Theo đó, tham gia tuyển chọn Bí thư Huyện ủy Lắk và Buôn Đôn có chín ứng viên, trong đó tham gia ứng viên Bí thư Huyện ủy Lắk có năm đồng chí gồm: Võ Ngọc Tuyên, sinh năm 1966, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư; Nguyễn Văn Hà, sinh năm 1978, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Nguyễn Thị Thu An, sinh năm 1979, Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh Đắk Lắk; Nguyễn Văn Khoa, sinh năm 1966, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ; Hoàng Minh Cương, sinh năm 1965, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Đắk Lắk.
Tham gia ứng viên Bí thư Huyện ủy Buôn Đôn có bốn đồng chí gồm: Ya Toan Ênuôl, sinh năm 1970, Phó Bí thư Thành ủy Buôn Ma Thuột; Y Jăn Buôn Krông, sinh năm 1971, Phó Bí thư Huyện ủy Cư Kuin; Ra Lan Von Ga, sinh năm 1968, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng công nghệ Tây Nguyên; Y Mơ Mlô, sinh năm 1975, Phó Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Đắk Lắk.
Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Lắk đặt câu hỏi tình huống cho các ứng viên.
Đây là lần đầu tiên Tỉnh ủy Đắk Lắk tổ chức tuyển chọn thí điểm Bí thư Huyện ủy Lắk và Buôn Đôn nên trong những ngày qua đã thu hút được sự quan tâm đặc biệt của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tỉnh, nhất là nhân dân hai huyện Lắk và Buôn Đôn. Bởi đây là hai huyện nghèo nhất của tỉnh Đắk Lắk và có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, tỷ lệ hộ nghèo còn khá cao. Vì vậy, người dân ở hai địa phương này rất kỳ vọng việc tuyển chọn được đồng chí Bí thư Huyện ủy thực tài, có năng lực và tâm huyết sẽ cùng với Ban Thường vụ Huyện ủy đề ra được các giải pháp thiết thực thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống của nhân dân và bảo đảm quốc phòng-an ninh trên địa bàn.
Sau một ngày rưỡi làm việc nghiêm túc, dân chủ, công khai, minh bạch, công bằng và đúng quy chế, các ứng viên tham gia tuyển chọn trình bày nội dung chương trình hành động và cam kết trách nhiệm thực hiện ở vị trí chức danh cần tuyển chọn. Thời gian trình bày của mỗi ứng viên tham gia tuyển chọn tối đa là 30 phút, sau đó hội đồng tuyển chọn (Ban Thường vụ Tỉnh ủy) chất vấn các ứng viên tham gia tuyển chọn về nội dung trình bày, mỗi ứng viên trả lời câu hỏi tối đa là 30 phút, thời gian trả lời mỗi câu hỏi chất vấn là không quá năm phút.
Việc chấm điểm tuyển chọn được cơ cấu: điểm trình bày nội dung của mỗi ứng viên tham gia tuyển chọn được mỗi thành viên hội đồng chấm theo thang điểm 100, cơ cấu điểm gồm ba phần cụ thể: Phần xây dựng chương trình hành động ở vị trí chức danh cần tuyển, ứng viên phải đánh giá thực trạng, phân tích mặt mạnh, mặt yếu của địa phương và chỉ ra nguyên nhân. Dự báo xu hướng phát triển và đề xuất kế hoạch, nhiệm vụ, giải pháp phát triển địa phương nơi sử dụng chức danh tuyển chọn với số điểm là 30 điểm. Trình bày chương trình hành động và cam kết thực hiện nếu được giữ chức danh tuyển chọn là 30 điểm. Kỹ năng trình bày, giao tiếp, trả lời các câu hỏi chất vấn của Hội đồng tuyển chọn là 40 điểm.
Kết quả tuyển chọn, đối với chức danh Bí thư Huyện ủy Lắk, ứng viên Võ Ngọc Tuyên, sinh năm 1966, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư đạt số điểm cao nhất là 84,54/100 điểm và chức danh Bí thư Huyện ủy Buôn Đôn, ứng viên Ya Toan Ênuôl, sinh năm 1970, Phó Bí thư Thành ủy Buôn Ma Thuột đạt số điểm cao nhất là 79,25/100 điểm.
Như vậy, hai ứng viên có kết quả đánh giá cao nhất sẽ được Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Lắk giới thiệu thực hiện quy trình công tác cán bộ theo quy định của Điều lệ Đảng và hướng dẫn của Trung ương để về giữ chức Bí thư Huyện ủy của hai huyện.
Đồng chí Bùi Văn Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk phát biểu đánh giá kết quả tuyển chọn Bí thư Huyện ủy Lắk và Buôn Đôn.
Phát biểu tại buổi công bố kết quả tuyển chọn, đồng chí Bùi Văn Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk đánh giá cao các ứng viên tham gia tuyển chọn đã đầu tư thời gian tìm hiểu kỹ địa phương nơi tuyển chọn chức danh Bí thư Huyện ủy và xây dựng chương trình hành động kỹ lưỡng, công phu, có nhiều ý tưởng từ vĩ mô đến thực tiễn và đề ra các giải pháp cụ thể, thiết thực về phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống của nhân dân, công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị và bảo đảm quốc phòng-an ninh… và có cam kết rõ ràng, nếu không thực hiện được sẽ từ chức. Điều đó thể hiện tâm huyết, trách nhiệm và tính nghiêm túc trong công việc. Bên cạnh đó, khi trình bày chương trình hành động, các ứng viên đều trình bày lưu loát và trả lời các câu hỏi thuyết phục được các thành viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Nhìn chung, tất cả các ứng viên đều bảo đảm tiêu chuẩn và trình độ, năng lực để bố trí chức danh Bí thư Huyện ủy, tuy nhiên theo quy chế tuyển chọn ứng viên nào có số điểm cao nhất sẽ được Ban Thường vụ giới thiệu thực hiện quy trình công tác cán bộ theo quy định của Điều lệ Đảng và hướng dẫn của Trung ương để về giữ chức Bí thư Huyện ủy của hai huyện.
Sau một ngày rưỡi được tham gia chứng kiến việc tuyển chọn Bí thư Huyện ủy Lắk và Buôn Đôn, chúng tôi nhận thấy việc tuyển chọn này hết sức dân chủ, công khai, minh bạch và công bằng, đặc biệt đây là lần đầu tiên ở Đắk Lắk, việc tuyển chọn cán bộ có đông đảo các phóng viên báo chí Trung ương và địa phương được mời dự và đưa tin trong suốt thời gian diễn ra việc tuyển chọn. Điều đó cho thấy, việc đổi mới công tác cán bộ ở Đắk Lắk ngày càng dân chủ, công khai và minh bạch hơn, từng bước đáp ứng được kỳ vọng của đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân trên địa bàn.
Ứng viên Võ Ngọc Tuyên, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư trả lời phỏng vấn báo chí sau khi công bố kết quả tuyển chọn.
Hy vọng, sau đợt tuyển chọn thí điểm này, ngoài chức danh Bí thư Huyện ủy, các chức danh lãnh đạo, quản lý khác cũng được Tỉnh ủy Đắk Lắk tổ chức thực hiện theo phương thức tuyển chọn này hoặc thi tuyển nhằm thực hiện cơ chế cạnh tranh, dân chủ, bình đẳng, công khai, khách quan, công bằng, qua đó lựa chọn được những công chức lãnh đạo, quản lý thực tài, có năng lực, trình độ, đạo đức, tâm huyết và triển vọng. Đồng thời, tạo điều kiện, động lực và cơ hội để nhiều cán bộ phấn đấu, rèn luyện, học tập, cống hiến ngày càng tốt hơn; đặc biệt là tránh tình trạng chạy chức chạy quyền và tạo điều kiện thu hút nhân lực có chất lượng cao, nâng cao chất lượng đội ngũ cán lãnh đạo, quản lý các cấp của tỉnh nhằm tạo bức phát trong phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh, góp phần đưa Đắk Lắk phát triển nhanh và bền vững, xứng tầm thủ phủ của Tây Nguyên.