Xác định công tác phát triển hạ tầng là nhiệm vụ quan trọng để phát triển xã thành phường, thời gian qua, các xã trên địa bàn huyện Thanh Trì đã tập trung đầu tư xây dựng nhiều dự án, nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới, gắn với phát triển đô thị. Tại xã Thanh Liệt, cả hệ thống chính trị đã tích cực tuyên truyền, vận động, trong đó cán bộ, đảng viên giữ vai trò nòng cốt, gương mẫu đi đầu thực hiện các công việc bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, kịp thời giải quyết thắc mắc, kiến nghị của người dân, tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân trong diện giải phóng mặt bằng. Nhờ sự đồng thuận cao trong nhân dân, đến nay, nhiều dự án trên địa bàn xã đã được thực hiện, tạo diện mạo mới ngày càng khang trang, sạch đẹp hơn. Xã Thanh Liệt đã đạt 17 trên tổng số 19 tiêu chí nông thôn mới nâng cao, còn hai tiêu chí chưa đạt là trường học và cơ sở vật chất văn hóa.
Còn tại xã Tam Hiệp, việc triển khai các dự án đầu tư xây dựng nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới cũng được thực hiện hiệu quả. Tam Hiệp đã hoàn thành 16 trên tổng số 19 tiêu chí nông thôn mới nâng cao, còn ba tiêu chí phấn đấu hoàn thành từ nay đến năm 2023. Theo đại diện xã Tam Hiệp, mục tiêu xây dựng nông thôn mới nâng cao, xây dựng xã thành phường, là tiền đề quan trọng để phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống người dân. Trong thời gian tới, xã rà soát hệ thống đường giao thông, ao hồ để đầu tư cải tạo, xây dựng không gian xanh, sạch, đẹp; mở các điểm trưng bày, bán sản phẩm OCOP, quảng bá sản phẩm truyền thống Rượu cúc làng Ngâu đến bạn bè trong nước và quốc tế trong dịp huyện đăng cai tổ chức thi đấu môn bóng rổ SEA Games 31.
Theo báo cáo của huyện Thanh Trì, tại thời điểm phê duyệt đề án phát triển huyện thành quận, huyện đạt 24/27 tiêu chí, còn 3/27 tiêu chí chưa đạt, gồm cân đối thu chi ngân sách, mật độ đường giao thông đô thị và đất cây xanh công cộng. Ðể thực hiện các tiêu chí còn thiếu, huyện đã ban hành 5 kế hoạch thực hiện đề án và kế hoạch thực hiện các tiêu chí chưa đạt để xã phát triển thành phường. Huyện cũng chỉ đạo 16 xã, thị trấn xây dựng kế hoạch cụ thể thực hiện tiêu chí của từng xã, thị trấn để triển khai thực hiện, bảo đảm hiệu quả và tiến độ đã đề ra.
Ðến cuối năm 2021, một số tiêu chí vẫn chưa đạt, nhưng chất lượng các tiêu chí đã có chuyển biến tích cực. Tỷ lệ cân đối thu chi ngân sách tăng 3,2%. Số đường giao thông đô thị tăng thêm gần 11 km, diện tích đất cây xanh công cộng tăng thêm khoảng 27,4 ha. Ðể thực hiện mục tiêu xã phát triển thành phường gắn với xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, huyện đã đề ra sáu nhóm giải pháp, trong đó tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội nông thôn theo hướng đô thị; phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa chuyên canh tập trung, ứng dụng công nghệ cao; triển khai có hiệu quả Chương trình OCOP; cơ cấu lại các ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần nông dân.
Mới đây, tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Huyện ủy Thanh Trì về tiến độ thực hiện Ðề án đầu tư, xây dựng huyện Thanh Trì thành quận, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến, Phó Trưởng ban Chỉ đạo xây dựng, phát triển năm huyện thành quận ghi nhận những kết quả đã đạt được trong việc triển khai thực hiện Ðề án xây dựng huyện Thanh Trì thành quận. Phó Bí thư Thường trực Thành ủy nhấn mạnh, thời gian tới, huyện Thanh Trì cần tập trung phát huy tối đa các lợi thế về địa lý, giao thông và quy hoạch phát triển đô thị; xác định cụ thể các nhiệm vụ trọng tâm, khâu đột phá, lựa chọn những lĩnh vực thế mạnh để tập trung phát triển kinh tế-xã hội. Cùng với chỉ đạo quyết liệt, sâu sát để hoàn thành các tiêu chí chưa đạt trong thời gian sớm nhất, huyện Thanh Trì cần thực hiện tốt các giải pháp huy động nguồn lực. Ðối với nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, huyện cần tập trung đầu tư gắn với các tiêu chí đô thị, phấn đấu đến năm 2025, toàn huyện có mười xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, trong đó có năm xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu…