Huyện miền núi ở Bình Định nhiều năm khát nước sạch

NDO -

Chúng tôi về thăm bà con làng Canh Lãnh, xã Canh Hòa, huyện miền núi Vân Canh, tỉnh Bình Định, vào những ngày giữa tháng 8, nắng nóng thiêu đốt, đã nhiều tháng liền nơi đây không có nổi một cơn mưa nhỏ.

Người dân làng Canh Lãnh, xã Canh Hòa, huyện Vân Canh phải ra con  suối cạn lấy nước sạch.
Người dân làng Canh Lãnh, xã Canh Hòa, huyện Vân Canh phải ra con  suối cạn lấy nước sạch.

Nhiều năm qua, cứ đến mùa này, bà con dân tộc Ba Na ở đây lại lo lắng, loay hoay đối diện với cơn khát nước sạch dai dẳng. Đấy cũng là khó khăn chung của huyện miền núi Vân Canh luôn thường trực nhiều năm qua vì khô hạn, thiếu nước sinh hoạt và sản xuất. Những ngày qua, người dân nơi đây đang khát nước từng ngày.

Chỉ cách trung tâm huyện khoảng 7km nhưng Canh Hòa là xã miền núi đặc biệt khó khăn của huyện Vân Canh. Ở đây, đa số người dân sinh sống phụ thuộc vào nông, lâm nghiệp, thu nhập bấp bênh, hoàn toàn phụ thuộc vào thời tiết.

Địa hình xã Canh Hòa bị chia cắt, đứt gãy bởi hệ thống sông suối, núi đồi trùng điệp và thung lũng sâu. Diện tích đất sản xuất nông nghiệp manh mún theo kiểu da báo, chủ yếu là ruộng dọc theo hệ thống sông suối.

Dân số của xã có 558 hộ với 2.067 nhân khẩu, sinh sống tại 3 làng: Canh Thành, Canh Phước, Canh Lãnh với 3 dân tộc cùng chung sống là Chăm, Ba Na, Kinh; trong đó, người Chăm và Ba Na chiếm 95% dân số toàn xã.

Trong những ngày qua, khu vực bị khô hạn nặng nề nhất là thôn Canh Lãnh, xã Canh Hòa. Thôn có 112 hộ dân với hơn 500 nhân khẩu đang đối mặt với tình trạng không có nước sinh hoạt, không có nước phục vụ sản xuất, đa phần các giếng đào tại từng hộ dân đều cạn trơ đáy.

Chúng tôi đến nhà bà Đoàn Thị Nguyên, người dân làng Canh Lãnh, xã Canh Hòa khi bà đang chuẩn bị bữa trưa. Bà Nguyên phải gạn nước vo gạo sang một chậu nhựa để dành rửa bát đĩa, xoong nồi. Bà cho biết: “Nhiều năm rồi cứ đến mùa nắng là chúng tôi khổ lắm, phải chắt tiết kiệm tùng chút nước như thế này. Giếng nước trong nhà khô cạn phải đi ra suối xa nhà để lấy nước về dùng nấu ăn, uống và tắm giặt”.

“Nước không có, người dân phải đi 3 cây số ra suối múc nước đổ vào can chở về nhà. Tắm, giặt cũng phải ra suối. Giếng ở nhà khô cạn mà không thể đào sâu hơn vì đụng vào đá. Nước giếng chỉ phục vụ nấu uống còn những sinh hoạt khác đều phải ra suối mà suối cũng khô cạn không có nước”, ông Đinh Văn Út, ở làng Canh Lãnh, xã Canh Hòa cho biết.

Chúng tôi tìm gặp Trưởng làng Canh Lãnh, ông Đinh Văn Hùng. Ông Hùng cho biết thêm: “Làng tôi chỉ có 112 hộ mà đã có 75 hộ nghèo. Không nhà nào đủ tiền để khoan, đào giếng sâu hơn để có nước ngầm. Hằng năm, cứ vào thời điểm này là nước khô cạn tại các giếng nhà dân và tại con suối trong làng. Hằng ngày, từ sáng sớm, bà con đã ra suối múc nước về để uống, nấu thức ăn. Nước phục vụ sinh hoạt cho con người đã khó chứ nói gì đến nước phục vụ sản xuất tưới cây trồng. Ở đây người dân chỉ làm ruộng, trồng mì, cây keo, không có nước tưới, cây trồng kém phát triển, kinh tế gia đình lâm cảnh đói nghèo”.

Còn ông Nguyễn Văn Kim, Chủ tịch UBND xã Canh Hòa chia sẻ, hằng năm, vào vụ sản xuất hè thu, bà con không sản xuất được vì khô cạn, không có nước phục vụ sản xuất, đời sống người dân trong xã đặc biệt khó khăn.

Nước sinh hoạt, bà con dùng giếng đào nhưng giếng cũng bị khô cạn, vì thế đời sống sinh hoạt gặp nhiều khó khăn; thiếu nước tưới phục vụ sản xuất nông, lâm nghiệp dẫn đến khô hạn, cây trồng kém phát triển, đời sống người dân trong xã vốn đã khó khăn lại càng khó khăn, cực nhọc hơn. Bởi vậy, tỷ lệ hộ nghèo của xã chiếm 57,53%, hộ cận nghèo chiếm 22,22%.

Chính quyền và bà con ở đây mong muốn Đảng và Nhà nước quan tâm, tạo điều kiện cho bà con có nguồn nước sạch sinh hoạt. Vì có không nước sạch, dẫn đến các bệnh đường ruột, đau mắt và các bệnh khác. Có nước sạch để bảo đảm sức khỏe, sản xuất nông nghiệp, cây trồng phát triển thì kinh tế gia đình của người dân mới khá lên được.

a-2.jpg -0
 Con suối cạn cách 3km là nguồn nước sạch của bà con làng Canh Lãnh, xã Canh Hòa, huyện Vân Canh.

Chúng tôi đi qua con suối Diếp nằm cắt ngang đường vào làng Canh Lãnh. Khoảng cách từ con suối này đến làng Canh Lãnh khoảng 3km. Hằng ngày, người dân phải vượt đoạn đường này để đến suối lấy nước, rồi lại đi 3km quay trở về làng. Mỗi chuyến đi chỉ chở được 2-3 can nước phục vụ sinh hoạt gia đình. Thế nhưng, lúc chúng tôi đến, con suối khô cạn không có nước, người dân phải đào hố nhỏ cho nước chảy vào hố rồi chờ nước lắng đục, mới đổ nước trong vào can, chở về nhà dùng. Lấy được giọt nước quá cực nhọc nên người dân dùng nước rất dè xẻn.

Chia sẻ thêm về vấn đề này, đồng chí Lê Bá Thành, Bí thư Huyện ủy Vân Canh cho biết, huyện Vân Canh không chỉ có con sông lớn Hà Thành chảy qua mà còn rất nhiều con suối khác. Nhưng sông suối lúc nào cũng cạn khô nước vào mùa nắng nóng.

Những năm gần đây, người dân chọn cây keo là cây trồng chủ lực để phát triển kinh tế gia đình. Cây keo có đặc tính hút nước nhưng không giữ được nước. Cái khó bó cái khôn nên đây vẫn là khó khăn vượt quá khả năng của một huyện nghèo như Vân Canh.

Cũng theo đồng chí Bí thư Huyện ủy, Vân Canh muốn có nước phải bảo vệ rừng, tái sinh rừng, quy hoạch trồng lại rừng. Vì nhờ cây keo phát triển kinh tế nhưng lại gây tình trạng khô hạn tại các sông, suối dẫn đến không có nguồn nước sinh hoạt cho người dân, gia súc và phục vụ sản xuất nông nghiệp. Đây cũng là vấn đề trăn trở, khó khăn của địa phương, cần sự quan tâm hơn của tỉnh và Trung ương.