Israel ký thỏa thuận bình thường hóa quan hệ với UAE, Bahrain

Ngày 15-9, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chủ trì lễ ký kết thỏa thuận bình thường hóa quan hệ giữa Israel và Các Tiểu vương quốc A-rập thống nhất (UAE) và Bahrain tại Nhà Trắng, mở ra chương mới cho mối quan hệ hợp tác giữa hai bên.

Ngoại trưởng Bahrain, Thủ tướng Israel, Tổng thống Mỹ và Ngoại trưởng UAE (từ trái sang) trong lễ ký Hiệp định Abraham tại Nhà Trắng, ngày 15-9. (Ảnh: AP)
Ngoại trưởng Bahrain, Thủ tướng Israel, Tổng thống Mỹ và Ngoại trưởng UAE (từ trái sang) trong lễ ký Hiệp định Abraham tại Nhà Trắng, ngày 15-9. (Ảnh: AP)

Theo phóng viên TTXVN tại Washington, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã ký kết các thỏa thuận bình thường hóa quan hệ với Ngoại trưởng Bahrain Abdullatif bin Rashid al-Zayani và Ngoại trưởng UAE Sheikh Abdullah Bin Zayed Al Nahyan tại bãi cỏ phía nam Nhà Trắng với sự tham dự của hơn 200 quan khách.

Ngoài các thỏa thuận song phương mà Israel, UAE và Bahrain ký, ba nước sẽ ký một văn bản ba bên.

Phát biểu ý kiến tại lễ ký, Tổng thống Trump ca ngợi đây là bước tiến lớn hướng tới một tương lai, mà ở đó mọi người dân thuộc mọi tín ngưỡng và nguồn gốc sẽ cùng chung sống hòa bình và thịnh vượng. Ông Trump khẳng định: “Chúng ta ở đây để thay đổi tiến trình lịch sử. Sau nhiều thập kỷ chia rẽ và xung đột, chúng ta đánh dấu một bình minh của một Trung Đông mới”.

Các thỏa thuận mang tên Hiệp định Abraham là thỏa thuận đầu tiên kể từ khi Israel và Jordan ký hiệp ước hòa bình vào năm 1994. Theo đó, Israel đã nhất trí đình chỉ áp đặt chủ quyền đối với các khu vực thuộc Bờ Tây mà nước này đang thảo luận về việc sáp nhập.

Trước đó, vào ngày 13-8, Tổng thống Trump thông báo UAE và Israel đã nhất trí hướng tới bình thường hóa quan hệ trong một thỏa thuận do Mỹ làm trung gian. Thỏa thuận hòa bình là kết quả của các cuộc thảo luận kéo dài, mới được đẩy nhanh tiến độ giữa Israel, UAE và Mỹ. Theo thỏa thuận, Israel sẽ đình chỉ kế hoạch sáp nhập các vùng lãnh thổ thuộc Bờ Tây.

Với thỏa thuận này, UAE sẽ là nước thứ ba ở vùng Vịnh thiết lập quan hệ ngoại giao đầy đủ với Israel (sau Ai Cập ký thỏa thuận năm 1979 và Jordan ký kết năm 1994). Thỏa thuận nhận được sự ủng hộ của một số nước như Pháp, Đức, Oman, nhưng vấp phải sự phản đối mạnh của Palestine, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran.

Sau các thỏa thuận trên, Tổng thống Trump tuyên bố có thêm khoảng năm hoặc sáu quốc gia A-rập sẵn sàng đồng ý bình thường hóa quan hệ với Israel, phù hợp với những thỏa thuận then chốt mới đây giữa nhà nước Do Thái với UAE và Bahrain.