Để tạo cơ hội thúc đẩy kết nối giao thương chuỗi sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản cho các tỉnh miền trung, sáng 27/11, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nghệ An tổ chức diễn đàn Kết nối tiêu thụ nông sản các tỉnh miền trung.
Đa dạng các mặt hàng nông sản
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nghệ An Võ Thị Nhung cho biết: Thời gian qua, Nghệ An đã quy hoạch và phát triển được các vùng nguyên liệu nông nghiệp tập trung để sản xuất, chế biến các sản phẩm nông, lâm, thủy sản, phát triển các sản phẩm OCOP, cung cấp các sản phẩm chất lượng ra thị trường trong nước và xuất khẩu. Tính đến nay, toàn tỉnh có 14.829 cơ sở chế biến nông, lâm, thủy sản quy mô khác nhau. Cả tỉnh hiện có 55 cơ sở chế biến chè tập trung ở các địa phương: Thanh Chương, Anh Sơn. Công ty mía đường Sông Lam (huyện Anh Sơn) đầu tư nhà máy chế biến chè đen, chè xanh phục vụ mục tiêu xuất khẩu, công suất 130 tấn chè tươi/ngày (5 nghìn tấn chè khô/năm). Sản lượng chế biến chè các loại năm 2020 ước đạt 12.560 tấn. Đối với cây ăn quả, tỉnh có vùng nguyên liệu lâu năm rộng lớn như cam quýt, dứa, nhãn, chanh leo... Hiện trên địa bàn tỉnh có Công ty cổ phần Thực phẩm Nghệ An (Nafoods) với dây chuyền sản xuất nước chanh leo cô đặc, nước ép trái cây; Nhà máy dứa cô đặc Quỳnh Lưu chuyên về xuất khẩu các loại nước ép trái cây và đồ uống bổ dưỡng với thị trường chủ yếu là các nước EU, Mỹ, Nhật, Hàn Quốc.
Ngoài ra, Nghệ An còn có thế mạnh về chế biến sữa. Tổng công suất chế biến sữa hiện nay đạt khoảng 250 triệu lít/năm gồm: Nhà máy chế biến sữa tươi sạch TH True Milk công suất 200 triệu lít/năm. Hiện nay Nhà máy đang làm thủ tục để đầu tư mở rộng nâng công suất lên 300 triệu lít/năm; Nhà máy sữa Vinamilk Nghệ An công suất mở rộng đạt 92 triệu lít/năm.
Tại khu vực miền trung, tỉnh Quảng Trị cũng có nhiều sản phẩm nông nghiệp có chất lượng và giá trị kinh tế cao như: Chuối mật mốc ở Hướng Hóa, bơ ở Hướng Hóa, Gio Linh; cam, bưởi ở Gio Linh, Vĩnh Linh, Hải Lăng... Việc phát triển diện tích và chất lượng sản phẩm cây ăn quả luôn được tỉnh quan tâm, xác định đây là nhóm cây trồng chủ lực để hình thành các vùng sản xuất tập trung, cải tạo vườn tạp trồng cây ăn quả có giá trị.
Dự kiến, đến năm 2026 sẽ trồng mới hoặc ghép cải tạo có hiệu quả ít nhất 250 ha cây ăn quả có giá trị kinh tế cao (cam, chanh leo, bơ 034, sầu riêng); có ít nhất 30 ha cây ăn quả được chứng nhận tiêu chuẩn hữu cơ.
Đến năm 2030, trồng mới ít nhất 500 ha cây ăn quả có giá trị kinh tế cao; có ít nhất 100 ha cây ăn quả được chứng nhận tiêu chuẩn hữu cơ.
Bên cạnh đó, hồ tiêu là cây chủ lực đặc trưng của tỉnh Quảng Trị, đã có chỉ dẫn địa lý, chất lượng cao. Tỉnh đã xác định xây dựng các mô hình ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất thâm canh, phát triển chuỗi giá trị bền vững trong sản xuất hồ tiêu hữu cơ, hồ tiêu có chứng nhận. Mục tiêu đến năm 2026, có 200 ha hồ tiêu trồng mới và tái canh; ít nhất 500 ha hồ tiêu sản xuất theo hướng hữu cơ.
Ngoài ra, hầu hết các tỉnh miền trung đều có những đặc sản riêng. Cụ thể như Ninh Thuận nổi tiếng với sản phẩm nho, nha đam, nước mắm CaNa; Quảng Bình có cà chua Lệ Thủy, hạt tiêu Phú Quý, tiêu hạt, mật ong…
Cam kết mở rộng tiêu thụ nông sản
Tại diễn đàn, đại diện Công ty WinCommerce, Thành viên Tập đoàn Masan, đơn vị quản lý và vận hành hệ thống siêu thị VinMart và chuỗi cửa hàng VinMart cho biết: Công ty luôn sẵn sàng đồng hành cùng bà con nông dân, các hợp tác xã, doanh nghiệp sản xuất và phân phối các nông sản, đặc sản chủ lực của các tỉnh miền trung, cụ thể như trái cây, các loại thủy hải sản... đến người tiêu dùng trên toàn quốc.
Năm 2021, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, công ty tiếp tục cam kết cùng chung tay với các tỉnh trong kết nối, tăng cường sản lượng tiêu thụ các loại nông sản tiêu biểu, đặc trưng tại hệ thống siêu thị VinMart và cửa hàng VinMart+. Đồng thời công ty cũng liên tục tổ chức các tuần lễ, lễ hội nông sản đặc sản của nhiều địa phương, để quảng bá nâng cao hình ảnh, giá trị các sản phẩm nông sản miền trung trên toàn quốc.
Nhận định các mặt hàng nông sản miền trung khá đa dạng, chất lượng tốt, được người tiêu dùng ủng hộ tích cực, đại diện BigC Nghệ An cho biết: Thời gian qua, hàng hoá nông, lâm, hải sản đã tăng đáng kể trong hệ thống siêu thị BigC do khách hàng đã kiểm chứng được chất lượng và giá cả. Cụ thể như rau xanh, trái cây như cam Vinh, ổi; các mặt hàng thuỷ hải sản như cá, mực, tôm… Với mạng lưới phân phối rộng khắp, chuỗi siêu thị BigC hoàn toàn có thể vừa đẩy mạnh tiêu thụ đồng thời quảng bá tốt cho nông sản khu vực miền trung.