Kể chuyện dân gian Việt Nam trên đất Mỹ

Sinh sống, học tập tại nước Mỹ xa xôi, nhưng Thạc sĩ Nguyễn Hường chưa bao giờ quên những câu chuyện dân gian Việt Nam đã nuôi lớn tâm hồn mình qua lời kể ngọt ngào của bà, của mẹ. Đó là lý do chị quyết định thực hiện dự án sách "Stories told under the oriental sky" (Chuyện kể dưới bầu trời phương Đông) bằng tiếng Anh, để làm sống dậy ký ức tuổi thơ của chính mình, để con cái chị cũng được tận hưởng dòng chảy mát lành, hồn hậu của truyện dân gian Việt Nam và góp phần đưa văn học dân gian Việt Nam ra thế giới.
0:00 / 0:00
0:00
Thạc sĩ Nguyễn Hường và con trai đọc những câu chuyện dân gian Việt Nam trong "Chuyện kể dưới bầu trời phương Đông". (Ảnh NVCC)
Thạc sĩ Nguyễn Hường và con trai đọc những câu chuyện dân gian Việt Nam trong "Chuyện kể dưới bầu trời phương Đông". (Ảnh NVCC)

Tập đầu tiên của "Chuyện kể dưới bầu trời phương Đông" vừa được ra mắt mang tên "Five Vietnamese Myths" gồm 32 trang, tập hợp năm câu chuyện gắn liền các tích truyện thần thoại Việt Nam, đó là: "How the sky and the earth were born" (chuyện về Thần trụ trời, lý giải sự hình thành của bầu trời và mặt đất); "The rooster, the sun and the moon" (chuyện Gà trống gọi mặt trời, giải thích tại sao gà trống gáy vào buổi sáng, mặt trời và mặt trăng thay nhau làm việc); "A story of rice" (chuyện về Hạt gạo, lý giải vì sao hạt gạo lại bé tí như ngày nay); "A secret of the moon" (bí mật của Mặt trăng, giải thích hiện tượng trăng tròn, trăng khuyết); "Lạc Long Quân and Âu Cơ" (lý giải nguồn gốc của người Việt).

Điều thú vị ở chỗ, không đơn thuần kể lại các tích truyện bằng tiếng Anh, người kể còn đưa vào câu chuyện nhiều sáng tạo về mặt ngôn ngữ, nhân vật, chi tiết để làm sinh động, giúp tác phẩm trở nên dễ tiếp cận hơn với độc giả hiện đại.

Chẳng hạn, với chuyện kể về hạt gạo, tác giả đã thay thế nhân vật người phụ nữ lười biếng thành cặp vợ chồng để xóa bỏ định kiến giới. Hay với chuyện kể về bí mật nàng mặt trăng, thay vì khắc họa nàng với tính cách nóng nảy, ham chơi như trong truyện dân gian, người chắp bút đã đưa vào nhiều tình tiết để làm nổi bật hình ảnh của một cô gái mới lớn thích khám phá, giàu tình yêu cuộc sống và vô cùng ngây thơ, đến nỗi không biết sự tò mò của bản thân là nguyên nhân đem đến nguy hiểm cho chính mình...

"Những câu chuyện dân gian Việt Nam chủ yếu tập trung lý giải các hiện tượng thiên nhiên, nhưng tôi muốn chuyện sinh động hơn thông qua việc khắc sâu thêm tính cách, hình tượng nhân vật để trẻ nhỏ không những hiểu về thiên nhiên mà còn yêu thiên nhiên, gắn bó với thiên nhiên. Với chuyện kể dân gian truyền miệng, người kể hoàn toàn có thể sáng tạo thêm những chi tiết mang dấu ấn cá nhân, điều này cũng thể hiện sự thích ứng của văn hóa dân gian theo từng thời kỳ..."-Thạc sĩ Nguyễn Hường chia sẻ.

Thêm một điều thú vị là khi thực hiện dự án, Thạc sĩ Nguyễn Hường luôn gắn từng câu chuyện kể với những phong tục, tập quán, tín ngưỡng truyền thống của người Việt, nhất là ở khu vực Đồng bằng Bắc Bộ - nơi chị sinh ra, trưởng thành, có nhiều trải nghiệm và chiêm nghiệm.

Thí dụ, khi kể chuyện về gà trống gọi mặt trời, chị đã đưa thêm lý giải về việc tại sao người Việt thường cúng gà trống vào đêm Giao thừa, hay tại sao cư dân trồng lúa nước có tín ngưỡng thờ thần mặt trời... "Tôi muốn khơi gợi sự tò mò nơi các em, để các em cảm nhận được sợi dây kết nối giữa những chuyện kể với môi trường sống nơi ông bà, cha mẹ các em đã sinh ra, lớn lên".

Bên cạnh đó, dù mỗi chuyện chỉ đi kèm một trang minh họa nhưng dễ nhận thấy, các hình ảnh đều được người viết và họa sĩ (MT Nguyễn Art) dụng công trong khâu lên ý tưởng, thiết kế nhân vật, sử dụng mầu sắc để thả trí tưởng tượng của trẻ con vào thế giới hồng hoang - thế giới của huyền thoại, cổ tích và ca dao - đồng thời cho trẻ những hình dung về không gian vùng Đồng bằng Bắc Bộ trù phú, yên bình và thơ mộng.

Thạc sĩ Nguyễn Hường cho biết, sau "Five Vietnamese Myths", chị sẽ tiếp tục thực hiện những cuốn sách tiếp theo thuộc dự án "Chuyện kể dưới bầu trời phương Đông", giới thiệu những câu chuyện dân gian Việt Nam thuộc các thể loại khác như truyền thuyết, cổ tích, sử thi, ngoài ra là một số chuyện của đồng bào các dân tộc thiểu số.

Tốt nghiệp Khoa Ngữ văn Trường đại học Sư phạm Hà Nội (năm 2008), Nguyễn Hường bảo vệ khóa luận tốt nghiệp rồi luận văn thạc sĩ đều về văn học dân gian. Khi còn là giảng viên Trường đại học Sư phạm Hà Nội, chị chuyên giảng về văn học dân gian. Hiện nay, khi đang là nghiên cứu sinh tại Đại học Arkansas, Mỹ, mảng nghiên cứu mà chị lựa chọn cũng về thần thoại học, sử thi thế giới và văn học dân gian Việt Nam trong bối cảnh Đông Nam Á. Có thể thấy, văn học dân gian giống như một mạch nguồn song hành cùng chị trong suốt những năm tháng ấu thơ và trưởng thành.

Từ năm 2018, khi biên soạn các cuốn "Thần thoại Ai Cập", "Thần thoại người Da Đỏ" cho Nhà xuất bản Kim Đồng cùng một số cuốn sách cho các nhà xuất bản khác, chị đã tự hỏi "Mình đang cố gắng giới thiệu về văn hóa dân gian thế giới tới độc giả Việt Nam, vậy tại sao lại không giới thiệu văn hóa dân gian Việt Nam tới bạn đọc thế giới, nhất là những em nhỏ trong cộng đồng người Việt ở Mỹ?".

Ý tưởng "Chuyện kể dưới bầu trời phương Đông" đã hình thành từ lúc đó, nhưng phải tới cuối năm 2023, đầu năm 2024 chị mới có thời gian hiện thực hóa. Trong quá trình nghiên cứu, chị nhận ra văn học dân gian ở các nước Đông Nam Á có nhiều điểm gần gũi, thí dụ, Myanmar cũng có những câu chuyện kể về gà trống gọi mặt trời, hay chuyện kể về mặt trăng nhưng nội dung rất khác các chuyện của Việt Nam. Vì thế, với "Chuyện kể dưới bầu trời phương Đông", chị muốn tạo ra sự đối sánh giữa văn học dân gian Việt Nam với văn học dân gian các nước Đông Nam Á.

Để "đứa con tinh thần" của mình có nhiều cơ hội tiếp cận các độc giả Mỹ, bên cạnh giới thiệu cuốn sách trên các group mạng xã hội của cộng đồng người Việt tại Mỹ, Thạc sĩ Nguyễn Hường cũng đang tích cực đưa sách tới các thư viện địa phương và trường học tại thành phố mình đang sống và các thành phố lân cận, từ đó lan tỏa nhiều hơn giá trị của văn hóa dân gian Việt Nam trên đất Mỹ.