BSCKI Nguyễn Thị Sim, Phó giám đốc Trung tâm Chẩn đoán sàng lọc trước sinh và sơ sinh, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cho biết, sản phụ Trần Thị Vân Anh, 21 tuổi, ở Phú Thọ đến viện ở tuần thai thứ 24 trong tình trạng hết nước ối.
Trước đó, ở bệnh viện tuyến dưới và một bệnh viện tư, sản phụ được theo dõi thấy hết sạch ối, thai nhi mới được 600 gr nên sản phụ được tư vấn đình chỉ thai. Tuy nhiên, vì gia đình vẫn muốn giữ thai và được biết đến kỹ thuật truyền ối nên đã đến Bệnh viện Phụ sản Hà Nội.
Trong quá trình thăm khám, BS Sim phát hiện bệnh nhân có tử cung nhỏ bên cạnh bộ phận đang chứa thai nhi. Thai phụ hết ối nhưng âm đạo không ra nước. Từ đó, bác sĩ Sim nhanh chóng nhận định vỡ tử cung là nguyên nhân làm mất nước ối của bào thai. Sau khi hội chẩn, đã quyết định truyền ối vào buồng tử cung để cứu thai nhi.
Theo PGS, TS Nguyễn Duy Ánh, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, khi truyền dịch vào buồng ối, nước lại chảy dần ra ổ bụng. Bác sĩ dò thấy vết vỡ ở đáy tử cung. Lúc này, thai nhi vẫn phát triển đồng thời mẹ có toàn trạng bình thường. Gia đình bệnh nhân xin tiếp tục giữ thai.
Các bác sĩ tiếp tục truyền ối lần hai đồng thời cho bệnh nhân dùng những loại thuốc tốt nhất nhằm giữ mẹ ổn định, không nhiễm trùng và con có thêm thời gian để phát triển.
Với sự theo dõi sát sao của các bác sĩ Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, thai nhi được giữ trong bụng mẹ thêm năm tuần. Vào tuần thai 31, bé trai nặng 1,5 kg và có dấu hiệu không tăng cân, các bác sĩ quyết định mổ.
Sau mổ, bé trai vẫn đang được chiếu đèn do mắc vàng da sơ sinh. Dự kiến, bé ra viện trong tuần tới.
Theo bác sĩ Sim, bệnh nhân Vân Anh biết bản thân có dị dạng tử cung nhưng lại quên khai tiền sử. Trường hợp này, thai phụ vỡ tử cung âm thầm, không gây triệu chứng nặng như nhiễm trùng, sốc mất máu. Vết vỡ nhỏ 2 cm, lại ở vùng không có nhiều mạch máu nên không đau. Thai phụ chỉ đau khi vỡ tử cung, sau đó hết cảm giác này. Chính vì thế, nhiều bác sĩ không nghĩ đến tình huống vỡ tử cung, nhất là ở tuần thai 24.
Theo PGS, TS Nguyễn Duy Ánh chia sẻ vỡ tử cung là tai biến thường trực, tối cấp cứu trong sản khoa. Tuy nhiên, vỡ tử cung mà vẫn giữ được thai là trường hợp rất hiếm gặp và chưa từng thấy trong y văn thế giới. Đây là thành tựu của can thiệp bào thai - một trong những kỹ thuật cao nhất trong sản khoa thế giới.
Đặc biệt, sản phụ Vân Anh không chỉ được cứu sống cả mẹ lẫn con mà còn được bảo tồn tử cung. Đặc biệt, bào thai được nuôi sống từ 600 gr đến 1.500 gr, đủ thời gian để trưởng thành phổi và sống tốt sau khi ra đời.
Theo PGS Ánh, quyết định truyền ối vào buồng tử cung cho thai phụ Vân Anh khá liều lĩnh vì đây là hướng đi khó và nhiều rủi ro. Khi thực hiện bơm từng giọt nước ối vào buồng tử cung, thai nhi liền động đậy, bơi trong buồng ối đầy. Điều đó chứng tỏ thai nhi đang phát triển bình thường. Kết quả xét nghiệm gien cũng cho thấy bé hoàn toàn khỏe mạnh, chỉ là người mẹ gặp bất thường, không thể tiếp tục nuôi sống con. Do đó, các bác sĩ quyết định giữ bào thai cho sản phụ.
Trong năm tuần giữ thai cho thai phụ Vân Anh, các bác sĩ trải qua rất nhiều thử thách từ phải thường xuyên túc trực theo dõi tình trạng lâm sàng, làm các xét nghiệm vi sinh, đặc biệt theo dõi tình trạng nhiễm trùng của bệnh nhân.
"Nếu thai phụ bị nhiễm trùng, bác sĩ phải mổ khẩn cấp để cứu mẹ. Tình huống xấu nhất là thai nhi không còn cơ hội cứu sống, người mẹ phải cắt dạ con. Nhưng chúng tôi đã thành công. Em bé hiện khỏe mạnh, không nhiễm trùng, đã được xét nghiệm nhiễm sắc thể đồ bình thường", BS Ánh cho biết.
Hiện nay, sản phụ đã khỏe mạnh xuất viện. Nếu được theo dõi đặc biệt, sản phụ Vân Anh sẽ vẫn có cơ hội mang thai lần thứ 2.
PGS, TS Nguyễn Duy Ánh cho biết, trước đây, mỗi năm, hàng nghìn thai nhi mắc bệnh lý đều không có cơ hội cứu chữa. Trong trường hợp song thai một mất, một còn, đứa trẻ còn lại được sinh ra với di chứng nặng nề, tàn tật từ trí não đến thể lực. Đến nay, với can thiệp bào thai, các bé có cơ hội được cứu sống từ trong bụng mẹ.