Khắc phục tình trạng cục bộ, khép kín
Ở huyện vùng cao biên giới Quan Sơn, ba cán bộ trẻ được điều động, luân chuyển làm cán bộ chủ chốt cấp huyện gồm các đồng chí: Nguyễn Ngọc Tiến, Bí thư Huyện ủy; Bùi Mạnh Khoa, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy; Vũ Văn Ðạt, Chủ tịch UBND huyện. Coi thực tiễn là trường học lớn của mỗi cán bộ trẻ, Bí thư Huyện ủy Quan Sơn Nguyễn Ngọc Tiến cho biết, là Bí thư Tỉnh đoàn được đưa về địa phương giữ vị trí người đứng đầu, bản thân không chỉ mẫu mực trong lối sống, mà cần trăn trở, tâm huyết, trách nhiệm với công việc. Các phong trào, chương trình công tác được gắn với trách nhiệm của người đứng đầu, phát huy vai trò tiên phong của cán bộ, đảng viên trong tổ chức thực hiện, thúc đẩy quần chúng noi theo.
Ðiều động, luân chuyển gắn với bố trí cán bộ chủ chốt không phải người địa phương đã bước đầu khắc phục được biểu hiện cục bộ, khép kín ở các đảng bộ: huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh Thanh Hóa. Nhiều năm qua, Ðảng bộ tỉnh Thanh Hóa đã điều động, luân chuyển một số cán bộ có thâm niên công tác, cán bộ trẻ về giữ vị trí chủ chốt ở thị xã Sầm Sơn (nay là TP Sầm Sơn). Tiếp nối các đồng chí Lê Nam, Võ Duy Sang, các đồng chí nguyên Giám đốc Sở Giao thông vận tải: Trịnh Tuấn Sinh, Mai Xuân Liêm được điều động, luân chuyển làm Bí thư Thị ủy, Thành ủy; đồng chí Võ Mạnh Sơn nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa được điều về làm Phó Bí thư Thường trực, Chủ tịch HÐND thành phố Sầm Sơn đã có nhiều cố gắng trong lãnh đạo nâng cao chất lượng hoạt động du lịch. Cùng với việc tăng cường quản lý nhà nước đối với các hoạt động du lịch, dịch vụ, thiết lập trật tự đô thị, TP Sầm Sơn đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ nhân lực, cải thiện phong cách giao tiếp, ứng xử; khơi dậy tinh thần trách nhiệm của mỗi cán bộ, người dân trong gây dựng thương hiệu du lịch biển, cụ thể hóa phương châm “Sầm Sơn - sức khỏe - kinh tế - bạn bè” thành hiện thực. Thành phố Sầm Sơn đang tập trung phấn đấu bứt phá vươn lên, sớm trở thành đô thị du lịch trọng điểm quốc gia.
Từ năm 2013, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Ðầu tư Ngô Tiến Ngọc được luân chuyển làm Chủ tịch UBND, rồi Bí thư Huyện ủy Ngọc Lặc - huyện "cửa ngõ" vùng thượng du của tỉnh Thanh Hóa. Ðề cao trách nhiệm của người đứng đầu, không chỉ tiếp tục chấn chỉnh nền nếp, tác phong làm việc, nâng cao tinh thần phục vụ nhân dân, chất lượng, hiệu quả công tác, xây dựng cơ quan văn hóa, đồng chí Ngô Tiến Ngọc cùng với cấp ủy, chính quyền huyện tập trung lãnh đạo, chỉ đạo cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh. Ngọc Lặc đã tạo được nhiều đột phá về thu hút đầu tư, hiện là một trong những điểm đến của các nhà đầu tư. Phong trào bê-tông hóa đường giao thông nông thôn được nhân rộng; các xã thi đua thực hiện có hiệu quả năm phong trào phát triển kinh tế - xã hội; chuyển dịch cơ cấu kinh tế đạt nhiều kết quả tích cực.
Lượng hóa trong đánh giá cán bộ
Cụ thể hóa khâu đột phá trong đánh giá làm cơ sở điều động, luân chuyển, bổ nhiệm cán bộ, từ năm 2012, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa đã ban hành quy chế đánh giá tập thể lãnh đạo, quản lý và quy chế đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý. Theo đó, các tiêu chí đánh giá tập thể, cá nhân được “lượng hóa” theo thang điểm nhằm đánh giá thực chất. Cán bộ diện điều động, luân chuyển được tăng cường về nơi khó; bố trí hơn 80% các chức danh bí thư, phó bí thư thường trực cấp ủy, phó bí thư - chủ tịch UBND cấp huyện, thị xã, thành phố không phải người địa phương. Ðồng chí Lê Văn Luyến, Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Lang Chánh ghi nhận: Hiện, khâu đánh giá cán bộ được triển khai chặt chẽ hơn, lấy hiệu quả công việc làm thước đo chủ yếu. Trước khi đưa vào quy hoạch, cán bộ được đánh giá từ cơ sở, nơi cư trú, công tác; quy hoạch cán bộ, tiêu chí, điều kiện bổ nhiệm cán bộ được “lượng hóa”, thuận lợi cho tổ chức thực hiện.
Từ năm 2010 đến nay, tỉnh Thanh Hóa điều động, luân chuyển hơn 700 lượt cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, trong đó có 43 đồng chí là trưởng, phó các sở, ban, ngành và trưởng, phó phòng cấp tỉnh về giữ các chức vụ bí thư, phó bí thư, chủ tịch, phó chủ tịch UBND cấp huyện. Theo đánh giá của Tỉnh ủy Thanh Hóa, công tác điều động, luân chuyển cán bộ đã tạo chuyển biến tích cực về nhận thức; từng bước khắc phục tư tưởng cục bộ, khép kín trong công tác cán bộ ở các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị; góp phần đào tạo, rèn luyện, thử thách cán bộ trong thực tiễn, định hình phương pháp lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, toàn diện hơn. Tại các địa phương, đơn vị có cán bộ luân chuyển đến, nhìn chung tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, xây dựng Ðảng và hệ thống chính trị có chuyển biến tích cực; công tác lãnh đạo, quản lý, điều hành từng bước được chấn chỉnh, đi vào nền nếp, kỷ luật, kỷ cương, bảo đảm dân chủ. Những nơi trì trệ, chậm phát triển, phức tạp kéo dài được khắc phục kịp thời. Cán bộ luân chuyển giữ cương vị chủ chốt cấp ủy, chính quyền hoặc bố trí cả ba chức danh chủ chốt không phải người địa phương, công tác lãnh đạo, chỉ đạo có nhiều thuận lợi, phong trào thi đua thiết thực, hiệu quả, bộ mặt địa phương khởi sắc, được cán bộ, đảng viên, nhân dân ghi nhận.
Phó trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Thanh Hóa Trần Quốc Huy cho biết, để tập trung khắc phục những hạn chế thời gian qua, Thanh Hóa tiếp tục đổi mới tư duy, nhận thức, hoàn thiện nội dung, phương pháp đánh giá cán bộ theo hướng tinh gọn, dễ hiểu, sát với tình hình thực tế; gắn trách nhiệm của tập thể với trách nhiệm cá nhân. Ðây là cơ sở để xem xét, thực hiện tốt các khâu trong công tác cán bộ: quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử, điều động, luân chuyển, thực hiện chế độ chính sách, khen thưởng, kỷ luật cán bộ. Bộ Chính trị mới ban hành Quy định số 89-QÐ/TW về khung tiêu chuẩn chức danh, quy định đánh giá cán bộ lãnh đạo quản lý các cấp là cơ sở để các tổ chức cơ sở đảng, đảng viên soi rọi, đánh giá cán bộ sâu sát hơn.