Những năm gần đây, do tác động từ mặt trái của xã hội, văn hóa gia đình chịu ảnh hưởng tiêu cực. Mối quan hệ giữa các thành viên gia đình có biểu hiện ngày càng lỏng lẻo. Đơn cử như bữa cơm gia đình với không ít người cũng là một điều khá “xa xỉ”. Một số giá trị: hiếu nghĩa, thủy chung có biểu hiện xuống cấp, áp lực cuộc sống khu vực đô thị dễ làm nảy sinh nhiều mâu thuẫn... Từ thực tế này, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Bộ Tiêu chí ứng xử trong gia đình. Thành phố Hà Nội triển khai thí điểm tại quận Thanh Xuân và huyện Ba Vì từ năm 2019, sau đó, từng bước nhân rộng. Bộ Tiêu chí ứng xử trong gia đình được các cấp, các ngành triển khai thực hiện gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, nhất là việc đăng ký, bình xét danh hiệu Gia đình văn hóa, góp phần nâng cao chất lượng các danh hiệu văn hóa tại cơ sở, phù hợp với đời sống văn minh đô thị thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và phát triển Thủ đô. Việc triển khai cũng xuất hiện những cách làm, kinh nghiệm hay, qua đó, giáo dục đạo đức, lối sống, cách ứng xử tốt đẹp trong gia đình; nâng cao vai trò các thành viên với việc giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp của gia đình, của dân tộc.
Tuy nhiên, những nếp ứng xử của các thành viên trong gia đình chỉ có thể hình thành qua nhiều năm tháng, phải vun đắp thường xuyên. Trong bối cảnh xã hội hiện nay, nhiều nếp sống, cách ứng xử tiêu cực lan tỏa nhanh, nhất là khi mạng xã hội ngày càng phát triển. Do đó, cần sự phối hợp giữa gia đình, chính quyền, đoàn thể xã hội và nhà trường để tạo nên tác động đa chiều đến mỗi cá nhân. Ông Nguyễn Văn Đức, ở Tổ dân phố số 13 (phường Bồ Đề, quận Long Biên) - đại diện Gia đình văn hóa tiêu biểu cho biết: “Gia đình tôi có 12 người, ba thế hệ. Trong đó có tám người sống trong một mái nhà. Chúng tôi sống hạnh phúc nhiều năm qua nhờ phương châm người lớn phải gương mẫu. Trong những câu chuyện nhỏ với con trẻ, những bữa cơm, các hoạt động tập trung dịp lễ, Tết, kỷ niệm, sinh nhật... chúng tôi đều lồng ghép, nói chuyện về việc ứng xử, về sự tôn trọng, bình đẳng, yêu thương và sẻ chia để từng bước điều chỉnh thái độ, cách ứng xử hài hòa và đúng mực”.
Nhà trường cũng đóng vai trò hết sức quan trọng trong hình thành nhân cách của trẻ, trong đó có cách ứng xử trong gia đình. Đây là chia sẻ của cô giáo Ngô Minh Hường, Tổng phụ trách Đội-Liên đội Trường tiểu học Hoàng Diệu (quận Ba Đình). Cô Hường cho biết, bản thân cô đã lồng ghép giáo dục văn hóa ứng xử trong gia đình vào chương trình giảng dạy. Trong các giờ sinh hoạt dưới cờ vào sáng thứ hai đầu tuần theo chuyên đề “Mỗi tuần một câu chuyện đẹp, một cuốn sách hay, một tấm gương sáng”, các em thiếu nhi đều được giáo dục lối sống yêu thương, có trách nhiệm. Bên cạnh đó, cô Hường cũng tăng cường tổ chức buổi giao lưu, thảo luận và nhóm tranh luận; sử dụng mô phỏng hoặc trò chơi đóng vai để giúp các em thiếu nhi hiểu rõ hơn về các tình huống giao tiếp và ứng xử... Những hoạt động này giúp các em hình thành lòng biết ơn, sự quan tâm đến ông bà, bố mẹ qua lời nói và cả hành động cụ thể.
Để nâng cao chất lượng Bộ Tiêu chí ứng xử trong gia đình, xây dựng văn hóa gia đình thì không thể không nói đến vai trò của chị em phụ nữ. Hội Liên hiệp Phụ nữ quận Tây Hồ đã triển khai Bộ Tiêu chí ứng xử trong gia đình gắn với thực hiện Cuộc vận động “Phụ nữ Thủ đô ứng xử đẹp”, phong trào “Phụ nữ Thủ đô tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình văn minh hạnh phúc” với các nội dung như: Thương yêu, tôn trọng, quan tâm, chia sẻ giữa các thành viên trong gia đình; kính trọng, hiếu thảo với ông bà, cha mẹ; hòa thuận với anh chị em, họ hàng; xây dựng mối quan hệ tốt với hàng xóm, láng giềng; thực hiện cưới, tang văn minh; không có bạo lực trong gia đình. Các cấp cơ sở tổ chức ra mắt mô hình: Phụ nữ Xuân La nói lời hay, ứng xử đẹp; Phụ nữ Tứ Liên hài hòa, thanh lịch, văn minh; Phụ nữ Quảng An kết nối vòng tay nhân ái... đồng thời, đẩy mạnh truyên truyền trên các nền tảng mạng xã hội và đem lại nhiều hiệu quả tích cực.
Để nâng cao hơn nữa chất lượng triển khai Bộ Tiêu chí ứng xử trong gia đình, trong tháng 10/2023, Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Hà Nội tổ chức nhiều hội nghị nhằm chia sẻ kinh nghiệm, những cách làm hay của các ngành, đoàn thể và địa phương. Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Trần Thị Vân Anh đề nghị các sở, ngành, quận, huyện cần nâng cao hơn nữa chất lượng xây dựng Gia đình văn hóa; chú trọng triển khai thực hiện nghiêm túc, khách quan, công bằng việc bình xét và công nhận các danh hiệu theo đúng quy định; nâng cao chất lượng và phát huy hiệu quả các danh hiệu văn hóa; tăng cường phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong định hướng giá trị, giáo dục đạo đức, lối sống, văn hóa ứng xử cho thế hệ trẻ. Đây chính là những biện pháp để xây dựng văn hóa gia đình một cách bền vững ■