Kết nối giao thương, nâng tầm nông sản

NDO -

10 năm qua, chợ đầu mối nông thổ sản (NTS) Thủ Đức là nơi thu mua và phân phối nông sản cho bà con nông dân khắp mọi miền cả nước. Đây được xem là công trình tiêu biểu thực hiện theo chủ trương di dời các chợ nhỏ lẻ trong nội thành ra khu vực ngoại thành và phát huy được vai trò kết nối giao thương, góp phần nâng tầm hàng nông sản trong nước.

Một vựa bán xoài tại chợ đầu mối nông thổ sản Thủ Đức.  Ảnh: THẾ ANH
Một vựa bán xoài tại chợ đầu mối nông thổ sản Thủ Đức.  Ảnh: THẾ ANH

Kết nối giao thương

Chợ đầu mối NTS Thủ Đức được UBND thành phố Hồ Chí Minh giao cho Công ty TNHH Quản lý và Kinh doanh chợ Nông sản Thủ Đức quản lý. Phần lớn tiểu thương kinh doanh trong chợ là những người kinh doanh từ chợ cầu Muối, chợ cầu Ông Lãnh (quận 1) dời qua. Nhiều tiểu thương ở các quận, huyện khác do cần mặt bằng lớn để kinh doanh cũng đã tìm đến. Chợ nằm ngay cửa ngõ phía đông thành phố, là đầu mối giao thông đi các tỉnh miền tây, miền đông, miền trung. Chợ nằm cạnh các ga Sóng Thần, Bình Triệu với quãng đường từ 2 đến 5 km, thuận lợi cho việc trung chuyển hàng hóa bằng tuyến đường sắt bắc nam.

Chợ chia làm ba khu vực: Chợ A, chợ B, chợ C với tổng số 1.352 điểm kinh doanh tương ứng hơn 1.100 người hợp đồng thuê ki-ốt trong 50 năm.

Chủ vựa xoài Mười Hai (vựa E3 - khu chợ A) cho biết: “Trước, gia đình tôi kinh doanh tại chợ cầu Muối. Chợ khá chật chội, hàng hóa chen lấn, chỗ ngồi không có, đi lại cũng bất tiện. Chợ thiếu ánh sáng nên phân loại hàng hóa trong đêm khó lắm”. Theo anh Mười Hai, ban đầu khi chợ chuyển về đây, cũng có nhiều tiểu thương ngại vì xa trung tâm. Nhưng hơn 10 năm qua, thực tế đã chứng minh việc di dời là đúng. Chợ rộng, đường đi lối lại thông thoáng, kết nối NTS các vùng, miền dễ dàng.

Còn chủ vựa thanh long Mỹ Tiên cho biết, mỗi đêm, vựa nhập từ 15 đến 20 tấn thanh long. Nếu chợ nằm trong nội thành, hẳn không có chỗ chứa, chưa tính đến chuyện tắc đường và hàng loạt bất cập khác như bảo quản, phân loại trái cây chuyển đến các điểm bán lẻ khác. Mỗi chủ vựa buôn bán tại chợ NTS Thủ Đức, mỗi đêm, giao dịch hàng chục tấn hàng hóa cho nên cần một diện tích rộng, giao thông thuận tiện để lưu chuyển hàng hóa.

Giống như chủ vựa Mỹ Tiên, chủ vựa rau củ quả Thanh Gừng cũng khẳng định: “Buôn bán đầu mối mà không có diện tích rộng thì rất khó kiểm soát hàng hóa và phân loại. Chợ dời về đây, có diện tích rộng, thuận lợi nhiều bề cho tiểu thương”.

Chợ đầu mối không chỉ là nơi hàng đến, hàng đi mà còn là nơi phân loại, đánh giá NTS theo từng cấp độ, từ đó định giá hàng hóa khi bán cho các cơ sở bán lẻ. Với quy mô 30 ha, chợ đầu mối NTS Thủ Đức đáp ứng được mặt bằng kinh doanh, tiếp nhận nguồn nông sản các loại từ các tỉnh chuyển về, cũng là nơi tiếp nhận nguồn hàng nhập khẩu từ các nước. Nguồn hàng tới đây lại được phân phối, điều tiết đi các tỉnh trong cả nước. Ngoài giao thương hàng hóa, hằng đêm, chợ cũng là nơi giúp cho hàng nghìn lao động phổ thông có thu nhập từ 200 đến 400 nghìn đồng/ người.

Nâng tầm nông sản

Khi mới thành lập, lượng hàng vào chợ đạt từ 500 đến 1.000 tấn/đêm, tốc độ tăng trưởng đến nay đạt từ 2.800 đến 4.500 tấn/đêm. Chợ hoạt động từ 22 giờ hôm trước đến năm giờ sáng hôm sau. Chợ từng bước xây dựng thương hiệu các điểm kinh doanh gắn liền với thương hiệu công ty, đến nay đã có gần 100 thương nhân đăng ký xây dựng thương hiệu nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm để cung cấp đến người tiêu dùng. Bà Nguyễn Thanh Hà, Phó Giám đốc chợ NTS Thủ Đức cho biết: “Chúng tôi luôn tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thương nhân mở rộng quan hệ kinh doanh, nâng cao uy tín và chất lượng sản phẩm”.

Lâu nay, chợ luôn thực hiện tốt khâu bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm thông qua việc đăng ký khám sức khỏe định kỳ hằng năm cho những người kinh doanh buôn bán, kiểm định sản phẩm hằng đêm nhằm ngăn ngừa, lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật tồn đọng trong rau củ cũng như kiểm tra chặt chẽ chuyện đánh tráo hàng kém chất lượng sang hàng chất lượng trong nước. Nhiều năm liền chợ đạt chuẩn chợ văn minh thương nghiệp gắn liền với thực hiện an toàn vệ sinh để bảo đảm sức khỏe của người tiêu dùng. Bà Nguyễn Thanh Hà cho biết thêm: Chợ NTS Thủ Đức đang tiếp tục quảng bá thương hiệu và trở thành một thương hiệu uy tín với tất cả khách hàng là người tiêu dùng trong và ngoài nước.

Sắp tới, chợ phát triển thành trung tâm giao dịch NTS văn minh. Chợ đầu mối NTS Thủ Đức đang tập trung phát triển các sản phẩm đa dạng với nhiều phân khúc thị trường và lựa chọn cơ hội đầu tư trên cơ sở tiềm lực, thế mạnh sẵn có; liên kết đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu, giải phóng nguồn NTS tồn đọng cho người sản xuất. Chợ còn tạo điều kiện cho các mặt hàng NTS mới, NTS của các vùng miền do mất nguồn khách hàng cũ, bị ế đọng trong dân được chào bán trên sàn của chợ như vải thiều, dưa hấu, hành tím… Đó cũng là cách mà chợ NTS Thủ Đức đồng hành cùng nông dân trong việc tìm đầu ra cho nông sản .