IBM – 15 năm thâm nhập thị trường CNTT Việt Nam

NDO - NDĐT - 15 năm vào thị trường Việt Nam, IBM đã có những bước tiến trong phát triển thị trường công nghệ thông tin (CNTT). Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên IBM lựa chọn để áp dụng các khung giải pháp ngành tập trung vào các lĩnh vực như chính phủ, viễn thông và ngân hàng.

Cụ thể, IBM là đơn vị CNTT đầu tiên giới thiệu với thị trường Việt Nam các gói giải pháp dành riêng cho ngành ngân hàng. Hiện thị phần CNTT của IBM trong lĩnh vực ngân hàng ước chiếm xấp xỉ 50% tại thị trường Việt Nam.

Trong lĩnh vực điện toán đám mây, Việt Nam là khách hàng đầu tiên của IBM trong khu vực ASEAN. So với các công ty khác ở những lĩnh vực IBM cung cấp dịch vụ, khách hàng Việt Nam của IBM đứng đầu về số lượng .

Năm 1996, Công ty IBM Việt Nam chính thức được thành lập. Ngay trong thời điểm khó khăn của suy thoái kinh tế thế giới nói chung và ở Hoa Kỳ nói riêng, khi không ít công ty nước ngoài giảm bớt hoặc rút đầu tư vào Việt Nam thì ngược lại, IBM tăng cường đầu tư vào Việt Nam. Trong các năm 2007, 2008, IBM đã xây dựng một số trung tâm mới như Trung tâm Công nghệ Ngân hàng, Trung tâm Điện toán Đám mây và Trung tâm Dịch vụ Toàn cầu tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh. Từ quý 4 năm 2008, IBM đưa ra chiến lược Hành tinh Thông minh hơn giúp giải quyết một số thách thức lớn mà các tổ chức và doanh nghiệp đang phải đối mặt. Năm 2009, khai trương Trung tâm Năng lực System z đặt tại Trung tâm Sáng tạo Việt Nam. Tháng 4-2010, khai trương Trung tâm Cung cấp Dịch vụ Đảm bảo hoạt động kinh doanh liên tục và bền vững tại Công viên Phần mềm Quang Trung, TP Hồ Chí Minh. Đây là những trung tâm dịch vụ mang tính toàn cầu của IBM tại Việt Nam trị giá nhiều triệu USD.

IBM còn hỗ trợ Việt Nam đào tạo nguồn nhân lực CNTT. Thông qua Sáng kiến Hỗ trợ Giáo dục Đại học (Academic Initiatives) được triển khai tại Việt Nam từ năm 2007, IBM đã và đang hợp tác với các trường đại học tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ… để giúp đổi mới nội dung chương trình giảng dạy nhằm hỗ trợ sinh viên thu lượm được một tập hợp kỹ năng tích hợp trong đó bao hàm cả phương thức tư duy tích cực, tính sáng tạo và đổi mới cùng với năng lực lãnh đạo kinh doanh và các kiến thức về công nghệ.

IBM còn hỗ trợ đưa tin học vào giáo dục mầm non bằng chương trình KidSmart. Trong 10 năm triển khai chương trình, với sự hỗ trợ của Vụ Giáo dục Mầm non, năm 2007, IBM Việt Nam đã đạt mục tiêu đặt ra là xây dựng mô hình IBM KidSmart tại tất cả các tỉnh/thành phố trên toàn quốc, đánh dấu nỗ lực hỗ trợ đổi mới hình thức tổ chức và giáo dục trẻ tại tất cả các mô hình trường mầm non với các điều kiện kinh tế và văn hóa và xã hội khác nhau. Trong 10 năm hoạt động, chương trình IBM KidSmart đã trao tặng 333 bộ Nhà Thám hiểm trẻ cho 251 trường nầm non, 8 bệnh viện và 5 trung tâm bảo trợ trẻ em, với tổng giá trị hơn 1,6 triệu USD. Ngoài ra, IBM đã tổ chức các lớp tập huấn cho gần 2.000 cán bộ quản lý giáo dục cấp sở và giáo viên mầm non; cùng việc tổ chức nhiều cuộc thi, hội thảo giúp các giáo viên và trẻ mầm non khám phá và nâng cao khả năng sáng tạo của mình. Hơn 50.000 trẻ em Việt đã được học tập và trải nghiệm cùng KidSmart.

Với mục tiêu đóng góp cho sự phát triển của một số nền kinh tế tiềm năng nhất thế giới, các đoàn chuyên gia tư vấn cao cấp tình nguyện của IBM đã đến TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng và một số thành phố khác trao đổi về các lĩnh vực cấp bách như giao thông đô thị, nguồn nước, an toàn thực phẩm…

IBM khởi đầu với việc sản xuất đồng hồ, cân bàn, máy xử lý phomat cục và thẻ nhận diện điện từ. Sau đó, IBM sản xuất đến máy chữ, máy tính bảng, chiếc ổ đĩa đầu tiên, thẻ nhớ, máy ATMs, rồi đến máy chủ, máy tính siêu nhỏ, máy tính cá nhân, rồi đến siêu máy tính, dịch vụ, phần mềm và các công cụ phân tích. Trong 100 năm qua, IBM đã phát triển hoạt động ở hơn 170 quốc gia trên toàn cầu. 15 năm hoạt động tại Việt Nam, thông điệp của IBM là “Hãy chung tay xây dựng một Việt Nam giàu đẹp hơn”.