Kết nối tạo động lực phát triển các tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên và Ninh Thuận

Có nhiều nét tương đồng về tiềm năng, lợi thế, ba tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên và Ninh Thuận đang triển khai nhiều nội dung, giải pháp liên kết phát triển, tạo động lực phát triển mới cho khu vực Nam Trung Bộ nói riêng, vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ nói chung.
0:00 / 0:00
0:00
Một góc vịnh Vân Phong, nơi được quy hoạch là Khu Kinh tế tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực.
Một góc vịnh Vân Phong, nơi được quy hoạch là Khu Kinh tế tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực.

Ba tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên và Ninh Thuận có tổng diện tích tự nhiên 13,5 nghìn km2, chiếm 14% diện tích vùng và khoảng 3% diện tích cả nước; quy mô dân số năm 2023 hơn 2,7 triệu người, chiếm 13% dân số miền trung.

Khu vực này có vị trí địa lý đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế biển và các hoạt động kinh tế ven biển, như: Hàng hải; nuôi trồng, khai thác và chế biến thủy sản; công nghiệp đóng tàu; du lịch biển; ứng dụng khoa học-công nghệ về khai thác và quản lý kinh tế biển; phát triển khu kinh tế, khu công nghiệp tập trung và khu chế xuất ven biển gắn với các khu đô thị ven biển.

Đây cũng là cửa ngõ ra biển chính của khu vực Tây Nguyên, kết nối hành lang kinh tế Đông-Tây; có vai trò động lực thúc đẩy phát triển chung của khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và huyện đảo Trường Sa.

Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông, Khánh Hòa là trung tâm tiểu vùng Nam Trung Bộ, được Bộ Chính trị xác định là trung tâm động lực của vùng Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, có vai trò quan trọng trong kết nối từ Phú Yên vào, từ Tây Nguyên xuống và từ Ninh Thuận ra.

Phú Yên có nhiều bãi biển nổi tiếng, có điều kiện phát triển kinh tế biển, là một trong những cửa ngõ ra biển quan trọng của vùng phía tây, hành lang đường xuyên Á. Còn Ninh Thuận là nơi gìn giữ nhiều di sản quý báu của nền văn hóa Chăm pa; có điều kiện phát triển mạnh du lịch văn hóa, du lịch biển, phát triển kinh tế biển bền vững.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Tấn Tuân chia sẻ: “Hiện nay, việc hợp tác, liên kết phát triển giữa ba địa phương trong vùng chưa thực sự mang lại hiệu quả, chưa khai thác hết tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương. Khoảng cách phát triển cả về kinh tế-xã hội lẫn đời sống người dân giữa các địa phương trong vùng còn tương đối lớn. Điều dễ thấy nhất là các ngành kinh tế chủ lực của các địa phương có sự trùng lắp, dẫn đến cơ cấu đầu tư dàn trải, hiệu quả chưa cao, nguyên nhân do thiếu tính liên kết đồng bộ trong quy hoạch; phần lớn hoạt động liên kết giữa các địa phương mới dừng lại ở các hoạt động tham quan, hội thảo chứ chưa phát triển thành những hoạt động liên kết thực tiễn, mang tính chiều sâu và toàn diện”.

Mới đây, ngày 20/1, tại Nha Trang, lãnh đạo các tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên và Ninh Thuận đã trao đổi, thảo luận và thống nhất một số nguyên tắc ký kết hợp tác phát triển về kinh tế-xã hội theo hướng bảo đảm sự bình đẳng, các bên cùng có lợi trên cơ sở phát huy tiềm năng, thế mạnh của các địa phương phù hợp với quy định của pháp luật.

Trên cơ sở đó, lãnh đạo các tỉnh đã tiến hành ký kết biên bản thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2024-2025, định hướng đến năm 2030 trên nhiều lĩnh vực, như: nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản; xúc tiến đầu tư, thương mại, dịch vụ; đối ngoại và hợp tác quốc tế; du lịch, văn hóa; giao thông-vận tải; y tế, giáo dục và đào tạo, lao động và việc làm; bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu và an ninh, quốc phòng.

Theo Thứ trưởng Trần Duy Đông, để thực hiện liên kết, các địa phương cần phối hợp chặt chẽ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong việc xây dựng quy hoạch vùng thời kỳ 2021-2030 để nhận diện đúng cơ hội hợp tác giữa các địa phương; hình thành chuỗi giá trị liên kết phát triển tiềm năng của mỗi tỉnh cũng như cả vùng.

Mặt khác, để phát huy hiệu quả quy hoạch tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, các tỉnh cần nhanh chóng xây dựng, trình ban hành Kế hoạch thực hiện quy hoạch; lập kế hoạch 5 năm, hằng năm, các chương trình phát triển trọng điểm, các dự án cụ thể để triển khai thực hiện quy hoạch và tập trung triển khai các dự án, công trình trọng điểm của từng tỉnh cũng như các dự án liên kết vùng.

Có mặt tại buổi lễ ký kết hợp tác phát triển về kinh tế-xã hội các địa phương, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định gợi ý các địa phương cần bám sát định hướng phát triển vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ trở thành “vùng phát triển năng động, nhanh và bền vững, mạnh về kinh tế biển, có kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội đồng bộ, hiện đại”.

Trong quá trình thực hiện, các tỉnh cần chủ động nghiên cứu, tích cực phối hợp với các bộ, ngành Trung ương đề xuất, xây dựng các cơ chế, chính sách phát triển, đặc biệt là các cơ chế, chính sách đặc thù, mang tính đột phá, tháo gỡ các điểm nghẽn, khơi thông nguồn lực để tạo động lực phát triển từng địa phương, của ba tỉnh và cả vùng.

Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa Nguyễn Hải Ninh cam kết, tỉnh Khánh Hòa sẽ phối hợp với Phú Yên và Ninh Thuận khẩn trương ban hành kế hoạch triển khai thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế-xã hội giữa các tỉnh; trong đó, nêu rõ nội dung hợp tác theo từng ngành, lĩnh vực; định hướng kết quả, sản phẩm, mục tiêu đạt được để việc hợp tác mang lại hiệu quả cao.

Nội dung liên kết theo hướng kinh tế tri thức, kinh tế xanh, phát triển bền vững kinh tế biển, bảo vệ môi trường và tiếp cận với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4; phát huy giá trị văn hóa truyền thống và bảo đảm vững chắc quốc phòng-an ninh.

Đối với những vấn đề thuộc thẩm quyền Trung ương, các tỉnh phối hợp đề xuất, báo cáo Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương xem xét, tháo gỡ vướng mắc, nhằm tạo điều kiện cho các tỉnh thực hiện có hiệu quả các nội dung đã ký kết.

Cùng với đó, mỗi địa phương thành lập tổ công tác, thành phần là lãnh đạo ủy ban nhân dân tỉnh và các sở, ngành để kết nối, trao đổi liên tục từ triển khai thực hiện nhiệm vụ đến tháo gỡ những vướng mắc gặp phải trong quá trình thực hiện liên kết.