bom mìn trong nước và vận động doanh nghiệp tham gia hỗ trợ bằng nhiều chiều. Thứ ba là tham gia nghiên cứu, hỗ trợ phát triển trang Thông tin điện tử của Chương trình 504 để làm cơ sở,...
Dưới sự cho phép của Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo 504, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Trưởng cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 504 đã phát động chương trình “Chung tay khắc phục hậu quả bom mìn sót lại sau chiến tranh ở Việt Nam”; đồng thời đã kêu gọi toàn thể cộng đồng trong nước và quốc tế tiếp tục tham gia và ủng hộ Chương trình 504, chung tay góp sức khắc phục hậu quả bom mìn, giúp người dân trong các vùng bị ô nhiễm bom mìn ngày càng có cuộc sống hạnh phúc và an toàn hơn, góp phần thiết thực đưa đất nước Việt Nam phát triển nhanh và bền vững.
Cuối chương trình là phần trao quà từ các nhà tại trợ cho nhân dân huyện miền núi A Lưới (tỉnh Thừa Thiên - Huế), một trong những địa phương hiện vẫn còn rất nhiều nạn nhân của bom mìn và còn nhiều việc phải làm để khắc phục hết hậu quả bom mìn sót lại sau chiến tranh. Đặc biệt, Ban chỉ đạo 504 đã trao quà tặng gia đình em Nguyễn Đức Ánh, nạn nhân do bom mìn còn xót lại sau chiến tranh.
Ngay sau lễ phát động, để hưởng ứng chương trình, Quyền Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, ông Nguyễn Văn Thân đã cam kết sẽ tham gia vận động thành lập Nhóm tài trợ khắc phục hậu quả bom mìn trong nước và vận động các doanh nghiệp tham gia, hỗ trợ bằng nhiều hình thức. Trước mắt, Hiệp hội sẽ vận động các doanh nghiệp hội viên tiến hành các hoạt động cụ thể, thiết thực như tặng sổ tiết kiệm, nhà tình nghĩa hoặc bảo trợ, hỗ trợ trực tiếp cho các nạn nhân bom mìn gặp nhiều khó khăn - đặc biệt đối với nạn nhân bom mìn là trẻ em trên địa bàn Thừa Thiên - Huế.