“Bóng” (tựa tiếng Anh: Shadow) là cuốn sách ảnh thứ 12 và là triển lãm cá nhân thứ 18 trong suốt 33 năm theo sự nghiệp nhiếp ảnh chuyên nghiệp của Trần Thế Phong. Với chiếc máy ảnh trong ba-lô, anh dành hơn 10 năm để nuôi dưỡng, triển khai đề tài rồi đi khắp nơi tận hưởng niềm vui trong cuộc phiêu lưu cùng ánh mặt trời. Nhân vật trong gần 70 tác phẩm thuộc bộ sưu tập “Bóng” và 108 ảnh trong sách của anh chủ yếu là người lao động đang miệt mài với cuộc mưu sinh.
Hình ảnh lao động, sinh hoạt đời thường được Trần Thế Phong tạo thành tác phẩm ấn tượng thông qua những chiếc bóng đẹp, truyền tải nhiều năng lượng tích cực cho từng chủ thể để dù có độc hành, trông họ vẫn bình thản, thấy vui với những điều bé mọn chung quanh. Ngay cả khi tác giả chụp bóng hình vội vã chạy mưa hay một chiếc bóng bé xíu đổ trên tường, người xem vẫn cảm nhận rõ nguồn năng lượng lạc quan từ chủ thể. Phong cách sáng tác của Trần Thế Phong trước nay luôn vậy, không có chỗ cho cảm xúc tiêu cực, bi quan.
Trần Thế Phong mê mẩn nét đẹp bình dị ẩn mình trên đường phố, càng mộc mạc càng say sưa. Chiếc xích-lô ngồi đợi khách, xe chở hủ tíu gõ, gánh trái cây đủ loại, rổ khoai đậu quen thuộc, tủ bò bía nhỏ xíu, giỏ muối trên ruộng, xe chở đá đơn sơ... trở nên cuốn hút hơn bao giờ hết khi đi kèm với chiếc bóng được tạo ra từ nhiều góc độ, kích cỡ do nắng đổ.
Xem ảnh, đọc sách của anh, khán giả dễ dàng nhận thấy những câu chuyện đời thật được kể theo cách rất riêng, luôn mang thông điệp tích cực dù chỉ chọn gam mầu trắng-đen. Bên cạnh nét đẹp của người lao động trên phố, những tần tảo thường nhật, “Bóng” có cả niềm vui gia đình, nếp nhà, nét đẹp của người dân các vùng miền, cảnh sắc nên thơ dọc chiều dài đất nước... khiến người xem thấy mình đâu đó trong bao thứ rất đỗi thân quen này.
Khi chụp “Bóng”, nhiếp ảnh gia Trần Thế Phong chọn đứng từ trên cao để buông tầm mắt quan sát người và cảnh. Lúc một mình giữa không gian rộng lớn, chậm rãi nhìn đời trôi qua trên những dòng người qua phố, cảm xúc dâng trào, ánh mắt anh hướng khắp ngả, chọn tìm khoảnh khắc thật đẹp để lưu lại.
“Chụp bóng là phiêu lưu với ánh sáng, 99% là chụp ngẫu nhiên cho nên để bắt đúng khoảnh khắc, tôi chọn cách kiên nhẫn đợi chờ. Nếu có gì đó sắp đặt thì chính là việc chọn chủ thể sao cho bóng đổ ấn tượng, độc đáo nhất. Tôi không chụp ô-tô, xe máy mà chỉ thích xe đạp, xe đạp lôi hay xe xích-lô cùng những chiếc gánh, thúng... giúp phần bóng đổ có nét mềm mại và phản ánh chất riêng. Và với tôi, chụp làm sao để bắt được khoảnh khắc bình yên là điều quan trọng nhất.
Như khi tôi chụp tấm người ông chở cháu đi học về trên xe đạp, nhìn thôi đã thấy ấm áp thương yêu. Mỗi bức ảnh một câu chuyện, tôi gom lại, kể thành chuyện đời theo cách giản đơn nhưng khó phai”, nhiếp ảnh gia Trần Thế Phong chia sẻ.
Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, An Giang, nhiều tỉnh miền trung lần lượt xuất hiện trong hành trình sáng tác đầy tâm huyết ấy. Có những bức ảnh được thực hiện sau hơn 10 chuyến ngược xuôi Thành phố Hồ Chí Minh-Hà Nội vì tác giả muốn chụp cho bằng được tác phẩm ưng ý tại đúng hai địa điểm quan trọng. Có không ít ngày, ngồi dưới nắng từ sáng đến chiều đợi “bóng” lại chẳng thu được gì, anh thất thểu trở về, đợi mai lại tiếp tục hành trình.
Ngày nào chụp được hai, ba tấm là lòng khấp khởi vì biết mạch chuyện mình muốn kể đang được nối dài, xuyên suốt. Kho ảnh tư liệu cứ thế đầy lên hàng nghìn bức. Ngày ngồi chọn ảnh đưa vào sách và trưng bày triển lãm, anh mất khá nhiều thời gian nghĩ suy vì câu chuyện nào cũng có ý nghĩa riêng, đáng được chia sẻ với mọi người. Trần Thế Phong cho biết: Có hai trong số 69 tác phẩm trưng bày tại triển lãm lần này cứ khiến anh đau đáu. Đó là, bức ảnh chụp chợ Bến Thành trong giai đoạn dịch Covid-19 bủa vây và bức ảnh chụp Hiếu, một em bé khiếm thị đa tật có gương mặt hiền lành, tươi sáng.
Anh chọn bức ảnh phản ánh sắc mầu Covid-19 để nhắc chính mình và mọi người về hành trình đã qua với biết bao khó khăn trong đại dịch.Nhưng cũng có nhiều bức ảnh mỗi khi nhìn thấy lại khiến lòng anh hân hoan; niềm vui như được nhân lên khi mấy ngày triển lãm, khách đến đông, ai cũng cảm nhận rõ thông điệp mà tác giả gửi gắm.
“Trước khi bắt tay vào một dự án hay cuốn sách mới, tôi đều tự hỏi bản thân đâu là điểm độc đáo, chất riêng của mình. Nếu lặp lại, tôi sẽ không làm. Và rồi tôi nhận ra việc lưu lại điều tưởng chừng giản đơn theo những góc nhìn mới sẽ là mảnh đất của sự sáng tạo. Đề tài về đường phố là sở trường nhưng tôi phải đặt vào rất nhiều thương yêu mới tạo nên những tác phẩm như bản thân mong đợi”, nhiếp ảnh gia Trần Thế Phong cho biết.
Hơn 30 năm theo đuổi nghệ thuật nhiếp ảnh, đây là lần đầu Trần Thế Phong quyết định bán bất kỳ bức ảnh nào khách thưởng lãm yêu thích đang trưng bày tại triển lãm thay vì chỉ đấu giá vài bức. Số tiền bán ảnh cùng với một phần lợi nhuận của bộ sách sẽ được anh phục vụ cho các hoạt động chia sẻ với trẻ em nghèo vào tháng 6 tới.