Kết nối cung-cầu hàng hóa cho người dân và doanh nghiệp

Với số dân hơn 18 triệu người, hiện nay vùng Đông Nam Bộ luôn được xem là thị trường năng động nhất cả nước. Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, kết nối giao thương, tỉnh Bình Dương và các địa phương trong vùng đang nỗ lực thực hiện các hoạt động kết nối cung-cầu hàng hóa, tạo ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp và người dân tham gia sản xuất, tiêu thụ hàng hóa.
0:00 / 0:00
0:00
Sản phẩm thủ công mỹ nghệ sản xuất tại Bình Dương trưng bày tại Hội nghị kết nối cung-cầu hàng hóa và Hội chợ Công thương vùng Đông Nam Bộ-Bình Dương năm 2023.
Sản phẩm thủ công mỹ nghệ sản xuất tại Bình Dương trưng bày tại Hội nghị kết nối cung-cầu hàng hóa và Hội chợ Công thương vùng Đông Nam Bộ-Bình Dương năm 2023.

Đưa sản phẩm nấm bào ngư đạt tiêu chuẩn VietGAP và được công nhận sản phẩm OCOP đến tham dự Hội nghị kết nối cung-cầu hàng hóa và Hội chợ Công thương vùng Đông Nam Bộ-Bình Dương năm 2023 vừa kết thúc ngày 10/9, bà Đoàn Thị Thanh Thúy, chủ trang trại ở huyện Bắc Tân Uyên (Bình Dương) cho rằng: Đây là dịp thuận lợi giúp nông dân kết nối cung-cầu đến người tiêu dùng và các siêu thị. Thông qua sự kiện này, người tiêu dùng có thể lựa chọn được sản phẩm mình mong muốn và giúp nông dân, trang trại tìm kiếm những khách hàng tiềm năng.

Đưa bưởi và sản phẩm chế biến từ bưởi đến tham gia sự kiện này, ông Dương Văn Minh, chủ hộ sản xuất gia đình ở thành phố Tân Uyên (Bình Dương) cho biết: Đã có nhiều khách hàng quan tâm đến sản phẩm của mình. Việc cung-cầu hàng hóa thông qua các sự kiện tổ chức như thế này, là biện pháp tích cực, tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân tiêu thụ sản phẩm.

“Cũng tại sự kiện này, các hộ sản xuất hiểu thêm nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng từ lời khuyên của các đầu mối thu mua sản phẩm. Tôi mong muốn các địa phương trong vùng Đông Nam Bộ tổ chức nhiều hơn nữa các sự kiện kết nối cung-cầu hàng hóa, vì điều này đem lại lợi ích thiết thực cho các hộ sản xuất, giúp họ có cơ hội tiêu thụ sản phẩm ổn định hơn”, ông Dương Văn Minh chia sẻ.

Vùng Đông Nam Bộ với diện tích 23.600 km2, có số dân hơn 18 triệu người, đóng góp 32% GDP của cả nước và chiếm đến 44,7% tổng thu ngân sách nhà nước. Hiện nay, vùng Đông Nam Bộ, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn nhất và chiếm đến 41,1% tổng vốn FDI của cả nước, đã khẳng định vị thế, vai trò dẫn dắt kinh tế của vùng. Đây cũng là vùng có lợi thế về vị trí địa lý, trở thành cửa ngõ giao thương quan trọng.

Trong quá trình phát triển, các tỉnh, thành phố trong vùng Đông Nam Bộ luôn xác định không thể tách rời với các địa phương trong khu vực, mà luôn luôn phối hợp tìm cơ hội xúc tiến thương mại, đẩy nhanh kết nối nhằm tạo đầu ra ổn định cho các sản phẩm được sản xuất trong vùng nói riêng, cả nước nói chung. Với Hội nghị kết nối cung-cầu hàng hóa và Hội chợ Công thương vùng Đông Nam Bộ-Bình Dương năm 2023 vừa được tổ chức là hoạt động xúc tiến thương mại có tính liên kết vùng quan trọng nằm trong Chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại năm 2023 do Bộ Công thương và Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương chỉ đạo thực hiện.

Chương trình nhằm mục tiêu tạo cơ hội để doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sản xuất, kinh doanh, hệ thống phân phối… gặp gỡ trực tiếp, trao đổi, tìm hiểu sản phẩm, liên kết, hợp tác giao thương, mở rộng thị trường và chia sẻ kinh nghiệm giữa doanh nghiệp trong nước với nhau và với doanh nghiệp, tổ chức xúc tiến thương mại nước ngoài. Đây cũng là cơ hội để các địa phương vùng Đông Nam Bộ nói chung và tỉnh Bình Dương nói riêng hỗ trợ các nhóm ngành xuất khẩu chủ lực, giới thiệu và quảng bá các thương hiệu, sản phẩm, hàng hóa dịch vụ tiêu biểu, thế mạnh phát triển thị trường trong nước và quốc tế.

Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) cho rằng: Sự kiện là cơ hội quảng bá, giới thiệu các sản phẩm tiêu biểu, có thế mạnh của tỉnh Bình Dương và khu vực Đông Nam Bộ; đồng thời, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp kinh doanh, xuất nhập khẩu, nhà phân phối tìm kiếm các nhà cung ứng, nguồn hàng tin cậy, chất lượng. Bộ Công thương đánh giá cao sự phối hợp, đồng hành của tỉnh Bình Dương, các tỉnh Đông Nam Bộ cũng như các tỉnh trong cả nước thời gian qua khi triển khai công tác xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh.

Chia sẻ những cơ hội đưa hàng vào siêu thị cho các doanh nghiệp và cơ sở sản xuất tại Hội nghị kết nối cung-cầu hàng hóa và Hội chợ Công thương vùng Đông Nam Bộ-Bình Dương năm 2023, bà Nguyễn Thị Ngọc Huệ, Giám đốc Quản trị chiến lược nguồn nhân sự, truyền thông và đối ngoại Công ty TNHH Aeon Việt Nam cho biết: Aeon Việt Nam tập trung vào nhiệm vụ chính là xây dựng hệ thống phân phối bền vững và thúc đẩy tiêu dùng bền vững.

Hiện nay, tại Aeon Việt Nam có đến 90% là sản phẩm hàng Việt Nam cho nên cơ hội để các doanh nghiệp Việt đưa hàng vào Aeon là rất lớn. Cam kết đồng hành với khách hàng trong hành trình hướng đến tiêu dùng bền vững, để hàng vào được hệ thống Aeon thì các đơn vị cần phải đáp ứng các tiêu chuẩn mà Aeon yêu cầu. Giám đốc Co.opmart khu vực Đông Nam Bộ và Tây Nguyên Hoàng Long cho biết: Đây là cơ hội tốt cho người dân, doanh nghiệp đưa hàng vào hệ thống siêu thị, tạo đầu ra bền vững hơn.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương Nguyễn Văn Dành cho biết: Tỉnh Bình Dương và các địa phương trong vùng Đông Nam Bộ luôn chú trọng việc xúc tiến thương mại, kết nối giao thương. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, doanh nhân có cơ hội gặp gỡ, giao lưu, trao đổi hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm, mở rộng thị trường trong nước, góp phần nâng cao giá trị thương hiệu hàng Việt Nam.

Thông qua việc kết nối cung-cầu này, các đơn vị cũng có cơ hội gặp gỡ được nhiều đối tác, ký kết được nhiều hợp đồng và mở rộng thị trường thông qua các giao dịch trên nền tảng số. Từ đó, đề ra các giải pháp thiết thực nhằm nâng cao hiệu quả, chất lượng trong việc đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại trong thời gian tới nhằm kết nối sản phẩm, tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.