Huyện có hơn 50% số dân là đồng bào dân tộc thiểu số đạt chuẩn nông thôn mới

NDO - Ngày 31/12, Ủy ban nhân dân huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng tổ chức công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về công nhận huyện Châu Thành đạt chuẩn nông thôn mới năm 2023. 
0:00 / 0:00
0:00
Thừa ủy nhiệm của Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng trao Bằng chứng nhận đạt chuẩn nông thôn mới cho huyện Châu Thành.
Thừa ủy nhiệm của Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng trao Bằng chứng nhận đạt chuẩn nông thôn mới cho huyện Châu Thành.

Đây là huyện có đông đồng bào dân tộc thiểu số thứ 2 trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng với tỷ lệ dân tộc Khmer chiếm 47,8%, dân tộc Hoa chiếm 3,2%, còn lại là dân tộc Kinh 49% dân số.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Châu Thành Trương Quốc Điền cho biết, Châu Thành có tổng diện tích tự nhiên hơn 23.000ha, trong đó, diện tích đất nông nghiệp chiếm hơn 88%. Huyện có 7 xã, 1 thị trấn với 56 ấp. Tổng dân số toàn huyện khoảng 119.000 người.

Huyện có hơn 50% số dân là đồng bào dân tộc thiểu số đạt chuẩn nông thôn mới ảnh 1

Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng Lâm Văn Mẫn tặng Bằng khen cho các tập thể xuất sắc.

Từ mức chỉ đạt 4,57 tiêu chí, 100% các xã đều là xã đặc biệt khó khăn, cơ sở hạ tầng nông thôn yếu kém, chất lượng cuộc sống người dân chưa bảo đảm, qua 16 năm xây dựng và phát triển, kinh tế-xã hội của huyện đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Từ năm 2010 đến cuối năm 2023, Châu Thành đã huy động hơn 2.448 tỷ đồng xây dựng nông thôn mới. Huyện cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng gắn với xây dựng nông thôn mới giúp nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp bình quân năm 2023 đạt 152 triệu đồng/ha, tăng 55 triệu đồng so với năm 2015 và tăng 60 triệu đồng so với năm 2010.

Huyện có hơn 50% số dân là đồng bào dân tộc thiểu số đạt chuẩn nông thôn mới ảnh 2

Lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng tặng kinh phí để huyện Châu Thành xây dựng nông thôn mới nâng cao.

Giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn đạt tốc độ tăng trưởng khá với tốc độ tăng bình quân hơn 10%/năm. Tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn năm 2023 của huyện giảm chỉ còn 1,71%, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn gần 61 triệu đồng, tăng 2,1 lần so với năm 2010.

Cảnh quan môi trường nông thôn ngày càng sáng-xanh-sạch-đẹp-an toàn, nhiều tuyến đường nông thôn mới kiểu mẫu đã được hình thành, thu hút đông đảo người dân tham gia.

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng Vương Quốc Nam đề xuất 4 nhóm giải pháp, nhất là các tiêu chí liên quan trực tiếp đến chất lượng cuộc sống của người dân nông thôn. Đối với các xã đã đạt chuẩn nông thôn mới, cần xây dựng lộ trình, tập trung chỉ đạo xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu.

Huyện có hơn 50% số dân là đồng bào dân tộc thiểu số đạt chuẩn nông thôn mới ảnh 3

Doanh nghiệp tặng học bổng cho học sinh dân tộc vượt khó học giỏi

Nâng giá trị các nông sản chủ lực ở địa phương trên cơ sở áp dụng công nghệ thông minh, cơ giới hóa sản xuất, xây dựng thương hiệu hàng hóa, quảng bá sản phẩm; thúc đẩy liên doanh, liên kết, hình thành chuỗi giá trị, thu hút thêm nhiều doanh nghiệp đầu tư vào phát triển nông nghiệp, du lịch; thực hiện có hiệu quả Chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP.

Cần phát huy vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng nông thôn mới theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.

Đồng chí Vương Quốc Nam đề nghị các huyện, thị xã trong tỉnh Sóc Trăng tích cực trao đổi, học tập, nghiên cứu những kinh nghiệm hay của huyện Châu Thành vận dụng vào thực tiễn nhằm đẩy mạnh hơn nữa phong trào xây dựng nông thôn mới trên phạm vi toàn tỉnh.

Qua đó, đem đến những lợi ích thiết thực cho nhân dân, góp phần xây dựng nông thôn bình yên, hạnh phúc, ngày càng sung túc và phát triển bền vững.