Việc chuyển đổi công năng, mục đích sử dụng trụ sở của các cơ quan cấp huyện cũng gặp trở ngại, do không phù hợp nhu cầu của cơ quan, tổ chức và người dân. Chi phí duy trì cải tạo, sửa chữa trụ sở cao; quá trình tổ chức thanh lý, bán đấu giá một số trụ sở, tài sản công dôi dư sau sắp xếp còn khó khăn... Do đó, đề nghị Chính phủ báo cáo làm rõ vấn đề này và có giải pháp xử lý, tránh tình trạng lãng phí; đồng thời cần nghiên cứu để chuẩn bị cho việc sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn 2023-2030...
Tuy nhiên, thực tế còn vấn đề quan trọng chưa được nhắc tới trong báo cáo, nhưng lại được cử tri và nhân dân rất mong mỏi sớm có giải pháp khắc phục, đó là chất lượng đô thị sau sáp nhập còn tình trạng "vỏ" đô thị, "ruột" nông thôn.
Ðể khuyến khích sáp nhập đơn vị hành chính, Nghị quyết số 653/2019/UBTVQH14 quy định cho phép sắp xếp các đơn vị hành chính nông thôn vào đơn vị hành chính đô thị kể cả khi chưa phù hợp định hướng quy hoạch, chương trình phát triển đô thị và các tiêu chuẩn về cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế-xã hội, trình độ phát triển kết cấu hạ tầng, kiến trúc cảnh quan đô thị chỉ cần đạt 50% trở lên tiêu chuẩn quy định. Vì thế, thực tế hiện nay, các thị trấn được mở rộng thêm diện tích tự nhiên và quy mô dân số sau khi nhập với xã nhưng chất lượng đô thị lại giảm sút do địa bàn rộng, dàn trải, hạ tầng kỹ thuật đô thị ở nhiều khu vực trước đây là xã còn thiếu và yếu.
Tiếp tục thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030
Tại nhiều đơn vị hành chính sau sáp nhập, một số khu vực điều kiện cơ sở vật chất vẫn rất thiếu thốn, thậm chí thiếu cả nước sạch sinh hoạt cho người dân. Các chỉ tiêu và định hướng về phát triển kinh tế-xã hội của một số đơn vị hành chính nông thôn được sáp nhập thiếu phù hợp, thậm chí bị "vênh" do kết cấu hạ tầng có sự chênh lệch, ảnh hưởng tốc độ phát triển của đơn vị hành chính đô thị sau khi sáp nhập. Nhưng khi phải xem xét, điều chỉnh quy hoạch lại thiếu cơ sở pháp lý để triển khai đầu tư vì chưa có quy hoạch đô thị chung.
Ngay cả các chính sách thiết thực, thiết yếu cần giữ lại để giúp người dân thích nghi dần với cuộc sống mới ở khu vực đô thị cũng không được tiếp tục thực hiện, do các xã sau khi sáp nhập không đủ tiêu chí là xã nghèo, xã khó khăn nên các chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người dân không còn được áp dụng.
Theo Bộ Xây dựng, chất lượng đô thị ở nhiều đơn vị hành chính đô thị thành lập sau sắp xếp mới chỉ đạt khoảng 50% các tiêu chí, tiêu chuẩn phân loại đô thị. Các đơn vị hành chính ở khu vực miền núi gặp nhiều khó khăn trong thu hút đầu tư, khắc phục các tiêu chuẩn về trình độ phát triển cơ sở hạ tầng và kiến trúc còn thiếu hoặc chưa đáp ứng để nâng cao chất lượng đô thị.
Kết luận số 48-KL/TW của Bộ Chính trị yêu cầu tiếp tục thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030. Theo đó, có nhiều đơn vị hành chính đô thị phải sắp xếp trong giai đoạn này, gồm cả việc nhập đơn vị hành chính nông thôn vào đơn vị hành chính đô thị. Nếu không có giải pháp khả thi thì việc sắp xếp như vậy rất khó bảo đảm đạt tiêu chuẩn về loại đô thị hoặc về hệ thống cơ sở hạ tầng đô thị.
Vì vậy, để thực hiện hiệu quả Kết luận số 48, Chính phủ cần nghiên cứu xây dựng các tiêu chí đơn vị hành chính đô thị bảo đảm hài hòa tiêu chuẩn về cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế-xã hội, tiêu chuẩn về hệ thống cơ sở hạ tầng theo từng giai đoạn sắp xếp. Tùy từng trường hợp mà xem xét các điều kiện, tiêu chí cụ thể cho phù hợp. Việc sắp xếp phải phù hợp quy hoạch tỉnh, quy hoạch nông thôn, quy hoạch đô thị, từ đó xây dựng kế hoạch huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực để nâng cấp chất lượng đô thị.
Các đơn vị hành chính đô thị mới đang rất cần vốn để hoàn thiện các tiêu chí chưa đạt, nhất là nhóm các tiêu chuẩn về hạ tầng kinh tế-xã hội. Vì vậy, cần nghiên cứu áp dụng chế độ, chính sách đặc thù đối với các đơn vị hành chính này, nhất là khi xây dựng đề án sắp xếp. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm rà soát, lập danh mục chế độ, chính sách đặc thù của các đơn vị hành chính thuộc diện sắp xếp, dự kiến sửa đổi, bổ sung quy định về chế độ, chính sách thuộc phạm vi thẩm quyền hoặc đề xuất, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung để bảo đảm tính tổng thể, đồng bộ và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động cho đơn vị hành chính đô thị sau sắp xếp.