Kết hợp nhiều chuyên khoa cứu người bệnh ngừng tuần hoàn cấp

Người bệnh nhập viện cấp cứu trong tình trạng nguy kịch, ngừng tuần hoàn đột ngột, mất ý thức, ngừng thở, đối mặt nguy cơ tử vong cao. Qua cuộc hội chẩn giữa các chuyên khoa, các bác sĩ đã quyết định cùng lúc triển khai các kỹ thuật chuyên sâu để giữ lại sự sống cho người bệnh.
 

Các bác sĩ kiểm tra mức độ phục hồi của người bệnh.
Các bác sĩ kiểm tra mức độ phục hồi của người bệnh.

Người bệnh may mắn cứu chữa thành công đó là ông N.V.T., 50 tuổi, ở Phú Cường, Sóc Sơn, Hà Nội. Cách đây khoảng một tháng, mặc dù xuất hiện những cơn đau tức ngực nhưng ông T. không điều trị gì. Bệnh tiến triển ngày càng nặng, cơn đau tức ngực xuất hiện với tần suất nhiều hơn, dẫn đến khó thở. Chiều 22-2, ông vào Bệnh viện 74 khám trong tình trạng tức ngực, khó thở. Chỉ vài giờ sau đột ngột ngừng tuần hoàn, mất ý thức, ngừng thở. Người bệnh được các bác sĩ Bệnh viện 74 cấp cứu ngừng tuần hoàn, đặt ống nội khí quản… và chuyển cấp cứu lên Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E.
 
 Bác sĩ Nguyễn Thái Long, Trưởng Khoa Khám bệnh và Cấp cứu tim mạch thì đầu (Trung tâm Tim mạch) cho biết: khi tiếp nhận người bệnh trong tình trạng hôn mê, thở qua bóp bóng nội khí quản, rối loạn nhịp tim… Các bác sĩ đánh giá tình trạng bệnh lý tim của người bệnh hết sức nặng nề, nguy cơ tử vong cao. Ngay lập tức, các bác sĩ tiến hành sốc điện chuyển nhịp, dùng thuốc vận mạch, thở máy, kiểm soát các rối loạn nhịp… nhưng tình trạng bệnh quá nặng thuộc diện “thập tử nhất sinh”. Đứng trước ranh giới mong manh đó, các bác sĩ phải đưa ra quyết định thực hiện các can thiệp để cứu sống người bệnh. Sau khi tình trạng rối loạn nhịp tim ổn định hơn, người bệnh được đi chụp mạch vành ngay trong đêm. Kết quả chụp mạch vành cho thấy, động mạch liên thất trước tắc hoàn toàn, gây nên tình trạng vùng cơ tim thiếu máu diện rộng, co bóp của tim giảm, ảnh hưởng huyết động dẫn đến hiện tượng sốc tim, đối mặt nguy cơ tử vong rất cao.
 
 Thạc sĩ, bác sĩ Phan Thảo Nguyên, Trưởng Khoa Nội tim mạch người lớn chia sẻ, đứng trước tình trạng nguy kịch đó, các bác sĩ chẳng do dự liệu có nên đi can thiệp mạch không, nguy cơ người bệnh ngừng tim tái diễn trên bàn can thiệp là rất lớn. Chỉ chậm trễ vài tích tắc có thể nguy hại đến tính mạng của người bệnh. Ngay 24 giờ, các bác sĩ quyết định và thực hiện tiến hành đặt stent động mạch liên thất trước cho người bệnh. Sau can thiệp, người bệnh tiếp tục được đưa trở về Khoa Gây mê Hồi sức tích cực trong tình trạng hôn mê, thở máy qua ống nội khí quản, huyết áp phụ thuộc thuốc vận mạch liều cao, toan chuyển hóa nặng, suy đa tạng, có nhiều cơn rối loạn nhịp tim. Người bệnh được hồi sức một cách tích cực bằng thở máy, lọc máu liên tục, điều chỉnh vận mạch.
 
 Mặc dù đã có nhiều cố gắng, nhưng tình trạng bệnh diễn biến phức tạp, suy thận cấp, tổn thương phổi, tổn thương tim nặng nề... nhiều lúc, các bác sĩ tưởng chừng như... mất người bệnh. Cuối cùng sự quyết tâm của bác sĩ cùng với sự tin tưởng của người nhà, người bệnh đã qua cơn nguy kịch. Sau bảy ngày hồi sức tích cực, tình trạng sức khỏe dần ổn định rõ rệt. Người bệnh được bỏ bóng đối xung, không phải lọc máu liên tục và cuối cùng rút nội khí quản, tự thở được. Kết quả này là một kỳ tích, khi người bệnh rơi vào hôn mê, chết lâm sàng đã được các bác sĩ giành giật sự sống thành công.
 
 GS, TS Lê Ngọc Thành, Giám đốc Bệnh viện E khẳng định: Việc cứu sống người bệnh nhồi máu cơ tim cấp có biến chứng ngừng tim, ngừng tuần hoàn được chuyển từ tuyến dưới lên nhờ chẩn đoán, cấp cứu nhanh, kỹ thuật cấp cứu ngừng tuần hoàn, can thiệp mạch vành kịp thời; hỗ trợ tim phổi nhân tạo ngoài cơ thể (ECMO) do tình trạng rối loạn nhịp và sốc tim, lọc máu liên tục… đã mở ra một khả năng mới trong việc cứu chữa những trường hợp suy tuần hoàn cấp (nhồi máu cơ tim, viêm cơ tim cấp có biến chứng sốc tim và rối loạn nhịp tim nguy hiểm). Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E là một trong số ít những cơ sở y tế có thể cấp cứu những trường hợp mắc các bệnh lý tim mạch chỉ trong thời gian “vàng”. Mặc dù người bệnh bị ngừng tim trong thời gian dài, nguy cơ tử vong cao nhưng với sự phối hợp nhịp nhàng và chặt chẽ của bác sĩ các chuyên khoa: Cấp cứu tim mạch thì đầu, Hồi sức tích cực tim mạch; Nội tim mạch người lớn… người bệnh đang hồi phục tốt.
 
 Các chuyên gia tim mạch khuyến cáo, gần đây tình trạng người đột quỵ gia tăng, trong đó có rất nhiều trường hợp đột quỵ với nguyên nhân nhồi máu cơ tim cấp không được cấp cứu kịp thời. Đáng chú ý, người mắc bệnh tim mạch đang trẻ hóa và không được quan tâm đúng mức khiến tình trạng người chết vì căn bệnh này tăng cao. Vì thế, những người có tiền sử bệnh tim hoặc người trẻ khi xuất hiện những biểu hiện đau tức ngực, khó thở cần đến ngay những cơ sở y tế để được khám, tư vấn và điều trị kịp thời. Cần đi khám sàng lọc tim định kỳ để phát hiện sớm các dấu hiệu của bệnh, có hướng điều trị kịp thời, tránh các biến chứng nặng gây ảnh hưởng đến sức khỏe.