20 năm qua, hội nghị đại biểu nhân dân bàn việc xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, trọng tâm là nâng cao chất lượng cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng Nông thôn mới, đô thị văn minh” là hoạt động thường niên được thành phố triển khai ở các khu dân cư và các xã, phường, thị trấn.
“Hội nghị Diên hồng” tại khu dân cư
Hội nghị đã trở thành nét đẹp, biểu thị cho tinh thần đoàn kết, phát huy dân chủ, vai trò, trách nhiệm của nhân dân trong xây dựng quê hương tại mỗi cộng đồng dân cư, được tổ chức với các hình thức phù hợp với tình hình thực tiễn tại cơ sở.
Chỉ tính riêng năm 2023, việc tổ chức Hội nghị đại biểu nhân dân ở cấp xã, phường, thị trấn đã có 71.565/81.461 đại biểu tham dự (đạt 87,85%); thôn/tổ dân phố đã có 697.682 đại biểu tham dự (đạt 84%), với 26.425 ý kiến phát biểu tại hội nghị. Các ý kiến tập trung bàn biện pháp thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng Nông thôn mới, đô thị văn minh”; nâng cao chất lượng bình xét các danh hiệu văn hóa, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội; các biện pháp xóa bỏ những hủ tục lạc hậu trong việc cưới, việc tang và lễ hội; các quy tắc ứng xử nơi công cộng; công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng, tài nguyên khoáng sản (khai thác đất, cát trái phép) trên địa bàn...
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến bàn biện pháp xử lý nghiêm trường hợp lấn, chiếm lòng, lề đường, vỉa hè gây cản trở giao thông; những cách làm cụ thể nhằm giảm hộ nghèo; tham gia giải quyết những vấn đề, mâu thuẫn phát sinh trong nội bộ dân cư, không để xảy ra điểm nóng, khiếu nại vượt cấp... Ông Nguyễn Xuân Toản (ở thôn La Thạch, xã Phương Đình, huyện Đan Phượng) cho biết: Hội nghị được nhân dân xem như “Hội nghị Diên hồng” khi người dân được tham gia với vai trò chủ thể, từ hiến kế, bàn giải pháp đến thống nhất thực hiện.
Theo Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội Nguyễn Sỹ Trường, việc tổ chức Hội nghị đại biểu nhân dân là cách làm mới, sáng tạo, rất riêng của Hà Nội nhằm phát huy dân chủ của nhân dân với phương châm: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Đồng thời để các tầng lớp nhân dân ở cơ sở hiến kế, đóng góp những giải pháp hữu hiệu, thiết thực để xây dựng đời sống văn hóa tại địa phương mình.
Đưa nguyện vọng của người dân vào chính sách
Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền và các tổ chức thành viên phát huy vai trò và quyền làm chủ của nhân dân tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. 5 năm gần đây, Mặt trận các cấp của thành phố đã có 4.335 lượt ý kiến tham gia vào báo cáo chính trị; 4.392 lượt ý kiến tham gia vào báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2015-2020; tổ chức 4.428 đoàn giám sát, phối hợp tham gia 6.920 đoàn giám sát... Đã có 2.282 hội nghị phản biện xã hội được triển khai ở các cấp. Các ý kiến giám sát, phản biện xã hội được chính quyền các cấp nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh sửa để các chủ trương, chính sách được thực hiện khả thi.
Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố đã chủ động lựa chọn những nội dung trọng tâm, trọng điểm, những vấn đề người dân quan tâm kiến nghị để giám sát như: Việc quản lý và sử dụng đất đai; trật tự xây dựng tại xã, phường, thị trấn; chính sách đền bù giải phóng mặt bằng thực hiện các dự án; công tác tiếp công dân, giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo…
Tháng 8 năm 2023, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội đã phối hợp tổ chức thành công Hội nghị đối thoại giữa đồng chí Bí thư Thành ủy với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp thành phố theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, với sự tham dự của hơn 6.000 đại biểu là cán bộ mặt trận các cấp, các ủy viên Ủy ban Mặt trận Việt Nam các cấp trên địa bàn thành phố, các hội đồng tư vấn của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố.
Thông qua hội nghị, 27 nội dung thuộc bốn nhóm vấn đề lớn mà nhân dân quan tâm đã được đồng chí Bí thư Thành ủy và đại diện các sở, ngành thành phố giải đáp, qua đó góp phần thắt chặt mối quan hệ, củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng và chính quyền.
Dự Hội nghị lần thứ 11, khóa 17, nhiệm kỳ 2019-2024 của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh ghi nhận, công tác giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội là một trong những điểm sáng của cả nước, có sự phối hợp chặt chẽ, có chiều sâu và có kết quả cụ thể. Các hoạt động giám sát không chồng chéo, góp phần để các cơ quan chức năng tiếp tục điều chỉnh những giải pháp để triển khai thực hiện tốt hơn nhiệm vụ phát triển kinh tế và chính sách hỗ trợ. Các hoạt động phản biện xã hội cũng đã đưa tiếng nói của người dân vào các chính sách của thành phố; đem hơi thở, ý chí, nguyện vọng của nhân dân, cử tri Hà Nội đến Quốc hội rất rõ nét.
(Còn nữa)
(*) Xem Trang Hà Nội, Báo Nhân Dân số ra các ngày 12, 15, 19/12/2023.