Cùng với đó, việc giám định ADN nhằm xác định danh tính các liệt sĩ do các sở lao động-thương binh và xã hội địa phương gửi về Cục Người có công (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) theo đề nghị của thân nhân cũng bị ngưng trệ.
Nghị định số 131/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định: Trong thời gian 6 tháng, đơn vị thực hiện nhiệm vụ giám định hài cốt liệt sĩ phải hoàn thành; các cơ quan chức năng hoàn thiện thủ tục không quá 12 ngày làm việc khi có kết quả giám định. Tuy nhiên, cho đến nay, các đơn vị giám định vẫn chưa thể tiến hành công việc này vì không có kinh phí, trong khi, thân nhân các liệt sĩ vẫn ngày đêm mong mỏi nhận được kết quả. Việc này cũng khiến dư luận băn khoăn, nếu để chậm trễ, kéo dài thêm, có thể không còn cơ hội đón các liệt sĩ trở về.
Sau khi báo phản ánh sự việc trên, Trung tướng Hoàng Khánh Hưng, Chủ tịch Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam chia sẻ: “Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam sẵn sàng đồng hành cùng các thân nhân liệt sĩ K20. Hiện nay, Hội đang tích cực vào cuộc với mong muốn các liệt sĩ K20 sớm được trả lại tên tuổi, quê quán, được gia đình, chính quyền địa phương và nhân dân đón các anh về yên nghỉ tại quê nhà”.
Trung tướng Hoàng Khánh Hưng cho biết: Những năm qua, Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam đã hỗ trợ kinh phí giám định ADN hơn 1.000 liệt sĩ, lấy mẫu phẩm của hơn 1.000 thân nhân liệt sĩ, xác định danh tính gần 500 liệt sĩ, hỗ trợ tìm kiếm và quy tập hơn 200 hài cốt liệt sĩ. Hội cũng đã tư vấn, hỗ trợ thông tin cho hàng chục nghìn gia đình liệt sĩ và trực tiếp giúp đỡ hơn 1.200 gia đình đưa hài cốt liệt sĩ về quê hương. Để có kinh phí thực hiện các hoạt động tri ân liệt sĩ, trong đó có xác định danh tính hài cốt liệt sĩ, Hội đã tiếp nhận hỗ trợ tài chính từ các cơ quan, đơn vị, các tổ chức, cá nhân.
Ngày 4/7/2024, Bộ Công an đã có Công văn số 2217/BCA-C06 về việc triển khai thu nhận mẫu ADN cho thân nhân của liệt sĩ chưa xác định được thông tin. Theo đó, để thúc đẩy việc thực hiện lấy mẫu, phân tích thông tin ADN của thân nhân liệt sĩ chưa xác định được phần mộ liệt sĩ và hài cốt liệt sĩ chưa xác định danh tính, Bộ Công an đề nghị Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội phối hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép thực hiện phương án: Tận dụng tối đa nguồn lực xã hội hóa và triển khai giải pháp hạ tầng công nghệ trên Hệ thống căn cước và Hệ thống cơ sở dữ liệu của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội. Đối với thân nhân liệt sĩ thì thực hiện triển khai trên diện rộng, đối với mẫu hài cốt liệt sĩ thì thực hiện theo các đợt quy tập, lấy mẫu trong quá trình cải tạo, nâng cấp nghĩa trang liệt sĩ có liên quan đến phần mộ liệt sĩ.
Năm 2024, Ban Chỉ đạo quốc gia về tìm kiếm, quy tập và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin (Ban Chỉ đạo quốc gia 515) đặt mục tiêu phấn đấu tìm kiếm, quy tập khoảng 1.500 hài cốt liệt sĩ; giám định ADN khoảng 2.000 mẫu hài cốt liệt sĩ.
Năm 2024, Ban Chỉ đạo quốc gia về tìm kiếm, quy tập và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin (Ban Chỉ đạo quốc gia 515) đặt mục tiêu phấn đấu tìm kiếm, quy tập khoảng 1.500 hài cốt liệt sĩ; giám định ADN khoảng 2.000 mẫu hài cốt liệt sĩ. Tuy nhiên, đến thời điểm này, các đơn vị giám định vẫn đang chờ văn bản của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính quy định định mức kinh tế-kỹ thuật, là cơ sở để xác định đơn giá cho từng phần việc giám định mới có thể tiến hành công tác giám định ADN xác định danh tính hài cốt liệt sĩ, cho nên rất khó đạt được mục tiêu kể trên.
Từ thực tế trên cho thấy, bên cạnh những nguyên nhân khách quan như: Thời gian liệt sĩ hy sinh đã qua lâu, thông tin về nơi chôn cất và hồ sơ của các liệt sĩ không đầy đủ, không chính xác hoặc bị mất, kỹ thuật xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn nhiều hạn chế, còn có nguyên nhân chủ quan là việc xây dựng, ban hành các văn bản pháp luật của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính quy định định mức, đơn giá còn chậm trễ và bất cập.
Hiện cả nước còn gần 180.000 liệt sĩ chưa tìm thấy hài cốt, hơn 300.000 hài cốt liệt sĩ chưa xác định được danh tính. Để đẩy nhanh tiến độ tìm kiếm và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ, bên cạnh việc hoàn thiện cơ chế, chính sách, tháo gỡ “điểm nghẽn”, thì việc huy động mọi nguồn lực xã hội là rất cần thiết. Sự tham gia của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân và cộng đồng xã hội sẽ tạo nên sức mạnh tổng hợp, giúp giải quyết nhanh và hiệu quả vấn đề này.
“Các liệt sĩ đã hy sinh nửa thế kỷ, nếu để chậm trễ thì công tác giám định ADN càng khó thực hiện do mẫu sinh phẩm bị phân hủy. Vì vậy, cùng với ngân sách nhà nước, cần có cơ chế, giải pháp huy động các nguồn lực xã hội, tăng cường đầu tư công nghệ và thiết bị hiện đại, đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật, nâng cao trình độ, năng lực chuyên môn của đội ngũ giám định viên để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám định hài cốt liệt sĩ”, Trung tướng Hoàng Khánh Hưng nhấn mạnh.
Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, cần khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân đóng góp tài chính, vật chất để hỗ trợ công tác tìm kiếm và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ. Các nguồn lực này sẽ được sử dụng để đầu tư trang bị, thiết bị hiện đại, đào tạo nhân lực và tiến hành các hoạt động tìm kiếm, quy tập và xét nghiệm ADN; đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng các công nghệ tiên tiến trong việc xác định danh tính hài cốt liệt sĩ như công nghệ ADN, trí tuệ nhân tạo và dữ liệu lớn (big data); hợp tác với các viện nghiên cứu và các tổ chức khoa học trong và ngoài nước để nâng cao hiệu quả công tác này. Các cơ quan chức năng cần tăng cường hợp tác với các quốc gia từng có quân đội tham chiến tại Việt Nam, các tổ chức quốc tế và cộng đồng người Việt ở nước ngoài để chia sẻ thông tin, kinh nghiệm và nguồn lực trong công tác tìm kiếm và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ.