Kéo “điện xanh” thắp sáng bản cao

Không còn cảnh leo lét đèn dầu, mỗi khi ánh điện bừng sáng lên, ai nấy đều hân hoan. Niềm hạnh phúc ấy trở thành động lực để các thành viên Công ty Kiến trúc nội thất xanh 1516 thực hiện chiến dịch “Chở điện về làng”.

Nguồn năng lượng “sạch” đem lại sự thay đổi tích cực cho bản vùng cao.
Nguồn năng lượng “sạch” đem lại sự thay đổi tích cực cho bản vùng cao.

“Chở điện” tới từng nhà

Điểm trường bản Nậm Nhừ Con (xã Nà Khoa, huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên) cách trung tâm xã khoảng 14, 15 km. Từ khi lên điểm trường dạy học, 5 năm qua, thầy giáo Giàng A Lếnh cùng một đồng nghiệp tối đến là bật đèn tích điện, rồi thắp đèn dầu soạn giáo án. Đường ở Nậm Pồ quanh co men theo vách núi, ngày khô ráo đi còn khó nên phải chờ tới cuối tuần các thầy, cô mới về nhà, hoặc về trung tâm xã để sạc đèn, sạc nhờ điện thoại.

Đầu tháng 9-2019, điểm trường Nậm Nhừ Con được lắp tua-bin gió để tích ắc-quy phát điện. Với những thầy, cô gắn bó lâu năm như thầy Lếnh hay bà con trong bản, đây là một sự kiện trọng đại. Kỹ sư Nguyễn Hoàng Anh, người tham gia thi công lắp đặt điện vẫn nhớ mãi quang cảnh khi ánh sáng được thắp lên ở mỗi điểm trường: “Buổi tối đầu tiên khi hoàn thành công trình, các thầy, cô đều bật hết các bóng điện, dãy nhà cho giáo viên giữa lưng chừng núi lung linh hẳn lên. Bà con trong bản tới chia vui với các thầy. Trẻ con quanh quẩn cả buổi xem lắp, đến khi thấy ánh đèn thì ngẩn ra. Ai nấy đều rạng rỡ!”.

Đây là một trong số 11 điểm trường của hai huyện Nậm Pồ và Mường Nhé (Điện Biên) được lắp đặt điện gió và năng lượng mặt trời do Công ty 1516 phối hợp cùng dự án thiện nguyện “Được dạy - Năng lượng gió mặt trời dành cho các thầy, cô cắm bản” thực hiện trong tháng 9-2019. Theo anh Hoàng Anh, một tua-bin gió có thể tạo ra 1.000 Wh/ngày, đủ cho nhu cầu điện cơ bản của một gia đình sử dụng cho đèn, sạc điện di động, radio, quạt. Tua-bin gió do các kỹ sư, kiến trúc sư Việt Nam thiết kế cũng cạnh tranh được trên thị trường, bởi sản phẩm của 1516 công nghệ không phức tạp, tuổi thọ thiết bị có thể kéo dài trong khoảng bảy năm, có thể triển khai ở nhiều địa hình chứ không phải dành riêng cho vùng có gió mạnh. Đặc biệt, sản phẩm có chi phí thấp, dễ lắp đặt nên có thể trở thành một phần quà thiết thực cho các dự án thiện nguyện của các tổ chức xã hội, doanh nghiệp, nhóm tình nguyện.

Nguồn năng lượng “sạch” này không chỉ làm cho các hộ nghèo, các điểm trường vùng sâu, vùng xa có điện mà còn đem lại động lực cho sự thay đổi tích cực. Từ ngày có điện, trong những ngôi nhà đơn sơ của giáo viên đã có thêm đài, máy tính. Các thầy, cô cũng háo hức xây dựng các chương trình học trên máy tính, giảng dạy với hình ảnh, âm thanh để các bạn nhỏ có được giờ học sinh động hơn.

Đổi thay = giảm nghèo + phát triển bền vững

Năm 2016, nhiều người biết đến kiến trúc sư Lê Vũ Cường, thành viên sáng lập Công ty 1516 với dự án lắp tua-bin gió miễn phí cho các hộ dân nghèo bãi giữa sông Hồng. Đây cũng là dự án khởi nghiệp đầu tiên mà 1516 triển khai, mang nguồn năng lượng tái tạo phục vụ cho người nghèo vẫn đang được sử dụng và phát huy hiệu quả.

Từ mô hình ban đầu tại Hà Nội, đến nay, những tua-bin gió của 1516 đã đạt tới con số hơn 500, lắp đặt tại 10 tỉnh, thành phố, qua đó cung cấp điện cho 250 hộ gia đình nghèo, 60 trường học. Những thiết kế dù đặt giữa núi rừng Tây Bắc, hay trong những làng chài ven biển đều đã phát huy tác dụng tích cực, mang lại ánh sáng cho những gia đình nghèo, giúp họ cải thiện chất lượng cuộc sống.

Là doanh nghiệp hướng tới tạo tác động xã hội, Công ty 1516 cung cấp các giải pháp năng lượng tái tạo và các ứng dụng của năng lượng tái tạo như trạm sạc sử dụng tua-bin gió và năng lượng mặt trời, đèn chiếu sáng, trạm đo ô nhiễm không khí sử dụng năng lượng tái tạo... phục vụ cho các doanh nghiệp, trường học, khu đô thị. Ý nghĩa tích cực của dự án chính là nhận thức về vai trò của giảm nghèo gắn với phát triển bền vững, khi mang những sản phẩm sử dụng năng lượng tái tạo đến với những người thật sự có nhu cầu. Ngày 19-10-2019, Công ty 1516 bắt đầu chiến dịch “Chở điện về làng”, với mục tiêu đến cuối năm 2020 sẽ cấp điện cho 5.000 hộ dân nghèo và các điểm trường không có điện trên cả nước. Sau chiến dịch này, công ty phấn đấu mỗi năm sẽ có thêm những công trình khác để cấp điện cho 1.000 hộ dân ở vùng sâu, vùng xa.

Những ai đã cùng tham gia với 1516 lên rừng, xuống biển góp gió, thắp điện đều cảm thấy phần quà giá trị nhất chính là những cái siết tay chân thành, lời cảm ơn xúc động mà bà con dành cho những chàng trai, cô gái tuổi đời còn rất trẻ.

Kéo “điện xanh” thắp sáng bản cao ảnh 1

Lắp tua-bin gió.

Theo anh Lê Vũ Cường, năng lượng tạo ra từ mỗi tua-bin gió trong một ngày quy đổi ra lượng giảm khí thải nhà kính ra môi trường là 707 kg, qua đó góp phần bảo vệ môi trường, giảm thiểu tác hại của biến đổi khí hậu, tạo ra những giá trị phát triển bền vững.