Có một thứ giấy mỏng, mềm dai như… lụa
Hẳn nhiều người biết đến câu ca dao “Mịt mù khói tỏa ngàn sương/ Nhịp chày Yên Thái, mặt gương Tây Hồ”.
Tiếng chày ở đây là tiếng chày giã dó. Tổng Bưởi xưa có nhiều làng làm giấy, nhưng Yên Thái thuộc hàng nổi tiếng hơn cả. Làng Yên Thái có ba thôn: Yên Thái, Thọ Thôn và Đông Xã. Trong đó, chỉ duy nhất thôn Đông Xã giữ bí quyết làm giấy dó lụa.
Được gọi là giấy dó lụa bởi thứ giấy này mỏng, mềm như tấm lụa Hà Đông. Người ta có thể vò nát tờ giấy, nhưng vuốt ra, lại phẳng như bình thường. Nếu là giấy kép đôi (tức hai lớp) thì xé cũng không thể rách. Giấy dó lụa để trong điều kiện bình thường, không cần bảo quản cũng giữ được vài trăm năm mà không ảnh hưởng gì. Bởi thế, nghề giấy dó nói chung được coi là khá vất vả.
Dân gian có câu: "Giã nay rồi lại giã mai/ Đôi chân tê mỏi, dó ơi vì mày..."
Nhưng giấy dó lụa thì khác. Người làm giấy dó lụa thường chỉ cần làm mươi ngày là đủ ăn cả tháng. Bí quyết làm giấy dó lụa được giữ cực kỳ bí mật, hoàn toàn truyền miệng và chỉ truyền cho con trai, con dâu trong gia đình. Giấy dó lụa chủ yếu được truyền trong dòng họ Nguyễn Thế ở làng Đông Xã, được xem như một độc quyền công nghệ. Xưa, thứ giấy này được giới quý tộc mua để in kinh sách.
Ông Nguyễn Thế Đoán, hậu duệ dòng Nguyễn Thế ở Đông Xã (nay thuộc phường Bưởi – quận Tây Hồ - Hà Nội) cho biết, nhiều nơi trong cả nước làm giấy dó, nhưng kể cả những loại giấy chất lượng tốt nhất của các làng khác, đặt cạnh dó lụa Đông Xã đều thua xa về độ mỏng, dai và độ bền. Bởi kỹ thuật làm dó lụa cực kỳ công phu.
Trước hết, ở chọn nguyên liệu, nếu các địa phương thường chọn vỏ cây dó thì dó lụa lại làm từ vỏ cây cãnh. Bởi sợi vỏ cây cãnh nhỏ hơn rất nhiều. Vỏ cãnh được người làm nghề mua từ vùng núi phía bắc.
Quy trình làm dó lụa gần giống giấy dó thông thường, nhưng phải làm tuyệt đối cẩn thận. Vỏ cây cãnh vốn sợi nhỏ, nhưng chỉ lấy sợi ở lớp thứ ba, tức lớp sát với lõi cây mà thôi. Hai lớp vỏ ngoài được dùng làm các loại giấy khác. Sau khi qua các công đoạn sơ chế, vỏ cãnh phải đồ đến 3 ngày 2 đêm mới dùng được. Chỉ riêng việc nhặt làm sạch vỏ cãnh cũng cẩn thận. Người thợ dùng một chiếc mâm đồng, được lau đến sáng bóng lên, rồi đặt vỏ cây lên. Hai người phụ nữ ngồi hai bên, mỗi người phải để một tô nước sạch trước mặt, người ta thả vỏ cãnh vào, để những thứ tạp chất nổi lên. Tiếp đó, người thợ đem đi giã. Khi giã xong, vỏ cãnh cho loại sợi giấy rất nhỏ, chỉ bằng sợi tơ tằm. Sợi vỏ cãnh rất dai, sau khi giã kỹ, cũng vẫn còn dài đến non một xăng-ti-mét. Nhờ thế, khi đưa vào seo giấy, các sợi này đan vào nhau như ta đan liếp, tuy mỏng, nhưng cực kỳ bền chắc.
Muốn truyền bí quyết, nhưng… chưa ai học
Dòng họ Nguyễn Thế nhiều đời giữ bí quyết tạo ra giấy dó lụa. Xưa kia, chỉ ngành trưởng trong họ mới được làm những công việc quan trọng trong quy trình sản xuất giấy. Ông Nguyễn Thế Đoán là hậu duệ của dòng họ Nguyễn Thế làng Đông Xã, người duy nhất giữ bí quyết làm giấy dó lụa hiện nay. Sau năm 1990, một loạt hợp tác xã sản xuất giấy dó ở vùng Bưởi như: Hợp tác xã Cộng Lực (làng Yên Thái và An Thọ), Hợp tác xã Đông Thành (làng Hồ Khẩu), Hợp tác xã Đông Hòa (làng Đông Xã) ở vùng Bưởi giải tán do không tiêu thụ được sản phẩm. Kể từ đó, nghề làm giấy dó đã không còn trên đất Thăng Long - Hà Nội.
Bản Điếu văn Chủ tịch Hồ Chí Minh được in trên giấy dó lụa.
Mỗi lúc nói đến giấy dó lụa, ông thường tự hào kể lại câu chuyện cách đây bốn mươi năm. Đó là khi Chủ tịch Hồ Chí Minh từ trần, Trung ương đã giao cho làng Yên Thái làm giấy dó lụa để in Điếu văn đọc trong tang lễ Người, đồng thời, để làm lưu niệm tặng các đoàn khách quốc tế đến viếng Bác. Giấy để in Điếu văn Bác là giấy bóc kép ba (tức gồm ba lớp dó lụa mỏng) nên dày hơn, in rất đẹp. Mấy chục năm trôi qua, tờ giấy dó lụa tin Điếu văn ngày nào vẫn sắc nét như mới.
Cách đây năm năm, tiếc nhớ nghề cổ, ông Nguyễn Thế Đoán đã mày mò chuẩn bị dụng cụ để khôi phục giấy dó, đặc biệt là dó lụa. Căn nhà không rộng, nhưng ông xây một chiếc bể seo giấy rộng đến một phần ba sân nhà. Ông cũng chuẩn bị đủ cối, liềm seo giấy, nguyên vật liệu... Thế nhưng đã mấy năm trôi qua, mẻ dó lụa đầu tiên vẫn... nằm ở thì tương lai. Những chiếc liềm seo giấy vẫn nằm yên trên nóc tủ. Còn chiếc bể seo thì đã được dùng làm vật chứa đồ tạm. Gia đình ông Đoán không dư dả về kinh tế. Tuổi cao, sức yếu, ông khó có thể tự khôi phục nếu không nhận được sự hỗ trợ nào.
Khi được hỏi liệu ông Đoán có giữ bí quyết như trước đây không, ông Đoán bảo: "Giờ chỉ lo làm sao giữ được nghề này thôi, tôi sẵn sàng truyền cho mọi người...". Mặc dầu sẵn sàng truyền nghề, nhưng nhiều năm qua, chưa thấy cơ quan chức năng nào đến hỏi thăm ông Đoán về hồi phục nghề cổ này cả. Ông Đoán cho rằng, chỉ có nhà nước đặt hàng làm giấy dó lụa phục vụ cho việc in những tài liệu đặc biệt như làm dó lụa để in Điếu văn Chủ tịch Hồ Chí Minh thì nghề làm giấy dó, đặc biệt là dó lụa Yên Thái mới có thể được khôi phục.
Nước ta có không ít địa phương làm giấy dó. Nhưng giấy dó lụa Yên Thái là sản phẩm độc nhất vô nhị, không thứ giấy dó nào sánh được. Nghề làm giấy dó Kẻ Bưởi nói chung, dó lụa nói riêng đã không còn. Rất có thể, phương pháp làm dó lụa, dù là lý thuyết, cũng chẳng còn tồn tại bao lâu. Bởi người duy nhất giữ nó chẳng còn bao lâu nữa sẽ sang tuổi 80...