Tuyên bố nêu trên được đưa ra sau cuộc họp của ông Biden với các nhà đàm phán Mỹ về thỏa thuận trao đổi con tin. Cuộc họp được triệu tập sau khi quân đội Israel phát hiện sáu thi thể con tin tại Gaza, trong đó có một người Mỹ gốc Israel.
Trong nhiều tháng qua, Mỹ cùng các bên trung gian là Ai Cập và Qatar nỗ lực thúc đẩy thỏa thuận ngừng bắn và trao đổi con tin giữa Israel và Hamas. Nhiều cuộc đàm phán diễn ra luân phiên tại Qatar và Ai Cập, song chưa đạt kết quả.
Trong bối cảnh đó, việc quân đội Israel phát hiện sáu thi thể con tin tiếp tục phủ bóng đen lên tiến trình đàm phán, đồng thời gây sức ép lớn đối với chính quyền Thủ tướng Netanyahu trong việc phải nhanh chóng đạt được thỏa thuận.
Biểu tình ủng hộ ngừng bắn
Hàng nghìn người ở Israel xuống đường biểu tình trong hai ngày liên tiếp, kêu gọi Thủ tướng Benjamin Netanyahu nhất trí một thỏa thuận ngừng bắn với Hamas và thả các con tin ở Dải Gaza.
Cuộc biểu tình đã gây gián đoạn dịch vụ vận tải và y tế ở một số khu vực của Israel. Những người biểu tình cho rằng, Thủ tướng Netanyahu không nỗ lực đưa các con tin trở về thông qua thỏa thuận chấm dứt cuộc chiến kéo dài nhiều tháng qua với Hamas.
Nhiều cửa hàng và doanh nghiệp đã đóng cửa sau khi Chủ tịch Công đoàn Histadrut của Israel kêu gọi đình công toàn diện để thúc đẩy thỏa thuận ngừng bắn giữa Israel và Hamas. Một số chuyến bay khởi hành từ sân bay Ben Gurion, cảng hàng không chính của Israel, đã bị hủy, trong khi dịch vụ xe buýt và đường sắt đô thị ở nhiều khu vực bị hủy toàn phần hoặc một phần. Công nhân tại cảng thương mại chính Haifa của Israel và một số thành phố cũng tham gia đình công.
Hiện Hamas và Israel đổ lỗi cho nhau về cái chết của sáu con tin ở Gaza. Lực lượng Hamas cho rằng, Thủ tướng Netanyahu và quân đội Israel phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về cái chết của sáu người này do đã cản trở các thỏa thuận trao đổi tù nhân. Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Israel cáo buộc trách nhiệm thuộc về Hamas, đồng thời cảnh báo Tel Aviv sẽ đáp trả mạnh mẽ.
Trong một diễn biến khác, Chính phủ Anh quyết định đình chỉ ngay lập tức 30 giấy phép xuất khẩu vũ khí sang Israel sau khi nhận thấy "rủi ro rõ ràng" về việc vũ khí của Anh có thể được sử dụng để vi phạm nghiêm trọng luật nhân đạo ở Gaza. Quyết định đình chỉ liên quan các loại phụ tùng dành cho máy bay quân sự, gồm chiến đấu cơ, trực thăng và thiết bị bay không người lái.
Bộ Ngoại giao Anh cho biết, cuộc rà soát kéo dài hai tháng đã cho thấy những lo ngại về cách hành xử của Israel trong cuộc xung đột ở Gaza. Mặc dù không có kết luận chắc chắn nào về việc các giấy phép xuất khẩu vũ khí của London góp phần tàn phá Gaza, song Bộ Ngoại giao Anh nhấn mạnh, mức độ tàn phá và con số dân thường thiệt mạng ở Gaza đã gây ra mối lo ngại lớn.
Căng thẳng Ai Cập-Israel gia tăng
Bộ trưởng Ngoại giao Ai Cập Badr Abdelatty tái khẳng định lập trường của Cairo kiên quyết phản đối Israel kiểm soát hành lang Philadelphi; tuyên bố việc làm này của Tel Aviv là không thể chấp nhận.
Ai Cập đồng thời bác bỏ quyền kiểm soát của Israel đối với cửa khẩu Rafah bên phía Palestine; nhấn mạnh không chấp nhận bất kỳ sự sắp xếp thay thế nào tại cửa khẩu nối Dải Gaza với Ai Cập. Bộ Ngoại giao Ai Cập nhấn mạnh, quyền kiểm soát cửa khẩu Rafah bên phía Gaza phải nằm dưới sự giám sát của người Palestine và yêu cầu khôi phục hiện trạng như trước ngày 7/10/2023.
Trước đó, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu khẳng định quyết tâm của Israel về việc kiểm soát hành lang Philadelphi, sau khi truyền thông Israel đưa tin Nội các Israel bỏ phiếu ủng hộ đề xuất duy trì lực lượng tại biên giới Ai Cập-Gaza trong thời kỳ hậu xung đột.
Ông Netanyahu nhiều lần nhấn mạnh, các lực lượng Israel sẽ không rút khỏi hành lang Philadelphi hoặc cho phép triển khai lực lượng quốc tế tại khu vực này. Trong khi đó, Hamas tuyên bố chỉ chấp nhận thỏa thuận ngừng bắn và trao đổi con tin với Israel nếu Tel Aviv rút quân hoàn toàn khỏi hành lang Philadelphi.