Kê Gà - Thủ phủ resort mới của Việt Nam

Chưa khi nào khu vực biển Kê Gà - Tân Thành (huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận) lại thu hút được nhiều nhà đầu tư như hiện nay. 

Dự án Thanh Long Bay tại biển Kê Gà đang được nhiều khách hàng quan tâm.
Dự án Thanh Long Bay tại biển Kê Gà đang được nhiều khách hàng quan tâm.

Theo dự báo của các chuyên gia kinh tế, chỉ trong một thời gian ngắn nữa,  khi các dự án giao thông trọng điểm hoàn thành, Kê Gà sẽ vươn lên trở thành “thủ đô resort mới” của Việt Nam.

Đòn bẩy hạ tầng

Cú hích lớn nhất, được kỳ vọng nhất để thị trường du lịch nghỉ dưỡng Kê Gà phát triển chính là sân bay quốc tế Long Thành và cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết, hai công trình trọng điểm đón lượng khách quốc tế cũng như trong nước.

Sân bay Long Thành dự kiến đi vào vận hành chính thức giai đoạn 1 vào năm 2025. Với công suất lên tới 100 triệu hành khách mỗi năm, sân bay quốc tế Long Thành sẽ bổ sung lượng lớn khách du lịch, đặc biệt là khách quốc tế đến Bình Thuận, biến Kê Gà trở thành một điểm đến đầy hấp dẫn chỉ với một giờ di chuyển.

Nhằm thúc đẩy tiến độ dự án sân bay quốc tế Long Thành, giữa tháng 6-2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu UBND tỉnh Đồng Nai phải giải ngân hết 23 nghìn tỷ đồng để đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng. Ngoài ra, dự án cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây dự kiến cũng sẽ được khởi công xây dựng vào cuối tháng 8-2020. Như vậy, một khi sân bay quốc tế Long Thành, cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết đi vào hoạt động, thời gian di chuyển đến “thủ phủ du lịch mới của Bình Thuận” sẽ được rút ngắn, chỉ mất  khoảng hai giờ.

Ngoài những công trình giao thông liên kết vùng nêu trên, khu đô thị biển Kê Gà cũng đang được hưởng lợi trực tiếp từ một loạt các dự án hạ tầng trọng điểm trên địa bàn như: Xây mới tuyến đường Hàm Kiệm - Tiến Thành nối cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây với đường ĐT 719B ven biển tổng vốn đầu tư hơn 460 tỷ đồng; làm mới đường ĐT 719B gần 1.000 tỷ đồng và nâng cấp, mở rộng 32 km đường ĐT 719 hiện hữu khoảng 600 tỷ đồng.

UBND tỉnh Bình Thuận cho biết, các trục đường chính nối cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết và QL 1 xuống biển sẽ tạo ra sức hút phát triển du lịch, chuỗi đô thị ven biển ở đây, đặc biệt là khu vực Kê Gà - Tân Thành (Hàm Thuận Nam). Các con đường này đều nối quốc lộ 55 đi Bà Rịa - Vũng Tàu đến sân bay Long Thành ở phía nam còn ở phía bắc sẽ kết nối với cảng Hàng không Phan Thiết.

Đón làn song đầu tư mới

Theo ông Nguyễn Đức Hòa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận, toàn huyện Hàm Thuận Nam có 78 dự án, đặc biệt những dự án quy mô lớn tập trung chủ yếu tại Kê Gà. Cuối năm 2019, tỉnh Bình Thuận đã trao quyết định chủ trương đầu tư cho 10 dự án, với tổng vốn đầu tư khoảng 23 nghìn tỷ đồng và ký thỏa thuận ghi nhớ đăng ký đầu tư cho 14 dự án, với tổng vốn đầu tư 19 tỷ USD và 30.696 tỷ đồng trên nhiều lĩnh vực, trở thành tỉnh thu hút vốn đầu tư vào lĩnh vực du lịch dẫn đầu cả nước.

Trong đó nổi bật là các dự án Thanh Long Bay do Nam Group làm chủ đầu tư. Dự án kết hợp ác dự án liền kề của Công ty Novaland sẽ là tổ hợp du lịch - giải trí - đô thị nghỉ dưỡng và thể thao lớn nhất dãi ven biển nam miền trung, đưa Bình Thuận phát triển thành trung tâm du lịch, thể thao biển quốc gia đến năm 2030.

Ông Hòa cho biết, nguyên nhân khiến Bình Thuận nói chung, huyện Hàm Thuận Nam nói riêng thu hút được làn sóng đầu tư là do địa phương tập trung cải thiện chất lượng hạ tầng, ban hành nhiều chính sách ưu đãi đầu tư. Định hướng của tỉnh chú trọng thu hút các nhà đầu tư chiến lược có tầm cỡ, năng lực tài chính mạnh, có tâm và tầm nhằm kiến tạo, xây dựng các khu đô thị, tổ hợp nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí và thể thao đẳng cấp. Qua đó, làm sao để kích cầu lượng khách trong nước và quốc tế, gia tăng chi tiêu, thích thú lưu trú lâu hơn và quay trở lại nhiều lần.

Đánh giá về tiềm năng của bất động sản du lịch Kê Gà, TS Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Bộ phận Đầu tư Công ty Savills Việt Nam cho biết, cùng với Vũng Tàu, Hồ Tràm, khu vực Kê Gà là điểm tiếp theo rất thuận lợi trong lựa chọn điểm đến du lịch của người dân TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu và các tỉnh lân cận. Trong tương lai, bên cạnh mạng lưới hạ tầng giao thông  liên tỉnh và cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, nếu cao tốc Dầu Giây và Phan Thiết, cảng hàng không quốc tế Long Thành đưa vào sử dụng thì đây là điểm cộng cho khu vực từ Bình Thuận đổ ra các tỉnh ven biển miền Trung.

Trên phương diện đầu tư, xét về tốc độ phát triển hạ tầng giao thông và các điều kiện ưu đãi về thiên nhiên, biển, khí hậu... Bình Thuận nói chung và Kê Gà nói riêng có rất nhiều điểm cộng, có hấp lực mạnh mẽ đối với các nhà đầu tư có tầm nhìn dài hạn.