Các tỉnh luôn xác định đầu tư phát triển hạ tầng giao thông có ý nghĩa hết sức quan trọng, từ quốc phòng-an ninh đến kinh tế-xã hội. Nhờ đó, đường bộ, hàng không ngày càng thuận lợi, góp phần kết nối các tỉnh trong khu vực và mở rộng cơ hội giao thương giữa miền đất ba-dan với các trung tâm lớn trong nước và các quốc gia cận biên…
Mở hướng giao thông
Có thể nói, chưa bao giờ hệ thống giao thông Tây Nguyên được cải thiện như thời điểm hiện tại. Nỗ lực qua nhiều năm nay đã được đền đáp, gặt hái quả ngọt. Những con đường được khai mở ra nhiều hướng, không chỉ thúc đẩy tiến trình phát triển của từng địa phương mà còn tăng cường kết nối, khai thác hiệu quả thế mạnh của toàn vùng và cả nước.
Giai đoạn 2015-2020, tỉnh Lâm Đồng bố trí các nguồn vốn phát triển hạ tầng giao thông trên địa bàn (chưa kể các dự án do Bộ Giao thông vận tải quản lý) lên tới hơn 5.300 tỷ đồng, mở rộng, nâng cấp 110 km đường tỉnh, 431 km đường huyện, đường đô thị và hơn 2.400 m cầu; đồng thời nâng cấp sân bay Liên Khương thành cảng hàng không quốc tế. Đến nay, mạng lưới giao thông của tỉnh đã tương đối hoàn chỉnh với khoảng 9.300 km đường bộ, trong đó có 19 km đường cao tốc, 507 km quốc lộ, 663 km đường tỉnh, 651 km đường đô thị và gần 7.500 km đường liên huyện, liên xã và giao thông nông thôn. Hoạt động vận tải chủ yếu ở Lâm Đồng là các tuyến đường bộ, như quốc lộ 20 nối với Đông Nam Bộ và thành phố Hồ Chí Minh, quốc lộ 27C nối các tỉnh miền trung, quốc lộ 27 nối Tây Nguyên và Nam Trung Bộ.
Còn tại tỉnh Gia Lai, theo Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Đoàn Hữu Dũng, mạng lưới đường bộ trên địa bàn có chiều dài khoảng 12 nghìn km, gồm sáu quốc lộ dài 372 km, đường đô thị 965 km, đường liên huyện 1.900 km, đường liên xã hơn 8.000 km. Các tuyến quốc lộ hình thành hệ thống giao thông huyết mạch tại Gia Lai như quốc lộ 14 (đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên) chạy suốt tới thành phố Hồ Chí Minh, quốc lộ 19 nối cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh với Cảng Quy Nhơn (Bình Định), quốc lộ 25 đi Phú Yên; sân bay Pleiku công suất 600 nghìn hành khách/năm, hiện đang có bốn hãng hàng không khai thác…
Trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, theo đánh giá của Sở Giao thông vận tải, mạng lưới giao thông nội tỉnh dài 15.342 km, có bảy quốc lộ gồm quốc lộ 14, đường Trường Sơn Đông, các quốc lộ 26, 27, 29, 14C và 19C dài hơn 761 km, nối Đắk Lắk với các tỉnh trong vùng, với thành phố Hồ Chí Minh và duyên hải miền trung. Tỉnh cũng có Cảng hàng không Buôn Ma Thuột, công suất đạt hai triệu hành khách/năm. Còn tỉnh Kon Tum có 6.132 km đường giao thông, trong đó có sáu quốc lộ dài 522 km, các tỉnh lộ dài 525 km. Hoạt động vận tải trên địa bàn tỉnh có nhiều khởi sắc với 75 tuyến vận tải hành khách cố định, trong đó có 65 tuyến liên tỉnh, năm tuyến nội tỉnh và năm tuyến liên vận quốc tế Việt Nam-Lào.
Đặc biệt, từ khi quốc lộ 14 được đưa vào sử dụng đã giúp Kon Tum phá thế ngõ cụt, bảo đảm giao thông thuận tiện cả bốn hướng. Trong khi đó, tuy có nhiều cải thiện, nhưng hạ tầng giao thông của Đắk Nông còn phát triển chậm. Tỉnh chỉ có duy nhất phương thức vận tải đường bộ, chiều dài 4.683 km, tỷ lệ nhựa hóa, bê-tông hóa chỉ đạt 65%, các tuyến tỉnh lộ chủ yếu một làn xe (chiếm 81%), chưa được đầu tư nâng cấp; tỷ lệ đường huyện chưa được nhựa hóa, bê-tông hóa chiếm 24%; nhiều tuyến đường quan trọng bị xuống cấp nhưng chưa được cải tạo,...
Viết tiếp khát vọng kết nối
Dù có bước phát triển vượt bậc về hạ tầng giao thông trong vòng 10 năm trở lại đây, nhưng hệ thống đường bộ ở Tây Nguyên vẫn chưa thật sự hiện đại, nhiều quốc lộ xuống cấp; ít tuyến cao tốc kết nối với cảng biển và các trung tâm lớn. Tây Nguyên chưa có đường sắt, đường thủy rất yếu và chưa được đầu tư cảng cạn (ICD). Các sân bay hầu hết quy mô nhỏ, khai thác trong nước là chính, công suất khai thác thấp. Vì thế, bước vào giai đoạn phát triển mới, đòi hỏi mỗi tỉnh và toàn vùng phải năng động, có giải pháp bứt tốc hoàn thiện hệ thống giao thông, đồng bộ các phương thức vận tải.
Để viết tiếp khát vọng kết nối, cả năm tỉnh đều đã và đang quyết liệt thực hiện các chương trình hành động, hiện thực hóa mục tiêu nêu trên. Trong đó, tỉnh Đắk Lắk phấn đấu nâng cấp các tuyến đường hiện hữu; xây dựng một số công trình cấp thiết, liên kết vùng, mở tiếp các tuyến đường, phấn đấu đạt gần 16 nghìn km vào năm 2025 và năm 2030 lên gần 20 nghìn km. Đồng chí Nguyễn Đình Trung, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy chia sẻ: Tháo gỡ điểm nghẽn giao thông, Đắk Lắk phối hợp các tỉnh, đề nghị Chính phủ đầu tư xây dựng tuyến đường chiến lược nối Tây Nguyên với các tỉnh miền trung và khu vực tam giác phát triển Việt Nam-Lào-Campuchia, trong đó có ba đường cao tốc nối Buôn Ma Thuột với Khánh Hòa, Lâm Đồng và Phú Yên; xây mới các tuyến đường nối Gia Lai và Đắk Nông một cách thuận lợi. Đồng thời, kiến nghị Bộ Giao thông vận tải đầu tư hoàn thành ba tuyến quốc lộ trên địa bàn tỉnh, gồm quốc lộ 27, 29 và 19C, nâng cấp sân bay Buôn Ma Thuột thành cảng hàng không quốc tế,…
Trong tám công trình trọng điểm tỉnh Lâm Đồng đang dốc sức triển khai đầu tư, có đường cao tốc Dầu Giây-Liên Khương và nâng cấp các quốc lộ 27, 27C, 28, 55. Thời gian gần đây, tỉnh cũng thực hiện hàng loạt dự án giao thông quan trọng như mở rộng hệ thống đường nội thị Đà Lạt; lắp đặt đèn tín hiệu giao thông tại nút giao thông nội đô; sửa chữa đèo Mimosa và quốc lộ 27; nâng cấp sân bay Liên Khương đạt tiêu chuẩn 4E, trở thành sân bay quốc tế và nghiên cứu, khôi phục tuyến đường sắt Tháp Chàm-Đà Lạt. Trong đó, đường cao tốc Dầu Giây-Liên Khương sẽ là dự án giao thông lớn nhất của tỉnh từ trước tới nay, dự kiến đoạn Tân Phú-Bảo Lộc sẽ được khởi công trong năm nay và tiếp theo sẽ thực hiện đoạn từ thành phố Bảo Lộc nối đường cao tốc Liên Khương-Đà Lạt. Tỉnh Đắk Nông cũng đang thúc đẩy tiến độ dự án đường cao tốc Tây Nguyên-thành phố Hồ Chí Minh, đoạn qua Gia Nghĩa.
Tỉnh cũng kiến nghị Trung ương sớm xây dựng tuyến đường sắt Đắk Nông-Chơn Thành (Bình Phước) và cải tạo, nâng cấp quốc lộ 28. Đồng thời, kiến nghị Trung ương bổ sung quy hoạch đường cao tốc Đắk Nông-Chơn Thành theo hình thức PPP vào quy hoạch xây dựng đường bộ cao tốc quốc gia thời kỳ 2021- 2030, trong đó giai đoạn 2021-2025 triển khai đoạn Gia Nghĩa-Chơn Thành 140 km. Giám đốc Sở Giao thông vận tải Đắk Nông Nguyễn Nhân Bản cho rằng: Muốn phát triển, tất yếu địa phương phải kết nối giao thông theo hướng liên kết vùng; hiện tỉnh xác định bốn trục kết nối là vùng Đông Nam Bộ, Đắk Lắk, Lâm Đồng và tỉnh Mondulkiri của Campuchia,...
Theo đánh giá của lãnh đạo các tỉnh trong vùng, Tây Nguyên đã xác định phát triển hạ tầng giao thông là vấn đề trọng tâm, trọng điểm, khâu đột phá then chốt để tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội. Tuy nhiên, để triển khai các dự án giao thông quy mô lớn, đòi hỏi nguồn vốn đầu tư rất lớn, nhất là các tuyến cao tốc hiện đại và các cảng hàng không quốc tế. Lãnh đạo các tỉnh cũng chủ động tính toán, nghiên cứu và có phương án kêu gọi, thu hút đầu tư, đa dạng hóa các nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, không ỷ lại, trông chờ vào Trung ương.
Ngành giao thông vận tải các địa phương phối hợp chặt chẽ với các đơn vị, các ngành chức năng tranh thủ các nguồn lực, kể cả nguồn lực tại chỗ, trong nước và nước ngoài để từng bước hoàn thiện hệ thống giao thông. Dù còn nhiều khó khăn trên hành trình phía trước, nhưng tất cả đều xuất phát từ khát vọng chung, khát vọng kết nối Tây Nguyên với mọi miền Tổ quốc và quốc tế bằng hệ thống giao thông hiện đại, đồng bộ. “Đại lộ sinh đại phú” là lựa chọn không thể khác từ vùng đất giàu có tiềm năng đang từng ngày kiếm tìm cơ hội để phát triển thịnh vượng.