Trước thực trạng các tuyến sông, kênh, rạch bị lấn chiếm, ô nhiễm, với sự vào cuộc mạnh mẽ của chính quyền và sự tham gia tích cực của người dân, quận đã triển khai các hoạt động cải tạo nhằm bảo vệ môi trường, tăng diện tích mỹ quan đô thị trên địa bàn.
Theo Ủy ban nhân dân Quận 7, sau nhiều năm, các tuyến sông, kênh, rạch trên địa bàn bị cây dừa nước xâm lấn, che tầm nhìn, rác thải tù đọng gây ảnh hưởng rất lớn tới dòng chảy. Nhiều kênh, rạch trong khu dân cư bị thu hẹp, rác ứ đọng, chặn dòng thoát nước làm phát sinh dịch bệnh. Cảnh quan các sông, kênh, rạch ven các tuyến phố thiếu mỹ quan do rác, phế thải người dân xả.
Để trả lại dòng chảy tự nhiên cho các tuyến kênh, rạch, đặc biệt là tạo cảnh quan khu vực, nâng cao đời sống, bảo vệ môi trường trong các khu dân cư, Quận ủy Quận 7 đã ban hành Quyết định để thực hiện thí điểm xây dựng cảnh quan cây xanh ven ao, hồ, kênh, rạch gắn với các tuyến phố trên địa bàn như:
Ao Song Tân, rạch Bần Đôn, rạch Cả Cấm (đoạn từ cầu Cả Cấm 2 đến cống hộp đường Nguyễn Văn Linh) đi qua các phường: Tân Quy, Tân Kiểng, Tân Thuận Tây, Bình Thuận, Tân Phú; rạch Bà Bướm (đoạn từ cầu Bà Bướm đến khu dân cư Nam Long) thuộc phường Phú Thuận.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Quận 7 Lê Văn Thành cho biết: Các đơn vị tiến hành xác định các “quy trình” thực hiện để bảo đảm đạt hiệu quả tối đa khi thực hiện. Sau khi “điểm danh” các tuyến kênh, rạch, các địa phương, đơn vị sẽ triển khai nạo vét, vớt rác khơi thông dòng chảy, phát quang bụi rậm hai bên bờ kênh, rạch, ao hồ. Kế đến, các cây xanh, mảng xanh sẽ được trồng để thay thế nhằm tránh tình trạng tái lấn chiếm.
Sau khi nghiệm thu, đánh giá, các công trình sẽ bàn giao và phân công đơn vị quản lý, bảo dưỡng lâu dài. Với cách làm này, các đơn vị đã cùng phối hợp với nhân dân, các tổ chức đoàn thể chính trị-xã hội trên địa bàn thực hiện vớt rác, cắt tỉa cây bần, lá dừa nước và trồng cây xanh tại nhiều “điểm đen” về môi trường. Tiêu biểu như ven rạch Cả Cấm (đoạn từ đường Nguyễn Lương Bằng đến cống hộp đường Nguyễn Văn Linh) với chiều dài toàn tuyến 3,5 km, các đơn vị đã huy động 250 người tham gia, tương đương 6.225 ngày công lao động; lấp đất, trồng 70 cây dừa; vớt 60 tấn rác từ các dòng kênh, rạch.
Thời gian qua, Ủy ban nhân dân 10 phường đã đồng loạt triển khai vớt rác, khơi thông dòng chảy và tạo dựng cảnh quan cây xanh tại 30 địa điểm với quy mô chiều dài khoảng 4,8 km và trên các khu đất diện tích khoảng 5.900 m2; trong đó, đã huy động tổng số 2.167 người tham gia để trồng 5.190 cây xanh, vớt 10 tấn rác để khơi thông dòng chảy trên các tuyến rạch. Kinh phí thực hiện ước tính 1,2 tỷ đồng từ nguồn kinh phí xã hội hóa, góp phần tạo mỹ quan đô thị, tạo không gian văn hóa vui chơi, giải trí cho cư dân và trẻ em trong các khu dân cư.
Hoạt động này cũng gắn liền với việc thực hiện Chỉ thị số 19-CT/TU ngày 19/10/2018 của Ban Thường vụ Thành ủy về thực hiện Cuộc vận động “Người dân Thành phố Hồ Chí Minh không xả rác ra đường và kênh rạch, vì thành phố sạch và giảm ngập nước”.
Đến nay, Quận 7 đã hoàn thành 70 công trình chuyển hóa các điểm phát sinh rác thành mảng xanh, khu tập thể thao cho người dân trong khu vực; thực hiện vớt rác, phát quang, khơi thông dòng chảy 120 nhánh rạch, ao, hồ. Ngoài ra, với mục tiêu chỉnh trang phát triển đô thị, thời gian qua, quận cũng triển khai đầu tư xây mới ba cây cầu với tổng kinh phí khoảng gần 11 tỷ đồng từ nguồn vốn xã hội hóa.
Hoàn thành nâng cấp, mở rộng 122 tuyến hẻm, trong đó có 40 tuyến hẻm đạt bề rộng tối thiểu 4 m; nâng cấp theo hiện trạng 82 tuyến hẻm với tổng kinh phí xây dựng hơn 52,54 tỷ đồng; trong đó, khoảng 29,62 tỷ đồng từ nguồn xã hội hóa. Đơn cử như cây cầu tại hẻm 525 Lê Văn Lương kết nối vào đình Tân Quy Đông trước khi được nâng cấp, mở rộng có quy mô dài 42 m, rộng 1,2 m đã xuống cấp, chủ yếu phục vụ khách bộ hành và xe hai bánh. Sau khi được xây mới đã nâng chiều dài lên 70 m; rộng 3,4 m; tải trọng 5 tấn. Ông Đỗ Văn Tám, Trưởng ban Tế tự đình Tân Quy Đông phấn khởi cho biết: Công trình hoàn thành sẽ làm tăng kết nối giao thông, bảo đảm an toàn cho người dân trong khu vực và du khách thập phương khi viếng đình.
Tương tự, từ việc huy động sức dân, nguồn lực xã hội hóa, tuyến hẻm 1248 Huỳnh Tấn Phát dẫn vào chùa Long Hoa (khu di tích lịch sử cấp thành phố) hiện cũng đã được khoác lên mình chiếc áo mới. Trước đây tuyến hẻm có tổng chiều dài 310 m, bề rộng hẻm từ 2,7-4,7 m là ranh giữa phường Phú Mỹ và phường Tân Phú, sau khi cải tạo đã nâng bề rộng hẻm lên thành 6 m. Để hoàn thành, chính quyền địa phương đã vận động bảy hộ dân và một tổ chức cùng đồng thuận để thực hiện công trình này.
Bí thư Quận ủy Quận 7 Võ Khắc Thái cho biết: Thời gian tới, quận sẽ tiếp tục thực hiện giai đoạn 2 cải tạo một số tuyến kênh; đồng thời, duy trì thoát nước, cảnh quan đã thực hiện. Đối với khu vực có quy mô diện tích lớn thì đưa vào danh mục duy tu bảo dưỡng cây xanh, đối với khu vực có diện tích nhỏ sẽ giao phường, khu phố và đoàn thể quản lý.
Quận cũng tiếp tục phối hợp cùng Trung tâm Quản lý đường thủy tiến hành duy tu, nạo vét các tuyến rạch nhằm mục đích khơi thông dòng chảy, bảo đảm thoát nước, phục vụ phát triển giao thông thủy và giảm ô nhiễm, dịch bệnh; tiếp tục đồng hành cùng các đơn vị triển khai chương trình phân loại, thu gom và tái chế rác thải nhựa trên địa bàn quận.