Huy động hiệu quả nguồn lực cho truyền thông chính sách

NDO - Vấn đề nguồn lực cho truyền thông chính sách đóng vai trò tiên quyết trong bối cảnh chuyển đổi số. Nguồn lực ấy phải được đầu tư xứng đáng, sử dụng linh hoạt và hiệu quả mới có thể tạo ra sức mạnh tổng hợp, trở thành động lực trong thực thi chính sách, góp phần quan trọng vào quá trình xây dựng và phát triển đất nước nhanh, bền vững.
0:00 / 0:00
0:00
Quang cảnh Hội thảo khoa học quốc tế “Nguồn lực cho truyền thông chính sách”.
Quang cảnh Hội thảo khoa học quốc tế “Nguồn lực cho truyền thông chính sách”.

Sáng 1/11, Học viện Báo chí và Tuyên truyền phối hợp cùng Tạp chí Cộng sản và Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế “Nguồn lực cho truyền thông chính sách”.

Phát biểu tại sự kiện, GS, TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho biết: “Trong rất nhiều yếu tố để truyền thông chính sách hiệu quả như con người, chiến lược, mô hình và công nghệ thì nguồn lực được xem là yếu tố quan trọng, đóng vai trò là điều kiện bảo đảm. Công tác hoạch định, ban hành và thực thi chính sách phải lấy dân là gốc. Công tác truyền thông chính sách phải lấy nhân dân làm trung tâm”.

Đây là hội thảo thứ 8 trong loạt hội thảo về truyền thông chính sách được tổ chức từ năm 2016. Chủ đề của hội thảo năm nay là truyền thông chính sách để nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi chính sách và nguồn lực để truyền thông chính sách hiệu quả.

Năm 2023 được đánh giá là năm có những bước biến chuyển mạnh mẽ trong nhận thức, tư duy và hoạt động truyền thông chính sách từ Chính phủ đến các bộ ngành Trung ương và địa phương. Công tác này không chỉ bảo đảm quyền tiếp cận thông tin cho người dân mà còn nâng cao trách nhiệm giải trình của Chính phủ, các bộ, ngành, góp phần thúc đẩy quá trình dân chủ hóa đời sống xã hội.

Huy động hiệu quả nguồn lực cho truyền thông chính sách ảnh 1

Các đại biểu tham dự Hội thảo.

Nguồn lực cho truyền thông chính sách phải được đặt trong tổng thể của quá trình truyền thông, ở cả nguồn lực vật chất lẫn tinh thần, xuyên suốt tất cả các khâu từ trước, trong và sau quá trình truyền thông chính sách. Nguồn lực ấy phải được đầu tư xứng đáng, sử dụng linh hoạt, đúng mục đích, đúng đối tượng và đúng thời điểm. Chỉ khi làm được điều này, công tác truyền thông mới có thể tạo ra sức mạnh tổng hợp, góp phần quan trọng vào quá trình phát triển đất nước.

PGS, TS Phạm Minh Tuấn, Phó Tổng biên tập phụ trách Tạp chí Cộng sản xác định, các cơ quan báo chí là lực lượng chủ lực trong công tác này. Báo chí giúp người dân tiếp nhận thông tin; đồng thời, tham gia vào quá trình hoạch định, thảo luận và phản biện chính sách theo đúng tinh thần lấy người dân làm trung tâm. Từ đó, tạo cầu nối bền chặt giữa Đảng, Nhà nước, Chính phủ và nhân dân Việt Nam.

Tại Hội thảo, những điểm mới trong chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và Chính phủ xoay quanh vấn đề này cũng được làm rõ. Các đại biểu cũng thảo luận về kinh nghiệm và những cách làm hay trong việc huy động và sử dụng các nguồn lực cho công tác truyền thông chính sách tại các bộ, ngành và các cơ quan báo chí.

Từ năm 2018, Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã mở chương trình đào tạo cử nhân truyền thông chính sách nhằm cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao về lĩnh vực trên cho đất nước.

Theo PGS, TS Phạm Minh Sơn, Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền, việc bồi dưỡng, nâng cao năng lực của đội ngũ làm công tác truyền thông chính sách là một trong những giải pháp quan trọng để tăng cường truyền thông chính sách.

Bên cạnh các kiến thức và kỹ năng chuyên ngành, kiến thức về chính trị, kinh tế, xã hội trong chương trình giảng dạy cũng xây dựng bài bản, tham khảo các mô hình, kinh nghiệm quốc tế.