Biến đồi thành ruộng "biên phòng"
Những năm trước, sau mỗi lần lên với bà con người Sách, người Khùa, người Mày ở xã biên giới Dân Hóa, trong tôi cứ ám ảnh mãi hình ảnh các em bé nheo nhóc bên những chiếc nồi chỉ có ít bồi (loại lương thực được xay từ ngô, sắn để ăn hằng ngày). Gạo hỗ trợ không phải không có, nhưng người lớn đã lén mang đi đổi rượu uống hết cả. Sáng sớm, nhưng nhiều người trong bản đã say ngật ngưỡng, có người lăn ra ngủ bên vệ đường. Dưới chân dãy Giăng Màn, đời sống bà con người Sách, người Mày vô cùng khó khăn vì không biết tự sản xuất, nhiều hủ tục đè nặng lên cuộc sống. Trước thực trạng này, chính quyền địa phương và Bộ đội Biên phòng Quảng Bình đã bàn bạc tìm cách hỗ trợ người dân ra khỏi cái đói triền miên và nhiều hủ tục vây quanh họ. Ðại tá Nguyễn Văn Phúc, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Bình, được coi là "tác giả" của các dự án sản xuất lúa nước trên tuyến biên giới Việt Nam - Lào tỉnh Quảng Bình, nhớ lại: "Qua khảo sát, chúng tôi nhận thấy, nếu không giúp bà con biết cách trồng lúa nước, không biết tự sản xuất mà chỉ dựa vào sự hỗ trợ của một số chế độ, chính sách thì còn lâu họ mới vượt qua khó khăn. Hơn nữa, có việc làm mới hạn chế được tình trạng rượu chè bê tha suốt ngày. Nhưng lấy đất ở đâu để làm ruộng? Ðây là bài toán khó đặt ra với người lính biên phòng. Khó nhưng Bộ đội Biên phòng Quảng Bình không nản".
Từ thành công của dự án lúa nước Rục Làn, tạo nguồn lương thực tại chỗ cho bà con người Rục, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Quảng Bình xây dựng đề án phát triển cây lúa nước ở bản Ka Ai, xã Dân Hóa. Ðại tá Nguyễn Văn Phúc chia sẻ: Việc đầu tiên là bộ đội tiến hành khảo sát điều kiện đất đai, nước, khí hậu và đi đến kết luận ở Ka Ai có thể trồng được lúa nước. Tiếp đó là tìm một diện tích đất tương đối lớn để cải tạo thành ruộng và đắp đập dẫn nước về tưới cho lúa. Ngay con đường dẫn vào bản, có một vùng đồi thấp khá rộng, Bộ đội Biên phòng quyết định cải tạo thành ruộng lúa. Vừa bằng sức người, vừa dùng phương tiện, trong ba tháng liền, Ðồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Cha Lo bóc tách được toàn bộ số đất hữu cơ trên mặt các quả đồi thấp bỏ sang một bên. Tiếp đó, bộ đội hạ thấp các quả đồi để hình thành nên ruộng lúa. Một lượng lớn đất phong hóa phải chở đi đổ nơi khác. Các chiến sĩ chia thành nhiều tốp, nhiều ca bám công trình, tranh thủ thi công trong mùa khô để sớm có nơi cho người dân sản xuất. Khi ruộng thành hình, bộ đội lại đưa phần đất hữu cơ để dành trở lại, cùng với nguồn nước được đưa về từ suối, biến đồi thành ruộng. Ðại úy, kỹ sư nông nghiệp Phạm Xuân Ninh - người luôn gắn bó với dự án lúa nước của Bộ đội Biên phòng - đến nay vẫn chưa quên không khí "vượt nắng, thắng mưa" trên đồng ruộng để sớm đưa vào sản xuất. "Có những ngày hè, miền biên giới nắng nóng như đổ lửa, gió thổi rát mặt. Nhiệt độ có lúc lên đến 39 - 40 độ, khiến cho công việc của những người lính biên phòng càng thêm vất vả. Thế nhưng, vì nhận thức được ý nghĩa quan trọng của công trình, không khí làm việc trên cánh đồng Ka Ai vẫn diễn ra khẩn trương, kết quả đã vượt tiến độ đề ra", Ðại úy Phạm Xuân Ninh tâm sự. Ðảng viên Hồ Hùng ở bản Ka Ai cho biết, người Sách sinh sống ở vùng biên giới này đã lâu và không biết cây lúa nước, chỉ quen với việc trồng lúa rẫy thôi. Nghe Bộ đội Biên phòng nói, thấy bộ đội làm, dần dần ai cũng hiểu ra, ruộng "Biên phòng" làm nhưng chia cho dân bản. Bây giờ, bản Ka Ai gần như tự chủ được cái ăn nhờ trồng lúa nước.
Ấm tình quân - dân
Những ngày này, nơi phố phường còn chút se lạnh, song khi vừa chạm đất Dân Hóa, không khí đã ấm áp hơn bởi bây giờ đang là mùa khô bên nước bạn Lào. Phía dãy Giăng Màn, sương mỏng được gió cuốn bay vắt vẻo trên sườn núi. Khung cảnh đẹp đến mê hoặc.
Từ đường 12A, chúng tôi rẽ phải và cùng với Thiếu tá Trần Hữu Chiến, cán bộ Ðồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Cha Lo đến thăm cánh đồng Ka Ai đang vào vụ mới. Băng qua con suối đầu bản, vượt thêm mấy quả đồi, cánh đồng khoảng năm héc-ta hiện ra trước mắt. Bao quanh cánh đồng là những ngọn núi đá vôi cao vút. Thiếu tá Trần Hữu Chiến cho biết, đá vôi chính là nỗi "ám ảnh" của những người lính biên phòng Quảng Bình khi quyết định cải tạo quả đồi thấp dưới chân dãy Giăng Màn này thành ruộng. Những tảng đá vôi bằng cả người ôm găm vào đất nằm san sát như thách thức sự kiên trì và sức mạnh những người lính. Không còn vị trí nào tốt hơn cho nên cán bộ, chiến sĩ Ðồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Cha Lo phải gồng mình đào xới, "nhổ" từng tảng đá. Vất vả suốt mấy tháng trời nhưng nghĩ đến những hạt lúa mới cho đồng bào, ai cũng động viên nhau cố gắng.
Ghé nhà trưởng bản Cao Xuân Xiêm, ông đang chuẩn bị đến nhà cuối bản có công chuyện. Tranh thủ tiếp chúng tôi, ông nói: "Mới đầu chưa quen cho nên dân bản thích lên rừng làm rẫy và săn bắn hơn là theo Bộ đội Biên phòng ra ruộng trồng lúa nước. Nhưng giờ quen rồi, nhiều người chủ động làm đất cho lúa tốt nữa. Bốn năm qua, mỗi năm hai vụ lúa giúp bà con chủ động được nguồn lương thực". Cạnh nhà ông Xiêm là nhà chị Hồ Thị Ðụt. Chị Ðụt vừa nấu cơm cho mấy đứa con ăn trưa xong, đưa con ra ngồi chơi ở bậc cầu thang nhà sàn. Mấy đứa con xúm vào nhổ tóc cho mẹ, vừa cười đùa. Chị Ðụt kể, gia đình có bốn đứa con. Ngày trước, cứ sáng ra hai vợ chồng đeo gùi vào rừng hái măng, lượm củi, hoặc bẫy thú. Trưa về có gì ăn đó. Nhiều ngày trời mưa, không đi rừng được, cả nhà đều đói. Sau khi nghe Bộ đội Biên phòng ở Ðồn Cha Lo về "rủ" làm ruộng nước, hai vợ chồng ậm ừ nhưng không đi vì chưa quen. Ðến khi vào vụ, đồng lúa chín vàng ươm ngay trước nhà. Vợ chồng chị Ðụt và dân bản rất ngạc nhiên. Bộ đội thu hoạch lúa xong, chia đều cho các hộ trong bản. Sau đó chị Ðụt và nhiều người khác xin theo Bộ đội Biên phòng để trồng lúa nước. Từ khi có lúa nước, đời sống của dân bản ngày càng đổi thay. Chị Hồ Thị Ðụt nói, trước đây một năm gia đình chị làm hai rẫy lúa, nếu thời tiết thuận lợi thì thu được một tạ lúa nhưng nhiều vụ trắng tay do mưa gió và gia súc, thú rừng phá hoại. Hai năm nay, gia đình chị tham gia sản xuất thường xuyên cho nên cũng đạt được hàng trăm công, sản lượng lúa thu hơn bảy tạ/vụ. Số lúa này cũng đủ cho sáu người trong nhà chị ăn.
Theo Thiếu tá Trần Hữu Chiến, không chỉ chị Ðụt mà hơn 80 hộ dân người Mày, người Sách ở bản Ka Ai đều thoát đói theo cách như thế. Ở xã 30a này, bà con coi cánh đồng Ka Ai là "cánh đồng 30a" của cả bản. Mới đầu, khi dân bản chưa quen và chưa mặn mà với lúa nước, khi đến vụ cán bộ biên phòng thu hoạch rồi chia cho dân bản. Nhưng từ vụ mùa năm 2015, khi dân bản đã quen thì Bộ đội Biên phòng chia ruộng cho từng hộ tự sản xuất. Cán bộ biên phòng hỗ trợ thêm làm đất, giống và kỹ thuật. "Khi mới triển khai, cán bộ biên phòng phải làm "mẫu" từ lấy nước, làm đất, gieo giống, bón phân và gặt lúa để dân bản xem và làm theo. Rồi khi bắt tay vào làm phải chỉ bảo từng động tác, chứ bà con chưa bao giờ biết cầm cuốc, biết lấy tay vãi lúa giống. Nhưng nay khi vụ mùa đến chỉ cần Bộ đội Biên phòng thông báo ra đồng là dân bản vác cuốc theo sau" - Thiếu tá Trần Hữu Chiến cho biết.
Ðầu giờ chiều, chúng tôi theo chân chị Hồ Thị Ðụt ra cánh đồng Ka Ai. Ở đó đã thấy Trưởng bản Cao Xuân Xiêm đôn đốc bà con dùng cuốc làm cỏ ven các bờ thửa. Hai chiến sĩ điều khiển máy làm đất, bản vui vào vụ sản xuất mới. Trưởng bản cho biết, vụ mùa năm nay Bộ đội Biên phòng tiếp tục hỗ trợ làm đất, giống lúa cho bà con. Mưa lũ cuối năm 2017 cũng làm hư hỏng một số đoạn kênh dẫn nước nhưng bộ đội và dân bản đã kịp khắc phục. Bà con hy vọng có thêm một mùa vàng bội thu.
Theo các chiến sĩ ở Ðồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Cha Lo, đỉnh Giăng Màn cao khoảng 1.500 m, gần nơi đó có một cột mốc biên cương của Tổ quốc. Từ cột mốc biên cương Tổ quốc, phóng tầm mắt nhìn về cửa khẩu quốc tế Cha Lo và bản Ka Ai chỉ là chấm nhỏ xanh thẳm. Chấm nhỏ xanh ấy đang ngày đêm cựa mình đi lên trong hành trình xóa đói nghèo bằng chính đôi tay của người dân và những giọt mồ hôi của người lính. Trong hành trình đó, người lính quân hàm xanh đã ngày đêm bám bản làng, giúp người dân biết sản xuất để ổn định cuộc sống. Dù vẫn còn nhiều khó khăn song giờ đây, cuộc sống của bà con ở Ka Ai đã đổi thay, đồng bào nơi đây ngày càng vững tin vào sự lãnh đạo của Ðảng, Nhà nước, vào con đường đi lên phía trước.