Cùng suy ngẫm

Kênh phân phối và chuyện cửa trên, kèo dưới

Kênh phân phối bán lẻ là một trong những phương thức để nhà sản xuất đưa sản phẩm tới tay người dùng. Tuy nhiên, có một thực tế tồn tại nhiều năm qua là hoạt động giao thương kết nối, tiêu thụ sản phẩm giữa nhà sản xuất với doanh nghiệp bán lẻ còn lỏng lẻo, đã khiến hành trình đưa hàng hóa của các doanh nghiệp Việt Nam vào các chuỗi hệ thống bán lẻ, siêu thị không hề dễ dàng; dẫn tới nhiều sản phẩm có chất lượng đang “bí” đầu ra, hàng hóa không đến được tay người tiêu dùng.
0:00 / 0:00
0:00
Ảnh minh họa. Nguồn: Reuters
Ảnh minh họa. Nguồn: Reuters

Theo chia sẻ của nhiều doanh nghiệp sản xuất, mặc dù sản phẩm của họ đều đã được các đơn vị chức năng công nhận về nguồn gốc xuất xứ, chất lượng sản phẩm, thậm chí đạt tiêu chuẩn OCOP 5 sao nhưng vẫn rất khó đưa vào hệ thống phân phối, bán lẻ để tiêu thụ.

Nguyên nhân được chỉ ra bởi các nhà phân phối, bán lẻ có phần “chảnh”, coi mình ở thế “kèo trên”, tình trạng “xin-cho” vẫn diễn ra khá phổ biến trong việc đưa hàng hóa vào siêu thị. Bên cạnh đó, mức chiết khấu mà hệ thống siêu thị thu của các doanh nghiệp sản xuất trên mỗi sản phẩm cũng rất cao, từ 25 đến 35%, thậm chí có nơi thu tới hơn 45%. Chưa kể còn mất thêm chi phí đóng gói, quà tặng, hỗ trợ bán hàng, chạy khuyến mãi… nên doanh nghiệp không còn lãi.

Mặc dù biết rằng hàng hóa vào được siêu thị thì sẽ xây dựng được thương hiệu một cách vững chắc hơn, song đây là các khoản chi phí rất lớn, nếu kéo dài chắc chắn ít doanh nghiệp trụ nổi 5 năm tại các siêu thị. Trong khi đó, chi phí đầu tư, sản xuất hiện nay không hề rẻ, nếu tăng giá bán sản phẩm tại siêu thị để bảo đảm lợi nhuận sẽ khiến sản phẩm mất tính cạnh tranh, thậm chí bị chê là đắt và không bán được.

Ở chiều ngược lại, doanh nghiệp bán lẻ cho rằng, có quá nhiều nhà sản xuất hàng hóa ở dạng nhỏ lẻ, năng lực tổ chức sản xuất và cung ứng còn hạn chế nên khi các doanh nghiệp sản xuất muốn đưa sản phẩm vào hệ thống bán lẻ tiêu thụ lại không đáp ứng được yêu cầu về số lượng hay tiêu chuẩn về chất lượng, tính an toàn sản phẩm, khiến đơn vị bán lẻ ngại kết nối, ký hợp đồng tiêu thụ. Mặt khác, các doanh nghiệp sản xuất trong nước vẫn theo phương thức truyền thống là sản xuất và bán những gì mình có chứ chưa thực sự đầu tư mạnh cho khâu khảo sát thị trường, tìm hiểu nhu cầu của nhà bán lẻ và người tiêu dùng.

Chính vì vậy, để khắc phục tình trạng trên, rất cần sự chia sẻ, phối hợp chặt chẽ giữa nhà sản xuất với nhà bán lẻ thông qua hoạt động kết nối giao thương, hỗ trợ nhau cùng phát triển. Các doanh nghiệp phân phối phải chủ động tiếp cận các nguồn hàng ổn định và có chất lượng hơn nữa, còn các doanh nghiệp sản xuất phải đáp ứng được những tiêu chí cơ bản như giấy tờ pháp lý, chứng nhận chất lượng, bao bì mẫu mã.

Đặc biệt, doanh nghiệp sản xuất phải nghiên cứu, đầu tư mở rộng tìm kiếm thêm các thị trường tiêu thụ, đẩy mạnh bán hàng đa kênh để tăng doanh thu thay vì chỉ tập trung vào các kênh phân phối truyền thống; đồng thời, nâng cao sức cạnh tranh, áp dụng các tiến bộ khoa học-kỹ thuật vào sản xuất, rút ngắn các khâu trung gian để tiết giảm chi phí.

Ngoài ra, bên cạnh sự cố gắng của các doanh nghiệp, cũng cần thêm vai trò kết nối, dẫn dắt từ cơ quan quản lý bằng các hội nghị xúc tiến thương mại, kết nối giao thương, hội chợ triển lãm, quảng bá hàng Việt, nông sản Việt qua các kênh trực tuyến, thương mại điện tử, thúc đẩy các hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới cho doanh nghiệp Việt. Qua đó tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất của Việt Nam phát triển đa dạng kênh bán lẻ, có những điều chỉnh kịp thời về cơ cấu và năng lực sản xuất đáp ứng tốt, đúng, trúng nhu cầu của thị trường.