Tiềm năng cho ngành bán lẻ tạp hóa

Mức thu nhập khả dụng cao hơn, tầng lớp dân số ở độ tuổi thanh niên chiếm đến 30,8%, tốc độ đô thị hóa nhanh và sự tiện lợi là những yếu tố thúc đẩy chi tiêu tiêu dùng và sự phát triển của ngành bán lẻ tạp hóa đại chúng tại Việt Nam.
0:00 / 0:00
0:00
Dân số đô thị hóa nhanh giúp cho ngành bán lẻ tạp hóa tăng trưởng mạnh. Ảnh: NAM ANH
Dân số đô thị hóa nhanh giúp cho ngành bán lẻ tạp hóa tăng trưởng mạnh. Ảnh: NAM ANH

Tăng chi tiêu tiêu dùng

Theo dữ liệu từ bộ phận nghiên cứu của Fitch Solutions, tại Việt Nam, chi tiêu thiết yếu chiếm phần lớn chi tiêu của người tiêu dùng, với 59,6% tổng chi tiêu hộ gia đình vào năm 2023. Con số này sẽ giảm nhẹ xuống 59,5% vào năm 2027. Trong đó, dự báo chi tiêu cho thực phẩm và đồ uống không cồn chiếm 21,2%, di chuyển 12,6%, nhà hàng và khách sạn 10,1%, dịch vụ viễn thông 7,8%, các tiện ích nhà ở 15%, chi tiêu cá nhân và bảo hiểm 12,2%, sản phẩm sáng tạo văn hóa 6,4%, đồ nội thất 5,2%, may mặc 3%, sức khỏe 2,6%, giáo dục 2,1%, đồ uống có cồn và thuốc lá 1,8%.

Chi tiêu hộ gia đình chủ yếu tập trung vào thực phẩm và đồ uống không cồn, chiếm 21,21% tổng chi tiêu vào năm 2023. Thực phẩm và đồ uống không cồn sẽ là chi tiêu thiết yếu lớn nhất, tăng nhẹ lên 21,22% tổng chi tiêu hộ gia đình vào năm 2027. Trong năm nay, chi tiêu cho thực phẩm và đồ uống không cồn sẽ ghi nhận mức tăng trưởng mạnh ở mức 10,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Xu hướng này sẽ tiếp tục diễn ra trong trung hạn (2023-2027), với mức chi tiêu tăng trung bình hằng năm là 10,6%/năm. Con số này cao hơn một chút so với mức tăng trưởng chi tiêu trung bình của hộ gia đình là 10,5% mỗi năm trong cùng kỳ. Hoạt động vượt trội của ngành bán lẻ tạp hóa đại chúng (MGR) cho thấy nhu cầu ngày càng tăng đối với các hình thức bán lẻ MGR chính thức và hiện đại trong nước và khi các hình thức khác (như siêu thị và cửa hàng tiện lợi) phát triển, chi tiêu cho MGR sẽ tăng trưởng mạnh hơn trong trung và dài hạn (2027+).

Cùng với tăng trưởng kinh tế và chi tiêu tiêu dùng mạnh mẽ, thu nhập hộ gia đình và thu nhập bình quân đầu người sẽ tăng trong trung hạn đến năm 2027, mặc dù với tốc độ chậm hơn do ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19 và áp lực kinh tế trong lĩnh vực bất động sản của thị trường. Dự báo thu nhập khả dụng trên mỗi hộ gia đình sẽ đạt 210,5 triệu đồng (8.585 USD) vào năm 2027, tăng đáng kể so với mức 144,5 triệu đồng (6.122 USD) vào năm 2023.

Mức thu nhập của người dân được cải thiện là cơ hội cho các nhà bán lẻ trong phát triển các danh mục thiết yếu, khi người tiêu dùng tăng chi tiêu cho các loại thực phẩm và đồ uống có giá cao hơn. Có rất nhiều người đã thay đổi phương thức chi tiêu cho chế độ ăn uống khi thu nhập tăng. Người tiêu dùng cũng có xu hướng bớt chi tiêu cho các mặt hàng lương thực thiết yếu như gạo, trong khi mua thêm các mặt hàng thực phẩm cao cấp và tốt cho sức khỏe hơn, như sữa, trái cây và cá.

Thị trường đô thị đầy tiềm năng

Dân số đô thị hóa nhanh cũng giúp cho ngành bán lẻ tạp hóa đại chúng tăng trưởng mạnh hơn. Năm 2023, Việt Nam có dân số 98,9 triệu người, trở thành quốc gia đông dân thứ ba ở Đông Nam Á, với 30,8% (hay 30,4 triệu người) là thanh niên, trong độ tuổi từ 20 đến 39. Lượng lớn dân số trong độ tuổi thanh niên sẽ đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển bền vững của các xu hướng tiêu dùng, chủ yếu dựa trên trải nghiệm, chẳng hạn như thử các xu hướng bán lẻ mới. Chính nhóm tiêu dùng này là thế hệ tạo ra xu hướng mới, bởi họ có thu nhập khả dụng tương đối cao và chi tiêu đáng kể cho các mặt hàng không thiết yếu.

Đối với ngành MGR, dân số đô thị của một quốc gia là một chỉ số quan trọng, đặc biệt là trong giai đoạn đầu phát triển thị trường, vì nó cung cấp một thị trường mục tiêu tập trung. Ở Việt Nam, dân số nông thôn vẫn chiếm nòng cốt trong cơ cấu dân số nông thôn - thành thị của đất nước. Tuy nhiên, điều này sẽ thay đổi nhanh chóng. Vào năm 2023, 39,5% người Việt Nam sống ở các khu vực đô thị, phần lớn dọc theo bờ biển của đất nước. Con số này sẽ tiếp tục tăng trong dài hạn, dự báo đạt 44,5% vào năm 2030. Điều này có nghĩa các trung tâm đô thị ở Việt Nam như Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, cũng như các thành phố đang phát triển nhanh như Đà Nẵng ở miền trung, sẽ có thêm 7 triệu người tiêu dùng đô thị hóa vào năm 2030.

Dân số đô thị tăng tạo ra cơ sở người tiêu dùng mục tiêu cho các doanh nghiệp nhắm tới. Các khu vực đô thị hóa nhìn chung cũng là thị trường tiêu dùng hấp dẫn do mạng lưới hậu cần phát triển, người tiêu dùng tập trung và mức chi tiêu cao hơn. Tương tự, thu nhập khả dụng cao ở các thành phố của Việt Nam đang tạo ra một cơ sở người tiêu dùng có nhu cầu ngày càng tăng đối với các sản phẩm thực phẩm và đồ uống cao cấp. Các khu vực đô thị cũng sẽ chứng kiến sự hợp nhất mạnh mẽ hơn của bán lẻ hiện đại chính thức và sự suy giảm của mô hình chợ truyền thống.

Thị trường mục tiêu chính của ngành MGR là người tiêu dùng thành thị, với các hộ gia đình có thu nhập từ trung bình đến cao (hộ gia đình có thu nhập khả dụng hằng năm hơn 10.000 USD). Đây là đối tượng người tiêu dùng có ít thời gian, nhưng có thu nhập khả dụng để chi trả cho việc tiếp cận đa dạng các sản phẩm được bán tại siêu thị, trái ngược với cách bán hàng truyền thống (nơi một người cần đến nhiều cửa hàng để mua các loại sản phẩm).

Năm 2023, ước tính 4,2 triệu hộ gia đình, tương đương 12,9% tổng số hộ gia đình, có thu nhập khả dụng hằng năm hơn 10.000 USD. Con số này được dự báo sẽ tăng mạnh đến năm 2027, theo đó sẽ có 8,8 triệu hộ gia đình, chiếm 25,1% tổng số hộ gia đình có thu nhập khả dụng hơn 10.000 USD/năm. Phần lớn trong số đó sẽ nằm ở các trung tâm kinh tế, chẳng hạn như Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Điều này giúp các nhà hàng lớn, cả thương hiệu trong nước và quốc tế, dễ dàng nhắm đến các thị trường mục tiêu.

Xu hướng lựa chọn thực phẩm chất lượng

Khi thu nhập tăng, người tiêu dùng cũng có xu hướng lựa chọn thực phẩm lành mạnh hơn. Dịch Covid-19 cũng đóng vai trò là chất xúc tác đẩy nhanh xu hướng này. Vào tháng 3/2023, Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao công bố một khảo sát cho biết, 55% người tiêu dùng sẵn sàng chi nhiều tiền hơn cho các sản phẩm thay thế hữu cơ và lành mạnh hơn khi được lựa chọn. Báo cáo cũng cho biết, nhận thức về tầm quan trọng của việc ăn uống lành mạnh đã được nâng cao trong thời kỳ đại dịch và người tiêu dùng hiện đang thận trọng hơn trong việc tiêu thụ thực phẩm.

Rào cản chính ngăn cản nhiều người dùng áp dụng chế độ ăn uống lành mạnh hơn là giá cả các sản phẩm hữu cơ thường cao hơn so với thực phẩm thông thường. Các công ty MGR lớn thường có chuỗi cung ứng được thiết lập tốt và có thể tiếp cận các khoản chiết khấu hàng loạt mà các công ty nhỏ khó tiếp cận. Sau đó, họ có thể chuyển những khoản ưu đãi này sang người tiêu dùng, điều này sẽ tiếp tục hỗ trợ xu hướng nâng cao sức khỏe trong chi tiêu cho MGR của người tiêu dùng Việt Nam.

Yếu tố cuối cùng kích thích chi tiêu dùng mạnh mẽ là sự tiện lợi vì cơ sở khách hàng cốt lõi của các nhà bán lẻ MGR là những người tiêu dùng thành thị có ít thời gian. Vào tháng 7 vừa qua, Aeon đã huy động thành công khoản vay 41 triệu USD để mở rộng số lượng cửa hàng tại Việt Nam và phát triển mạng lưới phân phối thực phẩm chế biến sẵn của công ty tại Việt Nam.

Nhiều thương hiệu khác cũng đã xâm nhập vào phân khúc thực phẩm tiện lợi. Gã khổng lồ bán lẻ Shinsegae có trụ sở tại Hàn Quốc hiện đang vận hành hai đại siêu thị tại Việt Nam dưới thương hiệu Emart. Shinsegae cũng đã thông báo có kế hoạch mở địa điểm Emart thứ ba tại Việt Nam trong nửa cuối năm 2023. Tháng 6/2023, Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) cũng thông báo rằng, họ sẽ đầu tư 20 triệu USD vào GS25 - một chuỗi bán lẻ MGR tiện lợi khác. GS25 là liên doanh giữa Sơn Kim Retail có trụ sở tại Việt Nam và GS Retail có trụ sở tại Hàn Quốc.

Những yếu tố trên cho thấy tiềm năng của các dịch vụ MGR khi có thể mang lại cả sự tiện lợi của các “bữa ăn ăn liền” cùng với những lựa chọn truyền thống hấp dẫn trong các siêu thị.