Kết hợp hài hòa giữa đầu tư trong nước và đầu tư trực tiếp nước ngoài

Sau 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, đất nước đã đạt nhiều kết quả ấn tượng với tốc độ tăng trưởng kinh tế luôn ở mức cao. Ðóng góp vào sự phát triển đó, có vai trò của nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Kết hợp hài hòa giữa đầu tư trong nước và đầu tư trực tiếp nước ngoài

Nguồn vốn FDI đã tạo thêm việc làm, giúp cải thiện thu nhập cho người lao động, tạo ra đội ngũ lao động có tay nghề, kỹ năng, nhất là những ngành nghề mới. Việc thu hút vốn FDI tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong nước có cơ hội hợp tác, tham gia quá trình phân công lao động, chuỗi cung ứng toàn cầu. Với sự hiện diện của doanh nghiệp FDI, đòi hỏi các doanh nghiệp trong nước đổi mới, nâng cao trình độ công nghệ sản xuất, thiết bị máy móc, tư duy sản xuất, kinh doanh.

Tuy nhiên, vẫn có những hạn chế trong hoạt động của khu vực FDI, tác động thiếu tích cực đến sự phát triển của nền kinh tế. Một số doanh nghiệp FDI có mức lợi nhuận rất cao nhưng đóng thuế thấp, làm cho doanh nghiệp trong nước gặp khó khăn khi cạnh tranh. Tình trạng chuyển giá vẫn còn xảy ra. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước có rất ít cơ hội trở thành đối tác cung cấp linh kiện, phụ kiện cho các doanh nghiệp FDI, nên việc tiếp thu công nghệ sản xuất và kinh nghiệm quản lý cũng mờ nhạt…

Từ thực tế này, chúng tôi mong muốn Ðại hội XIII thảo luận, đưa ra các giải pháp kết hợp hài hòa giữa đầu tư trong nước và đầu tư trực tiếp nước ngoài, bảo đảm sự ổn định, hài hòa và nhất quán trong cơ chế, chính sách thu hút các nguồn vốn. Cần có cơ chế kiểm soát chặt chẽ hơn, nhất là tình trạng chuyển giá của khu vực FDI, không để xảy ra tình trạng vượt khung trong ưu đãi đối với doanh nghiệp FDI, nhằm tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, bình đẳng với doanh nghiệp trong nước. Chú trọng xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp khuyến khích, đẩy mạnh sự liên kết, hợp tác giữa doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp FDI. Cần có tầm nhìn chiến lược về sự phát triển lâu dài trong việc thu hút vốn FDI vào các ngành công nghiệp kỹ thuật cao, công nghiệp phụ trợ, công nghiệp tạo sản phẩm có khả năng cạnh tranh lớn. Tránh tình trạng thu hút đầu tư vào các ngành công nghiệp có hàm lượng công nghệ thấp, có nguy cơ ô nhiễm môi trường, sử dụng nhiều lao động phổ thông và dễ bị cạnh tranh, dễ dẫn đến khủng hoảng thừa về sản phẩm, gây lãng phí nguồn nhân lực, ảnh hưởng đến tốc độ phát triển kinh tế của đất nước.

Nguyễn Văn Vẹn

(Hội Cựu chiến binh phường Phú Hòa, TP Thủ Dầu Một, Bình Dương)