Giao thông kết nối
Nhiều năm qua, được sự quan tâm bố trí vốn của T.Ư và huy động thêm các nguồn đầu tư theo chính sách hiện hành, mạng lưới giao thông ở Thanh Hóa đã và đang được đầu tư xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp. Trên địa bàn tỉnh đã có thêm đường nối Khu kinh tế (KKT) Nghi Sơn với Cảng hàng không Thọ Xuân; đường 217 được nâng cấp, mở rộng, nối q uốc lộ (QL) 1A liên thông lên các huyện miền núi, vùng thượng Lào.
Đường tuần tra biên giới, đường nối các huyện miền tây (QL16), tuyến đường lên huyện vùng cao Mường Lát được cải tạo, nâng cấp lên QL15C, kết nối với QL15A, mạng lưới giao thông trong khu vực nên vùng tây bắc tỉnh Thanh Hóa đỡ cách trở hơn.
Tuyến đường ven biển dài 96,2 km đang được triển khai, đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng, trong đó đoạn từ thành phố Sầm Sơn đến gần hết địa phận huyện Quảng Xương dài 12,5 km cơ bản hoàn thành; đoạn Nga Sơn - Hoằng Hóa dài 26 km được đầu tư bằng vốn ngân sách là chủ yếu đang triển khai giải phóng mặt bằng; 12,3 km đường Hoằng Hóa - Sầm Sơn và 17,2 km Quảng Xương - Hải Ninh đầu tư theo phương thức BOT; đoạn Ninh Hải đến đường Bắc Nam 2, KKT Nghi Sơn đầu tư công từ nguồn vốn vay WB và vốn đối ứng của tỉnh dự kiến khởi công trong năm tới.
Phía bờ tả sông Mã sẽ có thêm đại lộ bắc sông Mã tới Khu du lịch Hải Tiến, kết nối với tuyến đường bộ ven biển, đô thi du lịch Sầm Sơn. Từ thành phố Thanh Hóa đến thành phố Sầm Sơn đã có tuyến kết nối bằng đại lộ nam sông Mã và tuyến Ngã Tư Voi nối với đường tỉnh 511, khắc phục tình trạng ách tắc, ùn ứ giao thông dịp khai trương và những tháng cao điểm gia tăng đột biến phương tiện, người đi du lịch.
Tháng 10 năm nay, tuyến đường bộ cao tốc bắc - nam phía đông được đồng loạt khởi công xây dựng và tỉnh Thanh Hóa đã cơ bản hoàn thành giải phóng mặt bằng sạch, bảo đảm cho nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công hơn 63 km đoạn cao tốc Ninh Bình - Thanh Hóa được đầu tư từ nguồn ngân sách.
Chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 19, Thanh Hóa khởi công tuyến đường nối thành phố Thanh Hóa với Cảng hàng không Thọ Xuân dài 35 km có tổng mức đầu tư 3.567 tỷ đồng để thi công chiều dài tuyến, công trình trên tuyến; trước mắt bảo đảm quy mô bốn làn xe cơ giới, hai làn xe thô sơ lưu thông, phấn đấu hoàn thành, đưa vào khai thác sau 24 tháng thi công.
Thông điểm nghẽn và cua từ Ngã ba Nhồi, thuộc phường An Hưng, thành phố Thanh Hóa đến điểm giao giữa Quốc lộ 47 với đường vào Cảng hàng không Thọ Xuân, tuyến đường kết nối với hệ thống giao thông trong khu vực, đường cao tốc bắc - nam đang triển khai thi công.
Những công trình giao thông lớn đã và đang được đầu tư, phát huy hiệu quả kết nối liên vùng, các trung tâm kinh tế trong tỉnh, thông thương với tỉnh bạn. Phạm Văn Chung, Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính Sở Giao thông vận tải (GTVT) tỉnh Thanh Hóa trao đổi, thực hiện Nghị quyết số 19 của Đảng bộ tỉnh, Nghị quyết 58 của Bộ Chính trị, Sở GTVT đã đề xuất, điều chỉnh quy hoạch, bổ sung thêm 10 tuyến, trục giao thông nhằm từng bước hoàn thiện hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại. Hệ thống giao thông sẽ kết nối, phát triển hành lang kinh tế ven biển, hành lang kinh tế bắc - nam, hành lang kinh tế đường Hồ Chí Minh, hành lang kinh tế đông bắc, hành lang kinh tế trung tâm và hành lang kinh tế quốc tế, góp phần khai thác tiềm năng thế mạnh ở các địa phương, vùng kinh tế động lực, thúc đẩy Thanh Hóa sớm trở thành một cực tăng trưởng mới, hợp thành tứ giác phát triển ở phía bắc Tổ quốc.
Thúc đẩy cỗ xe “tam mã”
Năm nay, tỉnh Thanh Hóa được giao kế hoạch, quản lý gần 9.706 tỷ đồng đầu tư công và hơn 683 tỷ đồng vốn kế hoạch năm cũ chuyển sang. Tỉnh sớm phân bổ vốn kế hoạch chi tiết cho các chương trình, dự án; nâng cao trách nhiệm người đứng đầu trong giải ngân đầu tư công, phân công các lãnh đạo UBND tỉnh trực tiếp phụ trách từng lĩnh vực đầu tư, chỉ đạo tiến độ thực hiện; yêu cầu các chủ đầu tư ký cam kết tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công; chủ động phối hợp, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, điều chỉnh kế hoạch vốn của các dự án không có khả năng giải ngân hết vốn cho những dự án có tiến độ thực hiện nhanh, còn thiếu vốn; tổ chức các hội nghị giao ban chuyên đề về giải ngân vốn đầu tư công cho các dự án lớn, trọng điểm.
Thanh Hóa đã rà soát, rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ công việc, yêu cầu các đơn vị liên quan rà soát, rút ngắn từ 30-50% thời gian xử lý hồ sơ, thủ tục từ giai đoạn chuẩn bị dự án đến kết thúc, đưa công trình vào khai thác, sử dụng; tăng cường kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện kế hoạch đầu tư công, công tác giải phóng mặt bằng, xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân cản trở, gây khó, làm chậm tiến độ đầu tư công; giao Sở Nội vụ theo dõi tình hình thực hiện làm cơ sở đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ, bình xét danh hiệu thi đua.
Theo đó, tính đến ngày 24-10, giá trị giải ngân đầu tư công năm 2020 do tỉnh quản lý đạt 8.283,1 tỷ đồng, bằng 79,7% kế hoạch vốn được giao, xếp thứ 6/63 tỉnh, thành phố của cả nước về tỷ lệ giải ngân cao. Nhiều nguồn vốn đạt tỷ lệ giải ngân cao như chi xây dựng cơ bản vốn tập trung trong nước nguồn ngân sách tỉnh đạt 80,4% kế hoạch, vốn đầu tư từ nguồn thu tiền sử dụng đất đạt 100%, vốn ngân sách T.Ư thuộc các chương trình mục tiêu đạt 89,8%, vốn trái phiếu Chính phủ đạt 94,8% kế hoạch…
Ứng phó đại dịch Covid-19, bảo đảm thực hiện thắng lợi mục tiêu kép đòi hỏi phải đẩy nhanh tiến độ đầu tư công, đầu tư trực tiếp nước ngoài, đầu tư từ các thành phần kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội.
Sau Hội nghị giao ban trực tuyến của Chính phủ với các bộ, cơ quan T.Ư, các địa phương vào tháng 7 năm nay, Thanh Hóa đã và đang thực hiện quyết liệt chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ nên tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2020 do tỉnh Thanh Hóa quản lý từ 43,8% đã tăng nhanh, đạt gần 80% kế hoạch.
Các chủ đầu tư có tỷ lệ giải ngân cao là Sở GTVT đạt 84,1%, Ban Quản lý KKT Nghi Sơn và các khu công nghiệp đạt 65%, UBND các huyện: Nông Cống đạt 98,2%, Hà Trung 80,1%, Đông Sơn đạt 87,1%, Hoằng Hóa đạt 99,5% kế hoạch vốn… Một số dự án có tiến độ giải ngân đạt 100% vốn kế hoạch như nâng cấp, cải tạo các tuyến giao thông: Xuân Quỳ - Thanh Lâm - Thanh Xuân, huyện Như Xuân; đường từ QL1A đến Khu du lịch Hải Tiến, huyện Hoằng Hóa, giai đoạn 1; đường tỉnh 515 Ba Chè - Thiệu Toán - Hạnh Phúc; thi công tuyến đường trục chính đô thị, thị trấn Đông Sơn.
Riêng các dự án đầu tư công theo nguồn vốn vay nước ngoài, tính từ giữa tháng 7 đến nay Thanh Hóa đã giải ngân được gần 119 tỷ đồng, bằng 98% giá trị giải ngân của cả bảy tháng đầu năm 2020. Lũy kế đến ngày 26-10-2020, các ngành, địa phương của tỉnh đã giải ngân được 242,109 tỷ đồng, đạt 40% kế hoạch vốn được giao.
Tuy tiến độ giải ngân có kết quả khả quan hơn nhưng còn tương đối chậm, chưa đạt yêu cầu đề ra. Ngoài nguyên nhân khách quan, việc thiếu cụ thể, quyết liệt trong đôn đốc, chỉ đạo thực hiện các dự án của chủ đầu tư; chuẩn bị hồ sơ dự án, đền bù, giải phóng mặt bằng chậm; hạn chế về năng lực, tinh thần trách nhiệm của một số cán bộ, công chức trong xử lý hồ sơ, tham mưu giải quyết khó khăn, vướng mắc của các dự án là nguyên nhân chủ quan, chủ yếu dẫn đến không bảo đảm tiến độ thực hiện dự án.
Được biết, trung bình hằng năm, tổng huy động vốn đầu tư toàn xã hội ở Thanh Hóa đạt hơn 120 nghìn tỷ đồng. Thực tiễn đòi hỏi phải cải thiện mạnh mẽ hơn nữa môi trường đầu tư, kinh doanh, huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn vốn đầu tư nhằm phát triển kinh tế nhanh, bền vững, đưa Thanh Hóa sớm trở thành cực tăng trưởng mới.
Theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thanh Hóa, Lê Minh Nghĩa, đi đôi với quyết liệt trong lãnh đạo, điều hành đẩy nhanh tiến độ đầu tư, phát huy hiệu quả nguồn vốn đầu tư công, cần tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành mới một số cơ chế chính sách của tỉnh, nhất là các cơ chế chính sách ưu đãi đầu tư về đất đai, giải phóng mặt bằng; đẩy mạnh xã hội hóa, khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng theo hình thức đối tác công tư, đặc biệt các lĩnh vực đòi hỏi nguồn vốn lớn như hạ tầng giao thông, đô thị, du lịch, hạ tầng các khu kinh tế, khu công nghiệp; đồng thời T.Ư sớm ban hành cơ chế chính sách đặc thù cho tỉnh về đầu tư về tài chính và phân cấp quản lý theo tinh thần Nghị quyết số 58 của Bộ Chính trị.
Tiếp tục huy động đa dạng các nguồn lực để đầu tư kết cấu hạ tầng, trong đó trọng tâm là thu hút các nguồn lực từ bên ngoài, nguồn lực của doanh nghiệp, của khu vực dân cư đầu tư hạ tầng theo hướng đồng bộ, hiện đại; trước mắt là hoàn chỉnh hệ thống cảng biển nước sâu Nghi Sơn, hệ thống giao thông bảo đảm thuận lợi, kết nối các hành lang kinh tế, các vùng kinh tế động lực của tỉnh và hạ tầng các khu công nghiệp khu kinh tế nhằm hấp dẫn, thu hút đầu tư.
Không ngừng nâng cao vai trò tiên phong, năng động của lãnh đạo các ngành, các cấp trong thực hiện trách nhiệm hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp, nhà đầu tư; linh hoạt, sáng tạo, dám nghĩ dám làm và dám chịu trách nhiệm trong giải quyết công việc, kịp thời xử lý những khó khăn, vướng mắc liên quan đến hoạt động của nhà đầu tư, các doanh nghiệp, tiếp tục huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư phát triển.