Indonesia ghi nhận kim ngạch xuất, nhập khẩu tăng cao trong tháng 3/2022

NDO -

Giá trị xuất khẩu và nhập khẩu của Indonesia trong tháng 3/2022 đều tăng mạnh so cùng kỳ năm ngoái, trong bối cảnh giá cả hàng hóa thế giới đang trong đà tăng do tác động từ cuộc xung đột tại Ukraine.

Bốc dỡ container tại cảng Tanjung Priok, Jakarta, Indonesia. (Ảnh: Reuters)
Bốc dỡ container tại cảng Tanjung Priok, Jakarta, Indonesia. (Ảnh: Reuters)

Số liệu công bố bởi Cơ quan Thống kê Indonesia ngày 18/4 cho thấy, kim ngạch xuất khẩu tháng 3 của nước này đạt 26,5 tỷ USD, tăng 44,36% so cùng kỳ năm ngoái.

Trong khi nhập khẩu cũng tăng mạnh 30,85%, đạt giá trị 21,97 tỷ USD, qua đó giúp quốc gia giàu tài nguyên này đạt mức xuất siêu cao hơn dự kiến ở mức 4,53 tỷ USD, cao nhất kể từ tháng 10/2021.

Một phần nguyên nhân dẫn đến sự gia tăng mạnh này là giá cả các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Indonesia như than đá, khí đốt tự nhiên, dầu cọ, thiếc và niken - vốn đã ở mức cao do nhu cầu phục hồi sau đại dịch - tiếp tục tăng mạnh hơn nữa trên thị trường toàn cầu trong tháng 3, do ảnh hưởng từ xung đột Nga-Ukraine.

Trong số các mặt hàng xuất khẩu ghi nhận mức tăng mạnh nhất của Indonesia phải kể đến than đá, với mức tăng gần 150%, đạt giá trị 3,9 tỷ USD. Xét về khối lượng, xuất khẩu than của nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á tăng khoảng 22% so cùng kỳ năm ngoái, lên 35,3 triệu tấn.

So với tháng 2/2022, xuất khẩu than trong tháng 3/2022 của Indonesia tăng 41%, chủ yếu xuất sang Trung Quốc, Ấn Độ và Philippines, trong khi lượng than xuất khẩu sang các nước châu Âu như Hà Lan, Italia và Đức cũng tăng.

Trong khi đó, xuất khẩu niken ghi nhận mức tăng lên tới hơn 600% về giá trị so cùng kỳ năm ngoái, lên mức 569,7 triệu USD, và tăng 882% về khối lượng, đạt 66.900 tấn.

Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu dầu cọ của Indonesia giảm 1,25% so cùng kỳ năm ngoái, với khối lượng xuất khẩu giảm 31% xuống còn 1,7 triệu tấn, nhưng giá trị lại tăng vọt lên 2,4 tỷ USD.

Trong nỗ lực kiểm soát giá dầu ăn trong nước, nhà chức trách Indonesia đã hạn chế xuất khẩu dầu ăn từ cuối tháng 1 đến giữa tháng 3.

Giá hàng hóa cao cũng ảnh hưởng đến nhập khẩu, trong đó Indonesia nhập khẩu nhiều dầu cũng như lúa mì và đậu tương.

Cơ quan Thống kê Indonesia cũng ghi nhận sự gia tăng trong nhập khẩu thịt, trái cây và các sản phẩm dược phẩm, do nhu cầu tăng cao trước tháng lễ Ramadan của người Hồi giáo, bắt đầu vào đầu tháng 4.

Chuyên gia kinh tế cao cấp Radhika Rao của Ngân hàng DBS cho biết, Indonesia đang được hưởng lợi từ xu hướng giá cả hàng hóa tăng cao đang diễn ra trên toàn cầu, đồng thời cho biết thặng dư thương mại và vị thế đối ngoại được cải thiện đã giúp cho đồng Rupiah của Indonesia tương đối ổn định so với các đồng tiền khác trong khu vực.