Phát huy truyền thống vẻ vang của quê hương anh hùng, những năm qua, đặc biệt là sau 10 năm chia tách huyện đến nay, huyện Hồng Dân (Bạc Liêu) đã phấn đấu đạt nhiều thành tựu rất đáng trân trọng. PV Báo Nhân Dân đã phỏng vấn đồng chí Võ VĂN ÚT, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Hồng Dân về sự nỗ lực vươn lên của huyện thời gian qua; mục tiêu phấn đấu trong những năm tới.
PV: Phát huy truyền thống vẻ vang, trung dũng, kiên cường của vùng quê cách mạng, trong những năm qua, Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Hồng Dân đã 'viết tiếp trang sử' của quê hương trong thời kỳ đổi mới và phát triển như thế nào, thưa đồng chí?
Ðồng chí Võ Văn Út: Tiếp tục phát huy truyền thống của quê hương anh hùng, nhiều năm qua, nhất là mười năm gần đây, Ðảng bộ và nhân dân huyện Hồng Dân đã nỗ lực phấn đấu đạt được nhiều thành tựu nổi bật trên các lĩnh vực. Huyện ủy, UBND huyện đã phát động sâu rộng phong trào thi đua yêu nước trong toàn thể cán bộ, nhân dân tích cực hưởng ứng, tham gia thực hiện; đẩy mạnh phong trào thi đua lao động sản xuất, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật, đầu tư thâm canh, tăng vụ, tăng năng suất cây trồng, vật nuôi và tạo ra nhiều mô hình sản xuất đạt hiệu quả kinh tế cao. Về sản xuất nông nghiệp, đến nay, huyện có hai vùng sản xuất ổn định: Vùng sản xuất theo mô hình luân canh tôm - lúa - cá kết hợp có diện tích 26.000 ha. Vùng chuyên canh cây lúa chất lượng cao khoảng 9.000 ha; đời sống và thu nhập của nhân dân ngày càng cải thiện và nâng lên. Hàng hóa nông dân sản xuất ra đều được chú trọng cả ba mặt: Năng suất, chất lượng và hiệu quả. Ðáng chú ý, huyện có một số thương hiệu nổi bật như: Nghề rèn, mộc gia dụng, dệt chiếu, làm bánh tằm, gạo một bụi đỏ Hồng Dân..., đang được thị trường và người tiêu dùng ưa chuộng. Ðể từng bước thoát khỏi huyện nghèo, Huyện ủy Hồng Dân đang tập trung huy động mọi nguồn lực với phương châm 'Nhà nước và nhân dân cùng làm', 'Huyện, xã và nhân dân cùng lo'. Kể từ khi chia tách huyện mười năm qua, Hồng Dân đã xây dựng gần 400 km đường nhựa nối liền các ấp; các khu dân cư tập trung đều có đường cho xe hai bánh đi lại trong hai mùa mưa nắng, với tổng trị giá đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng; bộ mặt nông thôn tiếp tục đổi mới. Mạng lưới điện phát triển khá nhanh, năm 2001 toàn huyện chỉ có 14% số hộ sử dụng, đến nay nâng lên 73%. Huyện đã thực hiện chương trình phát triển mạng lưới các chợ xã trong huyện. Ðến nay các chợ đã hình thành và hoạt động khá tốt, góp phần thu ngân sách tăng gấp năm lần so với năm đầu chia tách. Từ sự phát triển nêu trên, năm 2010, thu nhập bình quân đầu người tăng gấp bốn lần so với năm 2000. Giáo dục - đào tạo tiếp tục phát triển; công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân đạt nhiều tiến bộ; các chính sách xã hội, nhất là chính sách đối với người có công được đặc biệt quan tâm; công tác vận động Quỹ vì người nghèo, Quỹ an sinh xã hội được đẩy mạnh, kết quả đã xây dựng 369 nhà tình nghĩa, 2.525 nhà đoàn kết (bao gồm nhà theo Chương trình 167 của Chính phủ), cho đối tượng chính sách, hộ nghèo khó khăn, ổn định cuộc sống. Với những cách làm trên đã đem lại kết quả hộ nghèo giảm từ 23,8% năm 2000 còn 7% năm 2010 (theo tiêu chí cũ). Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; hệ thống chính trị củng cố, kiện toàn và đạt tiêu chuẩn trong sạch, vững mạnh. Ðặc biệt, cuối năm 2010, Nhà nước trao Huân chương Lao động hạng nhì tặng huyện. Ðây là niềm vinh dự, tự hào, là trách nhiệm và là động lực thôi thúc Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Hồng Dân anh hùng phát huy truyền thống quê hương, nỗ lực cao hơn nữa, tạo hình ảnh, vị thế mới trong tỉnh, vùng đồng bằng sông Cửu Long và cả nước...
PV: Do xuất phát điểm của địa phương thấp, lại không thuận lợi về mặt địa lý, nên trong những năm qua mặc dù Ðảng bộ huyện rất cố gắng, nhưng phải thừa nhận hiện nay Hồng Dân vẫn là một trong những huyện nghèo của tỉnh. Vì vậy, ngoài sự nỗ lực, quyết tâm cao của địa phương, huyện có giải pháp như thế nào kêu gọi đầu tư, hỗ trợ của tỉnh và Trung ương, đồng thời thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh đến địa phương hợp tác phát triển kinh tế?
Ðồng chí Võ Văn Út: Chúng tôi thừa nhận rằng, Hồng Dân hiện vẫn còn nghèo, kinh tế còn nhiều khó khăn. Việc đầu tư của tỉnh và Trung ương, nhất là việc thu hút các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh đến hợp tác phát triển kinh tế của huyện hạn chế. Ðó là vấn đề mà từ nhiều năm qua Ðảng bộ huyện luôn quan tâm, trăn trở, suy nghĩ tìm cách tháo gỡ khó khăn, vươn lên thoát khỏi huyện nghèo, phấn đấu trở thành huyện khá của tỉnh. Ðặc biệt, từ sau Ðại hội Ðảng bộ huyện (nhiệm kỳ 2010 - 2015) đến nay, Huyện ủy Hồng Dân đã đề ra một số chỉ thị, nghị quyết tập trung tháo gỡ khó khăn, tranh thủ mọi nguồn lực về vốn, khoa học - công nghệ, kinh nghiệm quản lý... Trong đó, Huyện ủy xác định: Lấy nguồn nội lực là chính, nhưng giai đoạn hiện nay khi nội lực chưa đáp ứng cho sự phát triển thì Ðảng bộ phải tập trung huy động ngoại lực để tranh thủ vốn, các chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án của Trung ương và tỉnh triển khai trên địa bàn huyện; vận dụng chính sách ưu đãi của Nhà nước, tạo mọi điều kiện thuận lợi kêu gọi doanh nghiệp đến huyện hợp tác đầu tư. Chủ trương của Huyện ủy, UBND huyện Hồng Dân là tạo mọi thuận lợi, thông thoáng để thu hút đầu tư, với quan điểm: Việc gì khó, chính quyền giải quyết; việc gì dễ, thuận lợi dành cho các nhà đầu tư. Chúng tôi cam kết và phấn đấu Hồng Dân luôn bảo đảm là 'nơi an toàn, nơi các nhà đầu tư ăn nên làm ra'. Huyện ủy, UBND huyện đang tập trung thực hiện những giải pháp như: Rà soát bổ sung quy hoạch cho phù hợp, lập dự án khả thi, xúc tiến kêu gọi đầu tư, tranh thủ những doanh nghiệp đã đầu tư có hiệu quả để 'lôi kéo' các doanh nghiệp khác đến tìm hiểu, thăm dò và chọn lựa những danh mục ngành và lĩnh vực mình có thế mạnh để đầu tư đạt hiệu quả cao nhất. Chính vì thế, thời gian qua đã có nhiều công ty đầu tư như: Công ty cổ phần ô-tô Bảo Toàn (TP Hồ Chí Minh) đã đến đầu tư tại Trung tâm thương mại thị trấn Ngan Dừa số vốn 20 tỷ đồng; Công ty TNHH - thương mại - dịch vụ - du lịch Long Hải Dũng (TP Hồ Chí Minh) đã và đang tiến hàng đầu tư xây dựng nhà hàng khách sạn tại thị trấn Ngan Dừa số vốn hơn năm tỷ đồng. Ngoài ra, một số doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đã bỏ vốn đầu tư xây dựng nhà phố hơn 106 căn trong khu thương mại huyện, tạo không khí kinh doanh buôn bán khá sôi động; đồng thời tạo vẻ mỹ quan, diện mạo mới khá nhộn nhịp ở huyện vùng sâu Hồng Dân. Ngoài ra, còn một số nhà đầu tư mới đến thăm dò và lập thủ tục xin đầu tư như: Công ty cổ phần Hòa Bình Xanh (TP Hồ Chí Minh) có mong muốn được đầu tư Trung tâm thương mại tại xã Ninh Quới A, số vốn đăng ký gần 100 tỷ đồng; Công ty cổ phần Nguyễn Kim (tỉnh Ðồng Tháp) xin đầu tư xây dựng nhà máy chế biến gạo quy mô 100 nghìn tấn/năm tại khu công nghiệp Ninh Quới... Một số dự án lớn của Trung ương như: Xây dựng 28 con đập phân ranh mặn ngọt; dự án quốc lộ Phụng Hiệp (đi qua Hồng Dân) sắp hoàn thành đưa vào sử dụng; đường Hồ Chí Minh sắp triển khai; đường ống dẫn khí Cà Mau - Ô Môn qua địa bàn huyện và một số dự án khác đã, đang và sắp triển khai xây dựng trên địa bàn huyện. Ðó là tiền đề quan trọng, là động lực để huyện Hồng Dân tận dụng thời cơ trỗi dậy, 'cất cánh' đi lên trong thời gian tới...
PV: Huyện Hồng Dân nổi tiếng vì có Khu căn cứ cách mạng của Tỉnh ủy Bạc Liêu và Quân khu 9. Huyện ủy, UBND huyện đã có kế hoạch, chương trình như thế nào nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương, nhất là phát triển 'du lịch nhân văn', 'du lịch sinh thái', tạo dựng hình ảnh mảnh đất, con người Hồng Dân không chỉ giỏi trong đánh giặc, sống nghĩa tình, mà còn có trí tuệ, bản lĩnh và ý chí, khát vọng vươn lên xây dựng quê hương giàu đẹp?
Ðồng chí Võ Văn Út: Hồng Dân có nhiều địa danh, nhiều sự kiện đã đi vào lịch sử trong hai cuộc kháng chiến. Ðặc biệt, con người nơi đây rất trung dũng, kiên cường, sống nghĩa tình và mộc mạc, chân tình. Trải qua nhiều giai đoạn của cách mạng, nhiều thế hệ của ba dân tộc anh em Kinh, Khmer, Hoa trên địa bàn huyện đã phát huy truyền thống, tinh thần đoàn kết trong chiến đấu và xây dựng quê hương... Có thể nói, Hồng Dân là huyện nổi tiếng của tỉnh Bạc Liêu và các tỉnh Tây Nam Bộ bởi là vùng quê cách mạng, nhiều năm liền là căn cứ cách mạng của Tỉnh ủy Bạc Liêu và Quân khu 9. Ðáng chú ý, huyện Hồng Dân từng có sự kiện Chủ Chọt (nông dân đứng lên đấu tranh chống thực dân Pháp xâm lược và bọn địa chủ cường hào) trước và sau năm 1930. Ngoài ra, huyện còn có chợ nổi Ngan Dừa khá nổi tiếng từ lâu; có dòng sông Cái Lớn, Cái Bé, Cả Chanh... hai bên bờ sông có những vườn dừa nước lá xanh rờn... khá nổi tiếng 'Nam Kỳ lục tỉnh', đã tạo sự lôi cuốn, thu hút của nhiều người ở khắp mọi miền đất nước...
Nhằm đẩy nhanh quá trình chuyển dịch kinh tế từ huyện thuần nông phát triển theo hướng nông - công nghiệp - dịch vụ và du lịch, huyện tập trung rà soát và tiến hành quy hoạch; phát động cán bộ, nhân dân tôn tạo và giữ gìn nét đẹp truyền thống quê hương; phối hợp cùng tỉnh xây dựng phục chế và phát triển các khu di tích nêu trên. Trước hết, huyện quan tâm giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ; đồng thời tạo ra nhiều điểm nhấn để thu hút khách các nơi đến tham quan. Huyện ủy, UBND huyện đã tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ của các cấp, các ngành của tỉnh và Trung ương, nhằm quyết tâm thực hiện mục tiêu, kế hoạch này. Ðiều đáng mừng là mới đây, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bạc Liêu đã chấp thuận đề nghị của huyện, đã bổ sung xây dựng một số công trình, tuyến du lịch trên địa bàn huyện. Hiện nay, Huyện ủy, UBND huyện đang quyết tâm biến nghị quyết đại hội Ðảng bộ huyện và tỉnh (nhiệm kỳ 2010 - 2015) vào cuộc sống. Cùng với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, Huyện ủy rất chú trọng đẩy mạnh phát triển du lịch, xây dựng nông thôn mới, nhằm góp phần tạo nhiều việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống nhân dân. Ðồng thời, huyện quan tâm, chú trọng giới thiệu hình ảnh vùng đất, con người Hồng Dân không chỉ anh dũng, kiên cường trong kháng chiến, mà ngày nay trong thời kỳ hội nhập và phát triển, Ðảng bộ, chính quyền và mỗi người dân trong huyện cần có trí tuệ, năng động, sáng tạo hơn nữa, dám nghĩ, biết làm kinh tế, với quyết tâm chính trị xây dựng Hồng Dân ngày một giàu đẹp, nhằm nâng cao hình ảnh, vị thế mới.
PV: Xin cảm ơn đồng chí!
TRỌNG DUY
(Thực hiện)